Văn Cao – Giữa hai bờ thơ nhạc8/11/2023

Trong các tên tuổi văn nghệ sĩ đi theo cách mạng từ nửa đầu thế kỷ 20, Văn Cao ( 15/11/1923 – 10/07/1995) là một nhân vật thật đặc biệt bởi những đóng góp phong phú của ông ở cả ba lĩnh vực: thơ, nhạc, họa. Sáng tác của ông trải khắp các giai đoạn trước 1945, giai đoạn kháng chiến và sau 1975. Cả thơ và nhạc của Văn Cao đều đa dạng, biến hóa về phong cách thể hiện, song hành hòa quyện giữa cảm hứng lãng mạn và cảm hứng hiện thực, qua đó có thể thấy một bức tranh sống động về đất nước và con người Việt Nam từ những ngày đau thương đói khổ cho đến những tháng năm kiêu hãnh hào hùng rồi cả những sâu lắng, trăn trở nghĩ suy trong thời hậu chiến. Trong đó, bản Tiến quân ca do Văn Cao sáng tác đã trở thành Quốc ca của Việt Nam từ 1945 đến nay. Nhân dịp kỷ niệm tròn 100 năm ngày sinh Văn Cao, chương trình Đôi bạn văn chương của Ban Văn học Nghệ thuật (VOV6), Đài Tiếng nói Việt Nam xin được gửi tới quý thính giả một cuộc trò chuyện về chân dung Văn Cao với tên gọi: Văn Cao – Giữa hai bờ thơ nhạc

"Lời hứa của thời gian": Tự hứa với lòng mình 6/11/2023

Nhân vật chính trong truyện ngắn chúng ta vừa nghe – ông Miêng, có thể khiến mỗi thính giả, độc giả liên tưởng ngay đến một nhân vật khá nổi tiếng trong giới văn chương, đã từng nổi tiếng ở miền Nam từ trước 1975. Đó là thi sĩ Nguyễn Đức Sơn, còn được gọi là Sơn núi. Cả Nguyễn Đức Sơn và ông Miêng đều có hành động giống nhau, đó là dành cả cuộc đời mình để trồng những cây thông. Trong đời thực, ông Nguyễn Đức Sơn tương truyền đã trồng tới một vạn cây thông ở vùng Phương Bối, Bảo Lộc, Lâm Đồng và còn tiếp tục truyền cảm hứng này cho các con của mình. Nếu như thi sĩ Nguyễn Đức Sơn trồng thông trong một tâm thế trở về với hoang sơ, sống gần gũi với thiên nhiên thì ông Miêng trong truyện ngắn của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều lại trồng thông kín những quả đồi vì nỗi đau chiến tranh, khi tất cả đồng đội ông đã hy sinh ở đó. Đặt tên truyện là Lời hứa của thời gian, chúng ta hiểu rằng đây là cách ông Miêng tự hứa với lòng mình chứ không phải có ai ép buộc hay giao nhiệm vụ cho ông cả. Xoay quanh cuộc sống của ông Miêng, ta bắt gặp cả một bi kịch của người lính thời hậu chiến khi hạnh phúc gia đình tan vỡ, đứa con sinh ra bị nhiễm chất độc da cam, người vợ đợi chờ ông đằng đẵng suốt mười năm thời chiến thì nay lại bỏ ông trong thời bình. Một hy vọng hạnh phúc vừa nhen nhóm lên trong đời ông Miêng đã nhanh chóng vụt tắt, đấy là khi Hoa cuốc phải quả mìn còn sót trong chiến tranh và qua đời. Nỗi đau cũ còn chưa nguôi thì nỗi đau mới lại chồng lên trong lòng người cựu chiến binh. Phần cuối truyện có lẽ là một sắp đặt để mong mang đến một cái kết có hậu trong cuộc đời ông Miêng, đó là ông không phải sống cô đơn nữa bởi con trai của Lợi đã tìm về. Nhưng ông cũng đồng thời phải giữ kín một bí mật khác, bởi nếu nói ra sự thật sẽ mang nỗi đau cho người thanh niên vừa tìm đến ông. Mỗi người nghe, người đọc có lẽ đều tin rằng, hai người đàn ông ấy sẽ mang đến cho nhau hơi ấm cuộc đời trong tất cả những tháng ngày sắp tới. (Lời bình của BTV Đỗ Anh Vũ)

Dấu ấn bản quán trong thơ Vĩnh Phúc

Dấu ấn bản quán trong thơ Vĩnh Phúc 3/11/2023

Chương trình đêm nay của Ban VHNT (VOV6) gửi tới các bạn những sáng tác nổi tiếng của các nhà thơ sinh trưởng ở quê hương Vĩnh Phúc. Đó là các nhà thơ Phùng Cung, Ngô Văn Phú, Hữu Thỉnh, Quang Chuyền, Bùi Văn Dung.

Vẻ đẹp nụ cười lời nói trong ca dao

Vẻ đẹp nụ cười lời nói trong ca dao 3/11/2023

Sự hài hòa của ngũ quan làm nên vẻ đẹp gương mặt mỗi con người. Người xưa có những quy chuẩn riêng về vẻ đẹp người phụ nữ, trong đó đề cao nét tự nhiên, tươi tắn gắn với cảm tình về nết ăn ở.

“Nước mắt thánh nhân”: Nỗi niềm của Thánh Gióng

“Nước mắt thánh nhân”: Nỗi niềm của Thánh Gióng 3/11/2023

Truyện ngắn “Nước mắt thánh nhân” của nhà văn Đỗ Hàn mà chúng ta vừa nghe dựa trên câu chuyện truyền thuyết “Thánh Gióng”, được viết tiếp hậu truyền thuyết này với những tình huống, tình tiết khác, khá bất ngờ và hấp dẫn. Chuyện truyền thuyết về Ông Gióng thì người ta đã biết mấy ngàn năm rồi còn gì? Vậy mà qua tay bút Đỗ Hàn, Gióng rất đời thường, sinh động và bi kịch vô cùng. Câu chuyện làm chúng ta cảm động khi chàng trai làng Phù Đổng ấy có một tình thương yêu với mẹ mình quá đỗi. Chàng trai ấy đối xử, nói năng với người mẹ của mình bằng tất cả lòng hiếu thảo, chàng muốn đi tìm cha, muốn được như bao người con khác có một gia đình trọn vẹn. Mong muốn ấy thật đáng trân trọng. Câu chuyện mẹ con chàng Gióng rong ruổi đi tìm cha khắp nơi khiến người đọc, người nghe vô cùng cảm động. Đây là góc rất chân thực và chính đáng của con người đời thường, không tô vẽ bởi công trạng lớn lao mà ẩn sâu trong từng suy nghĩ, niềm khao khát và ước mơ chính đáng, được sống một cuộc đời bình thường, có mái ấm gia đình, cha mẹ đoàn viên. Từ đó, chúng ta có thế thấy được thông điệp từ tác phẩm, đó là tấm gương trung - hiếu - dũng mang tâm hồn Việt được nhà văn Đỗ Hàn khắc sâu trong hình tượng ông Gióng, một nhân vật truyền thuyết lịch sử nhưng hết sức gần gũi, rất con người. (Lời bình của BTV Vân Khánh)

"Thông gia": Duyên kỳ lạ của những người cựu chiến binh hai bên chiến tuyến 31/10/2023

Sau chiến tranh, những người lính trở về quê hương. Họ hòa vào cuộc sống hòa bình, xây dựng lại đất nước với biết bao ngành nghề khác nhau. Cuộc sống gia đình, công việc bận rộn khiến những người đồng đội xưa kề vai sống chết bên nhau nay chỉ còn liên lạc qua thư từ hoặc điện thoại. Mỗi người một phương trời, cuộc sống, số phận khác nhau nên đôi khi vài chục năm sau chiến tranh đồng đội mới có dịp gặp mặt. Cuộc điện thoại bất ngờ của người đồng đội cũ tên là Hà khiến biết bao sự kiện năm xưa bỗng ùa về trong tâm trí của nhân vật tôi. Qua lời kể của ông, người đọc người nghe trở lại chiến trường Miền Trung cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ. Cuộc chiến vô cùng gian khổ, mưa bom bão đạn được nhân vật miêu tả chi tiết, sinh động. 7 người lính trên chốt ở chân núi Mỏ Tàu, thành phố Huế chiến đấu anh dũng trước cuộc tấn công của ba trung đoàn lính ngụy được yểm hộ bởi máy bay và pháo binh. Cuộc chiến diễn ra ác liệt, tuy nhiều chiến sĩ bị thương nhưng cuối cùng họ đã đẩy lùi kẻ địch. Trong cuộc chiến đấu khốc liệt đó, điều nhân vật ấn tượng nhất chính là tên lính Ngụy phụ trách gọi điện đàm báo vị trí cho pháo binh có gương mặt rất giống người bạn học tên là Sơn của ông. Chi tiết này cũng thoáng qua trong cuộc chiến biết bao sự kiện của ông. Chỉ đến khi người đồng đội cũ gọi điện mời cưới con mà ông thông gia lại chính là người lính ngụy năm xưa thì nhân vật mới thực hiện ý định của mình. Ông cũng phỏng đoán mối quan hệ giữa ngưới lính ngụy tên là Đông và người bạn học. Và linh tính của ông đã đúng, Đông và Sơn là hai anh em cùng cha khác mẹ. Do chiến tranh mà đến bây giờ hai anh em mới có dịp đoàn tụ với nhau. Những người lính năm xưa hai bên chiến tuyến giờ đây hân hoan hạnh phúc gắn kết trong một gia đình. Truyện ngắn viết về người lính nhưng ít phần mất mát đau thương nên tác giả cũng không đi nhiều vào tâm tư, nội tâm người lính mà chú trọng phẩn miêu tả sự kiện, chi tiết. Ân tượng nhất của câu chuyện đó là sự ngẫu nhiên của số phận khi Đông và Sơn là anh em, khi Hà lại kết thông gia với Đông, nhân vật tôi lại là bạn học của Sơn. Rất nhiều sự ngẫu nhiên trở thành sợi dây dẫn dắt số phận họ đoàn tụ với nhau trong niềm xúc động nghẹn ngào. Mỗi người lính dù là ở chiến tuyến nào thì đều có số phận, gia đình riêng của mình. Truyện ngắn là khoảng lùi thời gian để chúng ta có góc nhìn nhiều chiều về giá trị cuộc sống trước và sau chiến tranh.

"Cửa Bắc": Lịch sử không phải là câu chuyện đã qua 30/10/2023

Truyện ngắn chúng ta vừa nghe của Nguyễn Anh Vũ được viết theo phong cách lịch sử, dựa trên biến cố bi hùng của thành Hà Nội, khi tổng đốc Hoàng Diệu quyết tử giữ thành vào năm 1882 và sau đó tuẫn tiết khi thành thất thủ. Thế nhưng truyện ngắn của Nguyễn Anh Vũ không chỉ có giá trị ôn lại, nhắc nhớ một trang sử hào hùng bi tráng mà anh còn đan xen cả dòng chảy của hiện tại, qua sự kiện đại úy Q đang chịu trách nhiệm thi công ở khu vực thành Cửa Bắc, chỉ huy các máy xúc, máy khoan mong thực hiện đúng tiến độ. Thế nhưng một loạt máy móc đang tỏ ra bất lực, không thể dịch chuyển được một khối kim loại rất nặng giữa lúc trời mưa tầm tã. Các phân đoạn của chuyện xưa và chuyện nay cứ thế xuất hiện đan xen nhau như ngầm gửi gắm một thông điệp: Lịch sử không phải là câu chuyện đã qua và khép chặt mà nó vẫn tiếp tục in dấu, xuyên chảy đến hiện tại và ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống tất cả mỗi chúng ta. Bao hào kiệt của đất nước dù thân xác đã tan với cỏ cây song khí phách, tinh anh thiêng liêng thì còn lại mãi đến muôn đời, còn lại cả những nỗi niềm tâm sự có khi chưa được tỏ bày thấu hiểu. Vì thế, hình ảnh “khối kim loại rỉ ròng ròng đỏ” được máy xúc đưa lên ở đoạn cuối tác phẩm có thể được coi là một ẩn dụ quan trọng. Bất cứ trang sử nào cũng thấm đầy máu và nước mắt. Mọi hành động của hậu thế khi tác động các di tích lịch sử văn hóa đều cần có sự cân nhắc và thận trọng. Muốn tạo ra cái mới thì trước đó rất cần phải thấu hiểu cái cũ. Và cần phải biết tự hào về những trang sử oanh liệt của cha ông để đem theo những trang sử ấy trong hành trang của mình khi bước tới tương lai.

Người đẹp và thị hiếu thẩm mỹ dân gian qua ca dao

Người đẹp và thị hiếu thẩm mỹ dân gian qua ca dao 25/10/2023

Truyền thống yêu và ngợi ca cái đẹp của dân gian in đậm trong ca dao. Miêu tả và mến yêu vẻ đẹp về hình thể con người là một đề tài trở đi trở lại, quy chiếu thị hiếu thẩm mỹ của người xưa.

Nguyễn Thụy Kha – Máu vẫn còn xanh

Nguyễn Thụy Kha – Máu vẫn còn xanh 25/10/2023

Nhìn lại các cây bút trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Nguyễn Thụy Kha có thể xem là một cái tên đặc biệt bởi những cống hiến và sáng tạo của ông song hành trên cả hai mảng thơ – nhạc. Điều thú vị hơn nữa, vốn được biết đến đầu tiên với tư cách một nhà thơ, nhưng vào dịp tháng 5 vừa qua, đông đảo công chúng lại được chia vui với ông khi biết tin ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật với hai tác phẩm thuộc chủ đề Phê bình âm nhạc: Thế kỷ âm nhạc Việt Nam – Một thời đạn bom và Thế kỷ âm nhạc Việt Nam – Một thời hòa bình. Nhân dịp này, chương trình Đôi bạn văn chương của Ban VHNT (VOV6), Đài TNVN xin được dành một cuộc trò chuyện về chân dung thơ ông với tên gọi: Nguyễn Thụy Kha – Máu vẫn còn xanh

Nhà thơ, họa sỹ Nguyễn Anh Vũ và những bài thơ tuổi đôi mươi

Nhà thơ, họa sỹ Nguyễn Anh Vũ và những bài thơ tuổi đôi mươi 23/10/2023

Nguyễn Anh Vũ sinh năm 1974, là kiến trúc sư, họa sĩ, thiết kế mỹ thuật, đồng thời là gương mặt quen thuộc của Sân thơ trẻ trong Ngày thơ Việt Nam hằng năm. Nguyễn Anh Vũ có nhiều sáng tác in trên các báo, tạp chí văn học. Anh từng đoạt giải Nhì cuộc thi Truyện ngắn và thơ trên tạp chí Văn Nghệ Quân Đội trong hai năm 2008 - 2009 với chùm tác phẩm “Cửa Bắc”, “Ngủ giữa hoa sen”; giải thưởng Mỹ thuật xuất sắc nhất trong vở kịch Sang sông tại Liên hoan sân khấu thử nghiệm năm 2008. Một số bài thơ của Nguyễn Anh Vũ cũng để lại nhiều cảm xúc với bạn đọc, công chúng. Những cuộc chia ly hơn lúc nào hết gợi lại dấu ấn trăn trở của một đời người. Sự ra đi mới đây của nhà thơ, họa sỹ Nguyễn Anh Vũ – Một nghệ sĩ tài hoa và cá tính để lại cho người ở lại bao nỗi luyến tiếc. Những bài thơ tuổi đôi mươi của anh vẫn đẹp mãi giữa đời.

"Thế giới vô hình": Mẹ già như chuối chín cây 20/10/2023

Thưa các bạn! Bảo Thương từng chia sẻ, chị hay nghĩ về tình cảm của con người, về thực thể cá nhân trước vũ trụ. Con người vốn hữu hạn trước đất trời, tưởng dài đấy mà cũng nhanh, chậm đấy mà cũng mau, đời người như chớp mắt mà thôi. Đâu đó lại có chuyện, những đứa con đi xa mãi chẳng về, để cha mẹ già ngóng trông, chúng mải làm ăn kiếm tiền, có biết đâu, cha mẹ chỉ thèm chúng, nhớ chúng. Những người già như lá cây trước gió đã lay động tâm hồn Bảo Thương, và thế là cái tứ truyện ra đời. Thế giới vô hình viết vắn gọn xoay quanh nhân vật chính không có tên cụ thể mà tác giả chỉ gọi là Bà. Chồng mất sớm, bà một mình ở vậy nuôi hai con nhỏ một trai một gái. Thế rồi không lâu sau, con trai cũng theo bố về thế giới bên kia. Bà chỉ còn cái Hĩn để mà nương tựa, trong nhà có mẹ có con. Nhưng cái Hĩn lớn lên cũng chẳng ở cùng bà. Hĩn theo bạn lên thành phố, rồi nó lấy chồng Tây và định cư ở nước ngoài. Thế là bà ở một mình hơn chục năm nay, làm bạn với con lợn con gà. Tiền cái Hĩn gửi về đều và rất nhiều, nhưng chẳng để làm gì, bà tự lo cho cuộc sống của mình được, thứ bà cần là tình cảm, là hơi ấm con người. Nhưng sao mà khó quá??? Tác giả đã chọn lối kể chuyện gần gũi, dung dị có chút gì đó bùi ngùi, cảm thương. Truyện hầu như không có đối thoại mà phần lớn là độc thoại nội tâm của nhân vật chính. Qua những lời tự sự của bà, người đọc người nghe rưng rưng cảm động, rồi chợt nghĩ có khi nào ta vô tâm mà để cha mẹ ta cô đơn, thiếu thốn tình cảm như thế. Những chi tiết như rang quần áo, sửa cái sân gạch, cất giấu tiền, ứng xử với tên trộm…thật đắt, thật sâu sắc. Con người, hạnh ngộ nhất là sự gặp gỡ nhau trên thế gian này, duyên lành và may mắn nhất là được sống trong tình cảm gia đình thương yêu ruột thịt. Hiểu được điều đó, thì chao ôi, làm chi còn những kiếm tìm mông lung và ảo hình, xa xăm và vô nghĩa, nặng tính vật chất. Mà đâu biết, rồi tất cả cũng chỉ là cát bụi. Thế giới bên kia vô hình, thế giới bên kia không có những nồng ấm trong tình mẹ con, không có đoàn tụ và sẻ chia, không có bữa cơm chan đầy yêu thương chăm sóc…Vậy nên, hãy sống với nhau hết lòng trong thế giới này thôi phải không các bạn?!

Ca dao về hình tượng người phụ nữ bất hạnh trong cuộc sống gia đình

Ca dao về hình tượng người phụ nữ bất hạnh trong cuộc sống gia đình 18/10/2023

Theo khảo sát trong kho tàng ca dao người Việt ta có hơn 4.500 bài ca than thân thì có tới 2/3 trong số đó phản ánh thân phận phụ nữ. Và người phụ nữ trong xã hội phong kiến khi đã có gia đình, tiếng nói than thân càng trở nên não nề.

“Bờ lau xao xác”: Ngã rẽ cuộc đời

“Bờ lau xao xác”: Ngã rẽ cuộc đời 17/10/2023

Các bạn thân mến, cuộc đời nhân vật ông Tư Quắm có thể nói là khổ cực, bất hạnh. Ông có hai đứa con trai thì cậu lớn tên Thành bị sát hại dã man trong một vụ cướp, cậu út tên Danh bị ngã tổn thương cột sống mà tật bệnh cả đời. Phải chịu số phận bất hạnh như vậy nhưng nhân vật ông Quắm vẫn giữ được bản tính lương thiện của mình mà không căm hận cuộc đời. Vô tình biết được gã trai tên Vui trọ cạnh phòng có ý định tham gia một vụ cướp, ông Quắm nhờ Vui đưa con trai út đi cấp cứu để ngăn cản hành động dai dột của cậu ta. Vui sinh ra vốn nghèo khó, học hành dở dang nên khi ra đời mưu sinh không dễ dàng gì. Sau mấy lần bị vấp ngã, Vui thấy cuộc đời mình bế tắc, không biết làm thế nào để kiếm tiền. Nếu không có hành động ngăn cản của ông Quắm thì có lẽ Vui đã tham dự một vụ cướp và cuộc đời chàng trai trẻ không biết sẽ đi theo ngã rẽ nào. Truyện ngắn viết về cái thiện, cái ác của con người tự nhiên, không lên gân như cuộc sống vốn là như vậy. Ông Tư Quắm chịu bao nỗi bất công của cuộc đời nhưng vẫn giữa trong mình sự thiện lành. Có lẽ là người cha chịu nỗi đau mất con trai, ông Quắm thấu hiểu nỗi đau của người mẹ tên cướp khi hắn trả giá bằng tính mạng vì tội lỗi của mình. Chứng kiến nỗi đau cuộc đời do cái ác gây ra nên ông càng sợ Vui cũng đi vào con đường sai lầm. Trong cuộc sống khi con người chịu nhiều bất công, cay đắng thì nhiều người thu mình lại mặc kệ cái ác nếu nó không liên quan tới mình. Nhưng ông Quắm không làm như vậy, ông cũng không bí mật báo công an kế hoạch cướp giật của Vui mà tự mình kín đáo ngăn cản hành vi sai trái của anh. Trong cuộc sống xô bồ, vất vả mưu sinh, nhiều nỗi niềm đắng cay chua sót, chúng ta cảm động trước tấm lòng tốt bụng của nhân vật ông Tư Quắm. Truyện ngắn nhẹ nhàng, xúc động giáo dục con người ta hướng thiện, giữ gìn tấm lòng cao đẹp của mình. (Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)

“Suối lạc lưng chừng núi”: Tình nghĩa mới là thứ tình cảm thuỷ chung nhất

“Suối lạc lưng chừng núi”: Tình nghĩa mới là thứ tình cảm thuỷ chung nhất 12/10/2023

Tác giả Tạ Thị Thanh Hải đã tạo nên sự chú ý, tò mò cho người đọc, người nghe ngay từ cách đặt nhan đề và khéo léo dẫn dắt chúng ta nhập tâm với câu chuyện qua lời kể của nhân vật tôi. Tác giả đã đưa vào truyện chi tiết gay cấn, đó là sự ngỡ ngàng đến nghẹt thở khi cậu con trai chứng kiến mẹ mình đang dỗ dành chăm sóc một người khác ở ngay trong ngôi nhà gắn bó với tuổi thơ của cậu, trong khi bố cậu cũng chuẩn bị bước vào cuộc phẫu thuật, đang đứng trước ranh giới sống chết mong manh. Chi tiết ấy như một nút thắt đầy sức nặng. Để rồi sau đó tác giả để nhân vật dần mở nút câu chuyện với những cảnh huống ấm áp nhân văn. Câu chuyện dẫn dắt người đọc, người nghe đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác nhưng cách lý giải hoàn toàn tự nhiên và hợp lý. Cốt truyện xoay quanh những mối tình khởi đầu từ ân nghĩa. Vì muốn đền đáp nghĩa tình sâu nặng của thế hệ đi trước mà người đàn ông vị nghĩa ấy đã cố sống thật tốt dẫu trong lòng hoang hoải mênh mông hơn cả thung lũng Tả Van thăm thẳm ngút ngàn mây. Đó là tình cảnh éo le của hai người đàn bà khi chỉ họ mới có thể thắp lên môi nhau nụ cười. Nhưng họ cố vùi nén rung cảm trái ngang ấy để làm tròn nghĩa vụ làm vợ, làm mẹ. Người bố kể cho con trai nghe về đêm trăng ấy nỗi tê tái đã ghim trong lồng ngực suốt bao năm nhưng vẫn rộng lòng thứ tha, thấu hiểu. Hình ảnh dòng thác Khuổi Chia chảy lạc giữa lưng chừng núi là ngụ ý cho những rung cảm trái ngang nhưng cũng là biểu tượng cho những khát khao yêu thương mãnh liệt. Bên cạnh đó, có một hình ảnh trở đi trở lại trong truyện như một dụng ý nghệ thuật của tác giả. Đó là hình ảnh bếp lửa hồng âm ỉ cháy suốt bốn mùa. Bếp lửa ấy thắp lên nghĩa tình truyền kiếp, lan tỏa sự ấm áp của lòng bao dung độ lượng. Và người bố đã tâm sự với con trai mà như nói với chính mình: tình nghĩa mới là thứ tình cảm thuỷ chung nhất. Đây cũng chính là thông điệp đầy tính nhân văn mà tác giả muốn gửi gắm qua truyện ngắn này. (Lời bình của BTV Vân Khánh)

"Sỏi đá ngày sau": Luôn cần có nhau 12/10/2023

Truyện ngắn chúng ta vừa nghe xây dựng nhân vật chính rất độc đáo là lão Cục. Lão Cục có hai người con trưởng thành và lão cũng đã có cả cháu đích tôn là thằng Hòn đỗ vào đại học. Sau biến cố vợ lão Cục qua đời do đá rơi vào đầu, lão trở nên một hình ảnh quái gở, điên khùng trong mắt dân làng khi hàng ngày đi nhặt đá về chất đống trong góc nhà. Mà phải là những hòn đá đẹp, vuông vức, chắc chắn mới vừa mắt lão, thế nên hòn đá trấn ở miếu thổ thần lão cũng không tha, phải mang về cho bằng được. Trải qua mấy lần mấy lượt con trai chuyển lão đi nơi khác, sai người trông nom lão cẩn thận, thậm chí khóa tay khóa chân lão, những cứ hở ra là lão Cục lại đi nhặt đá. Mọi chuyện chỉ sáng tỏ trong phần cuối của câu chuyện, khi lão Cục vượt một chặng đường rất xa để về chết trong ngôi nhà của mình, nơi đã in dấu bao kỷ niệm của vợ chồng lão. Thì ra lão đã từng có một lời hứa với người vợ quê miền biển, rằng sẽ đặt ở mỗi hòn đảo quê vợ một hòn đá ở quê hương mình, để bày tỏ tấm lòng của người con rể, cũng là thể hiện lòng biết ơn với người vợ tần tảo hy sinh đã rời vùng quê biển trong một gia đình khá giả để về vùng quê nghèo này sống với lão suốt cả cuộc đời. Cách đặt tên cho ngôi làng là làng Sỏi, tên lão Cục và cháu đích tôn là Hòn đều là những hành động có chủ ý. Đằng sau cái vẻ ngoài thô tháp, cục mịch lại là tình yêu thương vô bờ, là lối sống trọng tình nghĩa, thủy chung của nhân vật chính. Những điều tốt đẹp ấy không dễ thấy trong cuộc đời này, có khi phải chịu sự hiểu lầm của mọi người, có khi phải chịu những tiếng oan và đối xử bất công song người ta không vì thế mà thay đổi, không vì thế mà đánh mất đi bản thân mình. Đó có lẽ cũng là ý nghĩa nhân văn đẹp đẽ mà tác giả muốn gửi tới người đọc, người nghe. (Lời bình của BTV Đỗ Anh Vũ)

Mã QRCODE xem trên mobile
chương trình hôm nay
06h00 - 06h30 Hành trình sáng tạo
08h00 - 08h30 Trang Văn nghệ Chủ nhật
10h45 - 11h00 Văn nghệ thiếu nhi
13h00 - 13h30 Đọc truyện dài kỳ
14h00 - 14h30 Hành trình sáng tạo
18h15 - 18h30 Văn nghệ thiếu nhi
18h30 - 19h00 Trang Văn nghệ Chủ nhật
19h00 - 19h30 Đọc truyện dài kỳ
19h30 - 20h00 Đối thoại mở
21h30 - 22h00 Tiếng thơ