Hữu Thỉnh – Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình 11/10/2023

Trong những ngày cuối tháng 9 vừa qua, Hội nghị đại biểu nhà văn lão thành Việt Nam lần thứ nhất đã được tổ chức tại Hải Phòng và thành công tốt đẹp. Nhân dịp này, chương trình Đôi bạn Văn chương của Ban VHNT (VOV6), Đài TNVN xin được dành một cuộc trò chuyện về chân dung nhà thơ lão thành Hữu Thỉnh, người đã có nhiều đóng góp, cống hiến ở sự nghiệp văn học cũng như đóng góp cho sự phát triển của Hội Nhà Văn VN. Chương trình hôm nay có nhan đề: Hữu Thỉnh – Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình.

Tiếng nói than thân của phụ nữ trong ca dao

Tiếng nói than thân của phụ nữ trong ca dao 11/10/2023

Theo các thống kê, ca dao về đề tài tình yêu đôi lứa chiếm nửa trong kho tàng ca dao của nước ta. Và trong nhiều cung bậc tình cảm thì nổi lên là nỗi buồn, nỗi ngậm ngùi của thân phận người phụ nữ không được tự quyết trong tình yêu. Các số liệu đã cho thấy trong ca dao viết về tình yêu thì có đến 2/3 viết về tâm sự tình yêu của người con gái. Trên con đường tìm đến hạnh phúc, họ gặp rất nhiều trở ngại, khổ đau và việc bày tỏ những cảm xúc này cho thấy khát vọng bình đẳng trong tình yêu và cuộc sống

"Giông biển" - "Trầu cau" phiên bản mới 10/10/2023

Có thể nói “Giông biển” của tác giả Trần Đức Sơn là một tác phẩm có thể thu hút người đọc ngay từ những dòng đầu tiên của câu chuyện. Mở ra bằng một vụ mất tính, đúng hơn là một cái chết, truyện đã tạo ra một sự ám ảnh không dễ xóa mờ. Điều đáng buồn là những cái chết đột ngột như thế lại chẳng phải là chuyện lạ ở xóm chài. Họ, bao đời, đã chung sống với nỗi bất an và sự mất mát. Câu chuyện của Rổn không mới. Nhưng câu chuyện của người ở lại là Rảng và người chị dâu tên Lựu lại rẽ sang một hướng khác - một phiên bản “Trầu cau” mới với rất nhiều dằn vặt và khó xử. Tuy vậy, cái kết nhân văn đã trở thành điểm nhấn của cả tác phẩm khi những xôn xao, ồn ào qua đi, để cả hai có thể bắt đầu một cuộc đời khác, bớt khổ đau hơn. “Giông biển” là một truyện ngắn được viết vắn gọn, không dài dòng hoa mĩ. Đời sống của dân làng chài hiện lên một cách sống động từ phong tục, tập quán cho tới những mất mát đời thường. Ngôn ngữ đối thoại và thế giới nội tâm của nhân vật cũng được tác giả chú tâm xây dựng khiến người đọc đồng hành và đồng cảm được với câu chuyện. Điều đáng tiếc ở truyện ngắn này có lẽ việc xây dựng tình huống giữa Rảng và Lựu còn chưa nhiều, nhất là khi người đọc có mong muốn tìm hiểu vì sao cuối cùng họ chọn ở bên cạnh nhau một cách đường đường chính chính hơn là coi chuyện xảy ra là một lầm lỡ trong đời. (Lời bình của BTV Nguyễn Hà)

“Người mất gốc” (P2): Sự hy sinh vất vả thầm lặng của người chiến sĩ công an

“Người mất gốc” (P2): Sự hy sinh vất vả thầm lặng của người chiến sĩ công an 9/10/2023

Quí vị và các bạn có thể thấy truyện được viết bởi một tác giả không chuyên nên có phần thô mộc, đôi chỗ khô khan và thiếu chất văn. Bù lại tác phẩm có nhiều tình tiết chân thật, chi tiết sống động và rất đời nên vẫn có sức lôi cuốn hấp dẫn, tô đậm được đặc thù của nghề nghiệp, những thiệt thòi, hy sinh lặng lẽ của người chiến sĩ công an tình báo, giúp người dân hiểu hơn công việc, những vất vả, những chiến công lặng thầm của người chiến sĩ công an nhân dân vì bình yên cuộc sống. Ví dụ như chi tiết người chiến sĩ công an tên Thiên phải mai danh ẩn tích, dấu công việc, chỗ ở, gia đình không thể liên lạc được, thậm chí phải nói dối cả người thân, không được phép lấy vợ khi chuyên án chưa kết thúc. Gia đình người thân không hiểu, không thông cảm có lúc hiểu lầm còn cho anh là kẻ sống bạc bẽo, quên cả tình nghĩa ruột thịt, nên gọi anh là “người mất gốc’’. Ngay trong thời bình nhưng người chiến sĩ công an tên Thiên vần chưa có một phút giây được sống cuộc sống bình thường như bao người khác. Thiên không chỉ phải hy sinh hạnh phúc cá nhân mà còn phải làm đủ thứ nghề để che mắt, phải tập uống rượu như uông nước lã, chạy xe bạt mạng, nói tục như bọn đầu gấu và giao lưu kết bạn với cả thành phần bất hảo. Sống bao năm như vây nhưng Thiên vẫn giữ cốt cách trong sạch không dễ bị mua chuộc. Hai chuyên án được kể ở phần cuối truyện do đích thân Thiên chỉ huy cho thấy rõ phẩm chất của người lính trinh sát từng vào sinh ra tử, dày dạn kinh nghiệm, nhanh nhậy, tinh anh, có tài phán đoán và quyết đoán. Cuộc đời người chiến sĩ tình báo được khắc họa thật hiển hách. Thiên đã có một cuộc sống trọn vẹn, đầy ý nghĩa, và đáng tự hào. (Lời bình của BTV Tuyết Mai)

“Người mất gốc” (P1): Chân dung của một chiến sĩ công an

“Người mất gốc” (P1): Chân dung của một chiến sĩ công an 9/10/2023

Chúng ta vừa được nghe nửa đầu của truyện ký ‘’Người mất gốc’’ của tác giả Hữu Đạt. Với những trang văn này tác giả cố gắng khắc họa dần chân dung đời thường của một chiến sĩ công an tình báo. Bối cảnh là những năm tháng sau chiến tranh, đất nước đã hòa bình thống nhất nhưng tình hình xã hội còn vô cùng phức tạp, nhiều băng nhóm tội phạm chống phá vẫn ngấm ngầm hoành hành. Thiên- người chiến sĩ công an quê gốc Quảng Trị vẫn phải xa nhà, xa quê hương, người thân, mai danh ẩn tích, hoạt động đơn tuyến tại nội đô làm nhiều công việc kiếm sống, để nắm bắt tình hình từ đó góp phần triệt phá các băng nhóm tội phạm tại thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Vũng Tàu…. những hy sinh vất vả thầm lặng của người chiến sĩ công an không thể kể xiết

Biên độ thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành qua hai tập thơ mới

Biên độ thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành qua hai tập thơ mới 6/10/2023

Sáng tác thơ trong dòng chảy cuộc sống bộn bề thật không mấy dễ dàng. Vậy mà mới đây nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành đã ra mắt cùng lúc tới hai tập thơ. Tập thơ “Đồng sen tàn” gồm 108 bài lục bát, và tập thơ “Mẹ” tuyển lọc 36 bài lục bát viết về người Mẹ nhân gian. Trước đó nhà thơ sinh năm 1964, người Hà Nội, tốt nghiệp khóa 5 Trường Đại học Viết văn Nguyễn Du đã ra mắt 8 tập sách, cả thơ và văn xuôi.

Phố phường con người Thăng Long – Hà Nội trong ca dao

Phố phường con người Thăng Long – Hà Nội trong ca dao 5/10/2023

Ca dao nước ta có nhiều bài ca ngợi con người, cảnh sắc thiên nhiên, đất nước. Và đề tài Thăng Long – Đông Đô - Hà Nội - thủ đô ngàn năm văn vật xuất hiện nhiều trong những câu ca truyền khẩu nhiều đời. Ca dao đã phản ánh tính cách người Kẻ Chợ, tính chất nghề nghiệp của riêng vùng Hà Nội bằng ngôn từ dung dị. Nhờ đó mà những câu ca truyền cảm, dễ thuộc, dễ nhớ in sâu trong tiềm thức nhiều đời người. Chương trình “Tìm trong kho báu” tuần này của Ban VHNT (VOV6) điểm lại những dấu ấn đất và người Thăng Long – Đông Đô - Hà Nội trong ca dao

“ Giữa tiếng mưa đêm” - Ca ngợi người chiến sĩ công an nhân dân

“ Giữa tiếng mưa đêm” - Ca ngợi người chiến sĩ công an nhân dân 29/9/2023

Yêu nghề viết, say mê văn hóa các dân tộc bản địa Tây Nguyên, gần 20 năm cầm bút, nữ nhà văn Niê Thanh Mai người dân tộc Ê Đê đã mang đến cho bạn đọc cả nước những trang văn đầy trăn trở, day dứt về những thân phận người trong dòng chảy biến đổi văn hóa. Ở đó có sự dùng dằng níu giữ nguồn cội, có sự va đập, đứt gãy văn hóa khi bứt phá để hội nhập. Nhà văn Niê Thanh Mai hiện là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk; Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Trong sự nghiệp viết văn, chị đã có nhiều giải thưởng như: Giải tác giả trẻ của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2005 với tập truyện ngắn “Suối của rừng”, giải Nhì của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2006 trao cho truyện ngắn “Giữa cơn mưa trắng xóa” và “Cửa sổ không có chắn song”. Chương trình Đọc truyện đêm khuya hôm nay gửi đến quý vị và các bạn truyện ngắn “Giữa tiếng mưa đêm” của nhà văn Nie Thanh Mai:

Hình tượng người phụ nữ phản kháng trong ca dao

Hình tượng người phụ nữ phản kháng trong ca dao 27/9/2023

Trong số những mẫu hình phụ nữ trong xã hội phong kiến, bên cạnh những người phụ nữ yên phận thì vẫn có những người bản lĩnh dám đứng lên chống lại lại những bất công trong gia đình và xã hội.

Trương Đăng Dung – Nghe tiếng côn trùng trong cát bụi sinh sôi

Trương Đăng Dung – Nghe tiếng côn trùng trong cát bụi sinh sôi 27/9/2023

Cho đến nay, Trương Đăng Dung có thể nói vẫn là một cái tên gây ngỡ ngàng với nhiều bạn yêu thơ. Có thể nói như vậy vì đông đảo giới văn chương biết đến ông đầu tiên với tư cách một PGS.TS ở Viện Văn học, tác giả của nhiều công trình nghiên cứu đã công bố. Cho dù Trương Đăng Dung đã có những bài thơ đầu tiên đăng báo Văn nghệ từ năm 1978, nhưng phải bẵng đi đến gần một phần tư thế kỷ, ông mới lại công bố thơ trên Tạp chí sông Hương vào năm 2002. Cho đến năm 2011, khi sắp chạm ngưỡng 60 tuổi, Trương Đăng Dung mới in tập thơ đầu tiên mang tên Những kỷ niệm tưởng tượng. Nhưng tập thơ ngay lập tức đã gây tiếng vang lớn, được giới nghiên cứu, giới sáng tác cũng như nhiều bạn đọc văn chương đặc biệt quan tâm. Tập thơ dành Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội trong năm, được tái bản trong nước năm 2014, được dịch và xuất bản ở Hungary năm 2018. Không hề vội vàng, lại cho tới gần 10 năm sau Trương Đăng Dung mới công bố tập thơ thứ 2 mang tên Em là nơi anh tị nạn (NXB Văn học 2020) với nhiều tác phẩm thấm đẫm hơi thở đương đại. Chương trình Đôi bạn văn chương của Ban Văn học Nghệ thuật (VOV6) hôm nay xin được dành một cuộc trò chuyện về chân dung thơ ông với tên gọi: Trương Đăng Dung – Nghe tiếng côn trùng trong cát bụi sinh sôi.

“Đĩa bay”: Nỗi cô đơn của người già

“Đĩa bay”: Nỗi cô đơn của người già 26/9/2023

Các bạn thân mến, nếu đọc tên truyện ngắn người đọc, chúng ta dễ nghĩ tới một câu chuyện khoa học viên tưởng với những vật thể bay không xác định, những chuyến du hành ngoài không gian, trận chiến liên hành tinh … Nhưng đây lại là một câu chuyện về hai ông bà già sống trong một viện dưỡng lão. Qua câu chuyện về những chiếc đĩa bay mà họ hóm hỉnh gọi là những chiếc bánh rán, hai người già sống cô đơn hiểu nhau hơn, thương mến và nương tựa vào nhau trong lúc cô đơn. Bà thì cả đời chưa lập gia đình, ông thì con cái cũng cần không gian riêng nên đêm gia thừa viện dưỡng lão chỉ còn hai ông bà. Họ trò chuyện với nhau trong đêm cô đơn và bà thích nghe ông kể chuyện về những chiếc đĩa bay. Việc kể cho bà nghe về sở thích của mình khiến ông như trẻ lại và bà cũng thấy vui lây. Khi đã ở tuổi xế chiều, điều quan trọng với con người chính là tình cảm, là sự vui sướng về mặt tinh thần. Hai con người đã qua cái tuổi yêu đương nồng cháy của tuổi trẻ. Họ trao gửi cho nhau tình cảm của hai người bạn già cần một nơi tâm tình, gửi gắm tình cảm. Khi đã già có lẽ cái tôi của con người đã sẽ bớt đi để muốn có thêm cái chúng ta. Bởi đó cũng là cách người già bớt đi nỗi niềm cơ đơn của mình. Bà không biết gì về những chiếc đĩa bay nhưng vì đó là sở thích của ông nên rồi nó cũng trở thành mối quan tâm của bà. Ông lão ra đi thực hiện khát khao của đời của mình là tìm được chiếc đĩa bay để lại một mình bà lão cô đơn trong viện dưỡng lão. Mỗi khi cô đơn nhìn lên bầu trời đêm là bà lại nhớ đến ông cùng câu chuyện kì lạ mà ông thường kể. Truyện ngắn kết thúc một cách ẩn dụ khi bà lão bay ra không trung, hòa vào không gian đi tìm người bạn già của mình. Truyện ngắn mang phong cách hiện đại khi ít tập trung vào thời gian, sự kiện mà là đi vào dòng cảm xúc và hồi ức của nhân vật. Tác giả đưa chúng ta vào chiều sâu đời sống tinh thần, hiểu hơn tâm tư tình cảm của những người lớn tuổi. Truyện ngắn sử dụng nhiều ngôn từ hiện đại với phong cách viết khá lạ với người đọc, người nghe. (Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)

Hình tượng vầng trăng trong những vần thơ cuối của nhà thơ Trần Quang Quý

Hình tượng vầng trăng trong những vần thơ cuối của nhà thơ Trần Quang Quý 22/9/2023

Vầng trăng – một biểu tượng thiên nhiên muôn đời cũng là một ám ảnh trong thơ Trần Quang Quý. Trong ba tập thơ mới ra mắt của thi sĩ quá cố, trăng trở đi trở lại, vừa là ký ức, vừa là soi rọi của hiện tại cuộc đời.

"Tình buồn": Rưng rưng mối tình đầu 22/9/2023

Truyện ngắn chúng ta vừa nghe xoay quanh cuộc đời của nhân vật chính là bà cụ Tứ, hồi trẻ tên là Tư nhưng rồi sau khi lấy chồng làm nghề thợ ngõa thì mọi người gọi bà theo tên chồng. Vượt qua những dị nghị điều tiếng buổi đầu, bà Tứ cũng có một gia đình êm ấm với ba mặt con, các con đều phương trưởng. Nhưng trong lòng bà vẫn canh cánh một nỗi niềm mà phải cho đến trước khi sắp từ giã cuộc đời, bà mới thổ lộ với con trai. Ngày xưa, cũng vì những quan niệm khắt khe môn đăng hộ đối mà bà Tứ, lúc ấy còn là cô Tư thiếu nữ, phải chia tay với anh cả Cõi bởi mẹ anh làm nghề cắp thúng đi khâu mướn nên bố mẹ cô không đồng ý. Nhưng cuộc đời trớ trêu xô đẩy, cuối cùng bà lại làm vợ một ông thợ ngõa. Cho đến khi chồng mất, bà ở cùng gia đình con trai và ngày càng có những biểu hiện lẩm cẩm của người già. Nhưng riêng mối tình ngày xưa thì bà không thể quên. Anh giáo Nhất, con trai bà đã sang bên kia sông để tìm và mời ông cả Cõi sang gặp bà. Hai người chỉ cách nhau một con sông mà sao đến gần hết đời người mới có ngày gặp lại. Đoạn cuối của tác phẩm cũng là đoạn gây xúc động mạnh mẽ trong lòng mỗi người nghe, người đọc khi bà Tứ “mặt trắng nhợt lạnh như đá mà nước mắt thì nóng ấm đầm đìa lòng bàn tay tôi”. Thế mới biết cái tình nghĩa với nhau nó quan trọng đến thế nào trong đời sống mỗi con người. Chỉ khi nói được câu xin lỗi với ông cả Cõi, bà Tứ mới yên lòng nhắm mắt. Lần gặp lại nhau giữa bà Tứ và ông Cõi cũng chính là lần cuối cùng trong cuộc đời. (Lời bình của BTV Đỗ Anh Vũ)

Hình ảnh phụ nữ trong ca dao người Việt từ góc nhìn nữ quyền luận

Hình ảnh phụ nữ trong ca dao người Việt từ góc nhìn nữ quyền luận 21/9/2023

Văn học dân gian nước ta, đặc biệt là ca dao thể hiện khá rõ nét thân phận của người phụ nữ trong xã hội nam quyền phong kiến. Đồng thời, ca dao cũng phản ánh thái độ phản kháng của họ trước sự đối xử bất bình đẳng. Quá trình tìm đến quyền “làm người” của phụ nữ nông thôn ngày trước quả thực lắm gian nan.

Giữa tầng trời - Ngời sáng hình ảnh bộ đội biên phòng

Giữa tầng trời - Ngời sáng hình ảnh bộ đội biên phòng 18/9/2023

Trung tá, nhà thơ Phạm Vân Anh sinh năm 1980 tại Hải Phòng. Hiện chị công tác tại Phòng Tuyên huấn – Cục Chính trị, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Chi hội phó Chi hội Nhà văn Quân đội, thành viên nhóm dịch giả nữ Hà Nội. Nhà thơ Phạm Vân Anh đã có 13 tác phẩm văn học được ấn hành đủ các thể loại: Tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký, thơ; hàng chục kịch bản phim tài liệu, kịch bản chương trình truyền hình...Chị được trao nhiều giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cùng nhiều tác phẩm báo chí được trao giải thưởng Báo chí quốc gia. Dẫu làm thơ hay viết văn xuôi, hình ảnh người chiến sỹ biên phòng luôn hiện diện trong tác phẩm của chị. Chương trình Đọc truyện đêm khuya hôm nay xin được giới thiệu với các bạn một sáng tác viết về bộ đội biên phòng của nhà thơ Phạm Vân Anh, truyện ngắn Giữa tầng trời. Mời các bạn cùng nghe:

Mã QRCODE xem trên mobile
chương trình hôm nay
06h00 - 06h30 Hành trình sáng tạo
08h00 - 08h30 Trang Văn nghệ Chủ nhật
10h45 - 11h00 Văn nghệ thiếu nhi
13h00 - 13h30 Đọc truyện dài kỳ
14h00 - 14h30 Hành trình sáng tạo
18h15 - 18h30 Văn nghệ thiếu nhi
18h30 - 19h00 Trang Văn nghệ Chủ nhật
19h00 - 19h30 Đọc truyện dài kỳ
19h30 - 20h00 Đối thoại mở
21h30 - 22h00 Tiếng thơ