Tác giả Hoàng Kiến Bình chia sẻ: “Tôi viết truyện ngắn “Cánh chim hồng hộc” trong thời gian tham gia trại viết của tạp chí VNQĐ tại Đà Lạt. Ý tưởng để viết truyện này là khi tôi đọc những tư liệu lịch sử về danh tướng Yết Kiêu. Cảm phục và ngưỡng mộ vị danh tướng dũng cảm, tận trung tôi bắt tay viết truyện dã sử này”. “Cánh chim hồng hộc” là truyện ngắn điển hình về tình tướng sĩ, phụ tử. Tướng có lập được công lao to lớn là nhờ sự hi sinh xương máu, hết lòng phò tá của sĩ tốt dưới quyền. Như chim hồng hộc bay được cao là nhờ những trụ xương cánh vững chắc. Trần Quốc Tuấn đã biết ơn những người phó tá mình bao năm trận mạc, những Dã Tượng, Yết Kiêu và hàng trăm nghìn sĩ tốt vô danh khác đã không tiếc máu xương mình vì non sông, vì minh chủ mà không một giây khắc dám trễ nải mệnh lệnh. Lớn hơn nữa, câu chuyện ngầm ý về tình đoàn kết, keo sơn, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào của quân dân Đại Việt, nhờ thế mà đánh thắng được bao kẻ thù hung bạo. Chi tiết đắt nhất của truyện là việc Yết Kiêu không chịu rời đi nếu Trần Quốc Tuấn không đến là minh chứng cho lòng trung thành, sự dũng cảm, ý chí kiên trường và tình yêu thương tướng sĩ, phụ tử. Truyện tôn vinh danh tướng Yết Kiêu, người tướng giỏi, bằng sự dũng cảm, mưu trí, đã giúp Hưng Đạo vương vượt qua những nguy nan, tôn vinh sự tận trung của người lính với đất nước, giang sơn. Là tác giả trẻ mới vào nghề nhưng Hoàng Kiến Bình đã gây sự bất ngờ, thú vị cho độc giả bằng những truyện ngắn dã sử với lối viết dung dị, mộc mạc và trên hết là thể hiện được niềm tự hào và tôn kính đối với các bậc tiền nhân. Chúng ta hy vọng và chờ đón nhiều tác phẩm hay hơn của tác giả trong thời gian tới. (Lời bình của BTV Vân Khánh)
Ngay lúc này, thời khắc này, chương trình mời các bạn thưởng thức những câu thơ ngân lên trong tĩnh lặng. Cảm xúc lắng đọng ấy cũng dàn trải trong tập thơ mới của họa sĩ Trần Thắng. Thời điểm chuyển giao này, chúng ta cùng nhìn lại điểm nhấn của thơ năm nay qua trao đổi giữa BTV Ban VHNT (VOV6) với nhà thơ Trần Anh Thái – Chủ tịch Hội đồng thơ – Hội Nhà văn Việt Nam.
Người xưa thường mượn những hình ảnh thân thuộc, gần gũi để ký thác nỗi niềm, tâm sự. Trúc, mai là những hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt và cũng xuất hiện rất nhiều lần trong ca dao. Tác giả dân gian nhắc đến trúc, mai; nhưng không phải để tả thực cây trúc cây mai, cũng không phải bàn chuyện trúc mai phong cảnh, mà mượn mai, trúc để nói về con người.
Đây là truyện ngắn lịch sử đặc sắc của tác giả trẻ Nguyễn Anh Tuấn kể về tình cảm sâu nặng giữa Bình An vương Trịnh Tùng - vị chúa đầu tiên của dòng họ Trịnh dưới thời Lê Trung hưng với người anh trai cùng cha khác mẹ là Thái phó Trung quốc công Trịnh Cối. Nhưng, những biến cố của thời cuộc đã đẩy hai anh em họ vào một cuộc chiến tranh giành quyền lực đầy khốc liệt. Truyện lấy bối cảnh Việt Nam ở thế kỷ 16, thời kỳ nội chiến Nam - Bắc triều, giữa nhà Mạc và nhà Lê trung hưng. Thái sư Trịnh Kiểm nắm trọng trách trung hưng nhà Lê, nên ông rất nghiêm khắc trong cách giáo dục con cái, đặc biệt là người con cả Trịnh Cối. Chuyện xảy ra khi Trịnh Cối và Trịnh Tùng rủ nhau đi tắm ao, suýt nữa bị chết đuối. Thái sư Trịnh Kiểm đã dựng lên màn kịch xử chém những người hầu để dạy cho các con ông bài học về sự cẩn trọng trong cách hành xử nếu không sẽ liên lụy đến người vô tội. Thế nhưng, bài học khắc nghiệt ấy đã thay đổi số phận của hai anh em. Trịnh Cối - người được kỳ vọng gánh vác sự nghiệp thì ngày càng thu mình, sợ sệt, do dự, thiếu quyết đoán. Trong khi đó, người em trai Trịnh Tùng ngoài sự day dứt vì liên lụy đến người vô tội, đã dần thấu hiểu đạo lý, chính chắn hơn người anh của mình. Thế rồi, khi Trịnh Kiểm chết, Trịnh Cối lên thay cha, như con chim xổ lồng, lại buông thả, ham mê tửu sắc, bê trễ việc binh làm cho ba quân bất mãn. Dẫn đến việc các tướng lĩnh đưới quyền chọn Trịnh Tùng làm minh chủ, ép vua Lê phải trao binh quyền cho ông. Mặc dù rất khó xử, nhưng vì cơ nghiệp khó nhọc của cha, Trịnh Tùng buộc phải làm điều bất nghĩa với anh. Cũng vì điều đó mà hai anh em trở mặt thành thù, Trịnh Cối phải bỏ nhà Lê về với nhà Mạc, rồi chết trên đất Bắc Triều, sau đó, rất lâu mới được đưa linh cữu về quê nhà. Thông điệp của truyện được thể hiện rõ nhất khi Trịnh Tùng đếm thăm mộ Trịnh Cối. Lúc nghe người hộ vệ phàn nàn về đứa con ham chơi, Trịnh Tùng đã khuyên rằng: “…Cha mẹ nào cũng kỳ vọng con cái công thành danh toại, cho bõ công dưỡng dục, điều ấy không sai. Nhưng cũng đừng kỳ vọng quá và cũng đừng đem ước mơ dang dở của đời mình gán lên cuộc đời chúng. Mỗi người đều có một phận số riêng, hãy cứ thuận theo, đừng cố cưỡng cầu hay ép buộc”. Trong bối cảnh xã hội hiện nay, rất nhiều trường hợp trẻ vị thành niên bị trầm cảm, stress thậm chí là tự tử vì áp lực phải thành công từ gia đình đầy thương tâm, tác giả Nguyễn Anh Tuấn đã mang đến một câu chuyện hấp dẫn với góc nhìn mới mẻ về cách giáo dục con cái. Sự kỳ vọng và nghiêm khắc của cha mẹ đôi khi là áp lực cho những đứa con trên đường đời của chúng. Hãy nghiêm khắc nhưng có sự thấu hiểu, yêu thương, hãy kì vọng nhưng có sự động viên, định hướng. Một thông điệp nhân văn, đầy tính thời sự được kể bằng chất liệu văn chương lấy cảm hứng từ những nhân vật, sự kiện lịch sử có thật của Việt Nam. Đồng thời, với sự hiểu biết lịch sử và cách hành văn khúc chiết, tác giả Nguyễn Anh Tuấn đã vẽ nên một bức tranh lịch sử đầy khói lửa, chân thực và sống động trên từng trang viết của mình. (Lời bình của BTV Vân Khánh)
“Mùa táo mèo chín rộ” là câu chuyện của một cô gái sinh trưởng trong một gia đình miền xuôi lên vùng cao làm kinh tế rồi theo học trên thành phố. Cô đã không trở về mà thức thời chọn cuộc sống ổn định nơi phố thị. Rời bỏ miền đất xa ngút ngàn ấy nhưng đâu thể xóa sạch ký ức. Cô muốn quên và tưởng rằng sẽ quên nhưng đoạn tình tuổi trẻ tưởng nhạt nhòa ấy một ngày kia thức dậy cùng mùi hương táo mèo dâng đầy trí nhớ. Người ấy vẫn chưa thể quên và cô cũng vậy. Nỗi day dứt giăng mắc trong hồi tưởng về một vùng đất, một tấm chân tình không được đáp trả. Ai cũng có một thời tuổi trẻ nông nổi, vụng dại để lại dư vị bâng khuâng, nuối tiếc cả quãng đời về sau – Tác giả Nguyễn Thu Trang đã diễn tả câu chuyện ấy bằng ngòi bút chân phương, viết kỹ lưỡng như kể lại chuyện có thật, không chút hư cấu. Chính vì không dụng công xây dựng tình huống, cốt truyện nên cảm giác mạch truyện đều đều, thiếu điểm nhấn. Tác giả đã giãi bày gần như toàn bộ cảm xúc và hoàn cảnh nhân vật qua câu chữ nhưng chính sự quá rành mạch, rõ ràng ấy lại làm thiếu đi sự ngưng đọng và chiều sâu không lời xuyên suốt, thấm thía. Tuy vậy, đây vẫn là một truyện ngắn viết cẩn thận, giàu chi tiết, thức dậy nỗi niềm…(Lời bình của BTV Nguyễn Hà)
Các bạn thân mến, mở đầu truyện ngắn nhà văn Lê Vũ Trường Giang đã trực tiếp đưa người đọc, người nghe vào ngay cuộc chiến đấu căng thẳng ác liệt, gian khổ tại thành phố Huế trong những năm chiến tranh chống đế quốc Mỹ. Trong tiếng bom đạn ác liệt của kẻ thù, Tân nhớ lại những người quan trọng trong cuộc đời mình. Tân nhớ tới anh trai là Tạo, người phục vụ trong lực lượng cảnh sát quốc gia, nhớ thầy giáo, bạn bè tại thành phố Huế và nhớ tới người yêu là Hằng. Khi Tân bị thương nặng trong lúc chiến đấu, biết bao kỉ niệm, tình cảm vui buồn của cuộc đời bỗng ùa về trong tâm trí anh. Hai anh em Tạo và Tân mỗi người một lý tưởng nên bỗng trở nên xa cách, đối đầu nhau. Tân nhớ tới tình yêu tuổi trẻ giữa mình với Hằng tuy đã chớm nở nhưng vì cuộc chiến mà vẫn anh vẫn chưa dám thổ lộ. Những mất mát hi sinh của người dân đất Huế trong chiến tranh đề nặng trong lòng Tân. Anh chứng kiến cái chết của gia đình thầy giáo Ký, của cô bạn học tên Thu, của các đồng đội… Trong giây phút bị thương nặng những hình ảnh khốc liệt của chiến tranh mà Tân chứng kiến trong cuộc đời hiện lên như một thước phim. Hình ảnh tên lính Mỹ trẻ ở phần cuối truyện là điểm nhấn khá đặc biệt. Người lính Mỹ cũng bị tổn thương, cũng rơi nước mắt trước sự khốc liệt của chiến tranh. Dù nhìn thấy Tân nhưng cuối cùng người lính Mỹ lại không tố cáo với đồng đội của mình. Hành động này khiến chúng ta có cái nhìn đúng hơn về con người hai bên chiến tuyến. Truyện ngắn được viết khá gai góc, cảm xúc mãnh liệt, đưa người đọc người nghe đi từ cảm xúc ngày đến cảm xúc khác. Số phận của nhân vật Tân chỉ là một góc nhỏ bé trong biết bao cuộc đời người lính, người dân Việt Nam trong thời khắc gian khó của đất nước nhưng cũng đã thể hiện phần nào sự hi sinh, mất mát đau thương của chiến tranh. Trong chiến tranh, người thân ruột thịt có lúc lại ở hai bên chiến tuyến, sự sống và cái chết thật mong manh, cái thiện và cái ác không phải lúc nào cũng dễ nhận ra. … Vượt qua bom đạn khốc liệt, niềm tin chiến thắng, khát khao hòa bình của một thế hệ thanh niên như chàng trai Tân đã mang đến ánh sáng của cầu vòng, ánh sáng cuộc sống hạnh phúc hôm nay. (Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)
Nguyễn Quang Thiều là một trong những tên tuổi nổi bật của đời sống văn học Việt Nam đương đại. Từng được Giải A giải thưởng thơ Hội Nhà văn Việt Nam năm 1992, hành trình sáng tạo của ông hơn 30 năm qua đã khẳng định thành tựu ở nhiều thể loại khác nhau như truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện thiếu nhi, chân dung văn học, tiểu luận nhưng thể loại căn cốt nhất của Nguyễn Quang Thiều vẫn là thơ. Hành trình thơ của ông từ tập đầu tay Ngôi nhà tuổi 17 (1990) cho đến nay đã đi qua nhiều bước phát triển, đổi mới về bút pháp, thi pháp cùng những cái nhìn ngày càng đa chiều hơn, sâu sắc hơn về cuộc sống khách quan cũng như thế giới tâm hồn con người. Nhân dịp tập thơ mới của ông vừa được ra mắt cách đây chưa lâu, chương trình Đôi bạn văn chương của Ban Văn học Nghệ thuật (VOV6) lần này xin được dành một cuộc trò chuyện về chân dung thơ NQT với tên gọi: Nguyễn Quang Thiều và hành trình thơ về siêu tưởng.
Thuộc thế hệ những người sinh ra trong thời chiến, trưởng thành trong thời bình, sáng tác của nhà thơ Hồ Minh Tâm, quê ở Quảng Bình mang cảm thức gạch nối với nhiều cảm xúc quá khứ và thời đại. Nhà thơ Hồ Minh Tâm đã có những sáng tác xúc động viết về người lính.
Truyện ngắn “Vĩ thanh” gây ấn tượng với người đọc, người nghe ngay từ tiêu đề của tác phẩm, nó gợi về những dư âm, dư ba còn vương mãi về chuyện tình cảm của nhân vật Quân và Loan. Những dòng quá khứ hiện về khi tình cơ Quân gặp lại Loan trong một tình huống hết sức trớ trêu, Quân bị tai nạn trong một lần đi công tác và chính Loan là bác sĩ đã phẫu thuật kịp thời cứu Quân. Nhận ra người mà mình đem lòng yêu mến, dành nhiều tình cảm năm xưa, Quân lại cảm thấy day dứt và ân hận. Ngày ấy, Quân là thầy giáo của trường đại học sư phạm và Loan là sinh viên năm nhất khoa toán, nhưng chỉ vì một phút dại dột, Loan lấy cái bút máy của bạn để về cho em. Loan bị hiệu trưởng kỷ luật, buộc thôi học. Quân không bảo vệ được người bạn gái và thậm chí còn trốn chạy trước những luồng dư luận không hay về Loan và cả anh nữa. Từ đó hai người bặt tin nhau và mấy chục năm sau gặp lại, chính Loan là ân nhân cứu Quân thoát chết. Tình huống truyện bất ngờ, kịch tính, tạo ra những khoảng day dứt, ám ảnh của nhân vật Quân. Lẽ ra anh phải bảo vệ bạn gái của mình? Lẽ ra anh nên đối diện với tất cả nhưng tại sao anh lại trốn chạy? Những ý nghĩ đó khiến Quân đau khổ và càng ân hận khi gặp lại Loan – bây giờ là một bác sĩ giỏi, đã cứu anh thoát nạn. Nhân vật Loan khiến người đọc, người nghe dành sự cảm phục, yêu mến, trân trọng. Câu chuyện của họ đã khép lại bằng một cái kết có hậu, khi Quân đã nói với Loan những điều đáng ra anh phải nói cách đây mấy chục năm. Dẫu muộn màng nhưng câu chuyện về họ vẫn khiến chúng ta xúc động. Tình người, tình đời vẫn luôn ấm áp chứa chan, cho chúng ta niềm tin và hy vọng vào cuộc sống vốn rất nhiều gập ghềnh và trắc trở. Truyện ngắn “Vỹ thanh” của nhà văn Hồ Ngọc Quang đã mang lại cảm giác nhẹ nhõm và gieo vào lòng những niềm tin yêu chân thành…(Lời bình của BTV Vân Khánh)
Người Việt ta xưa vốn ưa lối giao tiếp khéo léo, lễ nghĩa, kín đáo, nhuần nhị nhưng cũng không kém phần hóm hỉnh, hài hước. Chúng ta hãy thử ngẫm lại mấy câu ca sau: “Bây giờ mận mới hỏi đào/ Vườn hồng đã có ai vào hay chưa/ Mận hỏi thì đào xin thưa/ Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào”. Mượn hình ảnh các loài cây, hoa đặc trưng, rõ ràng người xưa đã rất ý nhị trong cách tỏ tình và đáp lời. Trong kho tàng ca dao không ít những câu sử dụng nghệ thuật ẩn dụ về người lao động với nhiều cung bậc cảm xúc và cách thể hiện vô cùng phong phú.
Với những ai đã là độc giả trung thành của nhà văn Tống Ngọc Hân, “Bức nude thứ 9” là một truyện ngắn có phần khác lạ. Trong tác phẩm này, nữ nhà văn không khai thác các yếu tố phong tục tập quán của đồng bào vùng núi mà bước thẳng vào đời sống đô thị, cụ thể hơn là đi sâu vào đời sống hôn nhân của Triển và vợ. Hai người tới với nhau đúng theo mô típ người đẹp và đại gia nhưng đây không phải là một cuộc trao đổi xác thịt tình tiền. Liền lấy chồng có thể không có tình yêu, nhưng cô có lòng biết ơn với người đàn ông đã cứu cả gia đình mình. Chỉ khi sống chung, những khác biệt, xô lệch mới dần trở nên rõ ràng, khiến một người sống trong tủi nhục, một kẻ lòng đầy hoài nghi. Hôn nhân của họ chỉ còn trên danh nghĩa…Là một người viết văn có nghề, không lạ khi với truyện ngắn này, Tống Ngọc Hân vẫn đem đến một câu chuyện có lớp lang, kịch tính từ giây đầu tiên tới phút cuối cùng. Nhà văn vẫn phát huy được thế mạnh khi xây dựng nội tâm nhân vật, nhất là với Triển, gã đàn ông ghen tuông đến mức mù quáng. Trong khi đó, sự kiệm lời của nữ chính lại cho thấy một sự kìm nén trong lồng son gác tía. “Bức nude thứ 9” gửi gắm thông điệp về hôn nhân: khi không đủ sự tin tưởng, cuộc sống lứa đôi chẳng khác gì địa ngục. Nhưng cũng trong truyện ngắn này, độc giả còn thấy được thông điệp về nghệ thuật, về một cái Đẹp vượt lên sự tầm thường và ích kỷ. Cái Đẹp sẽ cứu rỗi thế giới, dẫu đấy là thế giới đầy rẫy những ghen tuông, áp đặt và hoài nghi của một kẻ như Triển hay là thế giới uất ức, cam chịu của những người đàn bà như Liền. (Lời bình của BTV Nguyễn Hà)
Truyện ngắn chúng ta vừa nghe, như lời tác giả tâm sự, được viết từ một sự kiện có thật. Trong đêm cơn bão số 12 (tên quốc tế là Damrey) đổ vào Nam Trung Bộ năm 2017, người dân vùng An Nhơn, Phù Mỹ đã phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề. Nghiệp, nhân vật trong truyện cũng chính là tên cậu học sinh học lớp tác giả làm giáo viên chủ nhiệm. Chi tiết người mẹ đu trên cây đà cả đêm và nhà ngập gần tới nóc đều là những chi tiết có thật. Từ những chi tiết ấy, tác giả tiếp tục dựng lên một bức chân dung đầy đủ về chuyện đời của một người phụ nữ lắm đa đoan. Bị cha dượng cưỡng bức từ năm 12 tuổi, đến năm 15 tuổi chị mất mẹ và bắt đầu phải sống tự lập. Cũng trong một lần chống chọi với bão lũ và nhận được sự giúp đỡ của người đàn ông hàng xóm, chị đã cảm động đón nhận tình cảm của anh ta rồi sinh ra thằng Nghiệp, chịu bao lời xầm xì dè bỉu của dân làng, nhất là từ người vợ chính thức của anh kia bởi thằng Nghiệp lớn lên giống bố như tạc. Chị còn nhận thêm nhiều tháng ngày đau khổ tủi nhục nữa khi chọn nhầm một người đàn ông khác về làm chồng, thường xuyên phải chịu cảnh đánh đập hành hạ cho đến một ngày gã say rượu và bị nước cuốn đi. Mạch truyện đi từ thực tại về quá khứ rồi lại trở về thực tại, khi nhân vật nữ phải đối diện với cơn lũ hung dữ, khắc nghiệt. Lần này, lại vẫn là người đàn ông hàng xóm, là bố thằng Nghiệp sang cứu chị, nhưng mà là cứu trong sự giục giã hối thúc của người vợ. Dường như trong phút nguy nan sinh tử, con người ta dễ mở lòng với nhau hơn, thương cảm và chia sẻ với nhau nhiều hơn. Người đàn bà kia có lẽ không còn giận chị nữa bởi người ấy cũng đang khóc khi nhìn thấy sự nguy nan của chị. Câu chuyện vì thế có một cái kết khơi gợi sự ấm áp của tình người. Có thể thấy, tác giả đã dành rất nhiều sự cảm thông và thương xót cho số phận những người phụ nữ, đặc biệt là những người rơi vào hoàn cảnh kém may mắn, khi hạnh phúc không được đủ đầy. Tác phẩm đồng thời cũng thắp lên một niềm tin vào lòng tốt, vào sự bao dung trong trái tim mỗi người phụ nữ.
Ca dao xưa có câu: “Chỉ đâu mà buộc ngang trời/ Thuốc đâu mà chữa con người lẳng lơ”. Đi vào những bài ca dao về đề tài phụ nữ lẳng lơ, chúng ta hiểu thêm quan niệm về tự do của người phụ nữ trong xã hội cũ nhưng một mặt tự hỏi phải chăng những câu dao này là kết quả của những bức bối và dồn nén, bất hạnh và đau khổ? Rõ ràng ca dao đã diễn đạt ước mơ của những con người lao động chịu rất nhiều tầng áp bức trong xã hội phong kiến.
Trong các gương mặt thơ nổi danh của miền Nam từ trước 1975, Nguyễn Đức Sơn là một tên tuổi đặc biệt. Được người đương thời xếp vào tứ trụ thi ca của miền Nam, ông cũng được coi là một kỳ nhân bởi phong cách thơ và cá tính độc đáo của mình. Sau một thời gian sinh sống bằng nghề dạy học ở nhiều nơi như Phan Rang, Sài Gòn, Thủ Dầu Một, Blao…, ông cùng gia đình chuyển lên ngọn đồi Phương Bối, Bảo Lộc, Lâm Đồng sinh sống và phát nguyện sẽ trồng đủ một vạn cây thông. Không những ông dành cả cuộc đời mình để trồng hàng vạn cây thông, ông còn truyền được tình yêu ấy cho thế hệ kế tiếp của mình là các con của ông, góp phần mang lại một cảnh quan thiên nhiên thật đặc biệt cho vùng Phương Bối, Bảo Lộc. Chương trình Đôi bạn văn chương của Ban Văn học Nghệ thuật (VOV6) lần này xin được dành một cuộc trò chuyện về chân dung thơ ông với tên gọi: Nguyễn Đức Sơn – Còn mãi với ngàn thông.