Truyện ngắn Mùa hè xa lạ viết vắn gọn, cô đọng, tình huống truyện được đẩy lên cao trào để nhân vật tự bộc lộ tính cách và qua đó mâu thuẫn được giải quyết. Một cô gái trẻ người thành phố bơi ra biển với ý định tự tử. Nhưng không giống như thông thường khi bắt gặp người có ý định tự tử thì người cứu sẽ khuyên can, ngăn cản trái lại anh chàng Shinichi- một người dân địa phương lại mặc kệ và không có ý định ngăn cản cô gái. Anh bình tĩnh, chậm rãi kể câu chuyện về cuộc đời cha anh, một ngư phủ vì không còn sức khỏe để ra khơi đánh cá, ông đã buộc lao vào người, rồi nhảy xuống biển khơi tự trầm mình. Ông chết vì lòng tự trọng, vì tâm niệm cuộc sống sẽ chẳng có ý nghĩa gì khi ta không thể lao động. Sau khi nghe câu chuyện, cô gái trẻ đã tự động bơi lại vào bờ. Cô đã nhận ra đâu là lòng dũng cảm thực sự và ý nghĩa của lao động. Qua nhân vật Shinichi, tác giả cũng bày tỏ sự cô đơn, lạc lõng của con người. Với Shinichi anh cảm thấy cô đơn, lạc lõng ngay chính thị trấn ven biển nơi mình sinh ra và lớn lên. “Để tránh ánh mắt người lạ mà lén lút bơi như thế này khiến Shinichi có cảm giác như mình đang lẻn vào vườn nhà của người ta”. Anh không còn thuộc về nơi này nữa, khi mà cái sự ồn áo náo động đã làm mất đi sự yên tĩnh, êm đềm vốn có. Cuối cùng, “anh chỉ nhìn thấy một mùa hè xa lạ”. (Lời bình của BTV Vũ Hà)
Trong những ngày cuối năm tất bật này, mong độc giả góp nhặt trong trang thơ đôi chút bình yên lắng đọng, đó có lẽ là tâm ý của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh khi cách đây chưa lâu ông ra mắt tập thơ “Nắng dậy thì”. Đây là tập sách thứ 6 và là tập thơ thứ 4 của nhà thơ quê Đại Lộc, Quảng Nam. Như tác giả từng tự nhận: “Xưa tôi sống trong làng/ Giờ làng sống trong tôi” – Những trang thơ Nguyễn Ngọc Hạnh vẫn bộc bạch nỗi niềm của một người xa xứ.
Quý vị và các bạn thân mến, một gia đình hạnh phúc không thể thiếu đôi bàn tay đảm đang của người vợ. Có nhiều câu tục ngữ nói về vai trò của người vợ trong gia đình như “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” hay “của chồng, công vợ”, “giầu vị bạn sang vì vợ”….Người chồng sẽ cảm thấy thật tự hào khi lấy được một người vợ giỏi việc nước lại đảm việc nhà, dạy dỗ con cái nên người, chăm ngoan học giỏi. Nhưng trong cuộc sống không phải ai cũng gặp điều may mắn như vậy. Nhân vật danh xưng là hắn trong truyện là người chồng có người vợ dại. Từ những công việc được cho là sở trường, là điểm mạnh của người phụ nữ trong gia đình như mua bán, nấu nướng tới cách ứng xử trong công việc hàng ngày thì vợ hắn rất kém hay chúng ta gọi là đoảng. Những lần xử lý vô duyên của vợ khiến hắn dở khóc, dở cười thậm chí phải nén giận. Chỉ đến lúc hắn bỏ đi công tác xa nhà một thời gian rồi quay về mới giật mình trước thay đổi của vợ. Cờ đến tay ai người đấy phất. Được mẹ chồng bắt ra chợ để buôn bán, cô vợ dại cũng học được nhiều điều và buôn bán không kém ai. Với giọng văn hóm hỉnh pha chút tự giễu, truyện ngắn thể hiện cuộc sống hôn nhân quen thuộc nhưng cũng rất sắc sảo. Những việc lông gà vỏ tỏi như mua mớ rau con cá, nấu cơm, chăm con, việc buôn bán kiếm sống mà chúng ta ai cũng trải qua khiến người đọc, người nghe thấy một phần hình ảnh của mình trong đó. Đó đều là việc rất nhỏ trong cuộc sống hàng ngày nhưng nếu không xử lý tốt có thể ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình. Người chồng luôn chê vợ mình dại, đoảng vị làm việc gì cũng không vừa ý anh. Nhưng khi được bà mẹ chồng bắt phải đi bán hàng thì cô vợ đã biết phát huy nhiều ưu điểm của mình. Người vợ không khôn khéo nhưng được cái chăm chỉ, thật thà. Ai cũng có ưu khuyết điểm riêng, trong vô số khuyết điểm chúng ta vẫn có thể bắt gặp những điểm sáng bất ngờ. Biết giảm bớt khuyết điểm, trân trọng và phát huy những ưu điểm của nhau là điều giúp vợ chồng hòa thuận, tốt đẹp hơn trong cuộc sống hôn nhân. “Vợ dại” hay “vợ khôn” đôi khi lại phụ thuộc vào cảm nhận và cũng xử lý của người chống đấy quý vị và các bạn ạ! (Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)
Ca dao về xứ Huế có nhiều câu đặc tả về cảnh sắc thiên nhiên các địa danh. Âm điệu của hầu hết những câu ca dao này là nhẹ nhàng, chuyển tải nỗi niềm tâm sự của con người cố đô đa sầu, đa cảm.
Trong các tác giả thơ nữ đương đại thuộc thế hệ 8x sinh sống và làm việc tại khu vực TP HCM khoảng 15 trở lại đây, Nguyễn Thiên Ngân là một cái tên gây được nhiều sự chú ý đặc biệt. Khởi đầu bằng văn xuôi với Giải Nhất truyện ngắn cuộc thi Chân dung tuổi mới lớn của báo Mực tím năm 2005, cho đến năm 20 tuổi đã có 4 tập truyện được in nhưng sau đó Nguyễn Thiên Ngân gây dấu ấn mạnh hơn cả với thơ. Từ tập thơ đầu mang tên Mình phải sống như mùa hè năm ấy (2012), chị đã lần lượt công bố thêm 3 tập thơ khác là: Lạ lùng sao, đớn đau này (in lần đầu 2013, tái bản 2017), Ôm mỏ neo nằm mộng những chân trời (in lần đầu 2015, tái bản 2018), Có người sực tỉnh cơn mơ (2018). Nhiều bài thơ, câu thơ của chị đã trở thành trào lưu của giới trẻ, được nhiều diễn đàn văn học trên các mạng xã hội đăng tải và nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt từ độc giả, nhất là giới học sinh, sinh viên. Chương trình Đôi bạn văn chương của Ban Văn học Nghệ thuật (VOV6) lần này xin được dành một cuộc trò chuyện về chân dung thơ Nguyễn Thiên Ngân với tên gọi: Nguyễn Thiên Ngân – Dưới trời này sao sáng cũng vì nhau
Trong các tác giả thơ nữ đương đại thuộc thế hệ 8x sinh sống và làm việc tại khu vực TP HCM khoảng 15 trở lại đây, Nguyễn Thiên Ngân là một cái tên gây được nhiều sự chú ý đặc biệt. Khởi đầu bằng văn xuôi với Giải Nhất truyện ngắn cuộc thi Chân dung tuổi mới lớn của báo Mực tím năm 2005, cho đến năm 20 tuổi đã có 4 tập truyện được in nhưng sau đó Nguyễn Thiên Ngân gây dấu ấn mạnh hơn cả với thơ. Từ tập thơ đầu mang tên Mình phải sống như mùa hè năm ấy (2012), chị đã lần lượt công bố thêm 3 tập thơ khác là: Lạ lùng sao, đớn đau này (in lần đầu 2013, tái bản 2017), Ôm mỏ neo nằm mộng những chân trời (in lần đầu 2015, tái bản 2018), Có người sực tỉnh cơn mơ (2018). Nhiều bài thơ, câu thơ của chị đã trở thành trào lưu của giới trẻ, được nhiều diễn đàn văn học trên các mạng xã hội đăng tải và nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt từ độc giả, nhất là giới học sinh, sinh viên. Chương trình Đôi bạn văn chương của Ban Văn học Nghệ thuật (VOV6) lần này xin được dành một cuộc trò chuyện về chân dung thơ Nguyễn Thiên Ngân với tên gọi: Nguyễn Thiên Ngân – Dưới trời này sao sáng cũng vì nhau
Câu chuyện xoay quanh mối tình âm thầm, sục sôi, đau khổ và tan nát của Khai Dèn, một chàng trai bản, dành cho Cà Xé, - một cô gái núi đã nhuốm màu phố thị... Ngày trước, nhà Khai Dèn với nhà Cà Xé chỉ cách nhau một khe suối và quả đồi bằng. Lúc nhỏ, hai đứa và bọn trẻ trong bản thường chơi chung với nhau. Hè đến lũ trẻ rủ nhau tắm suối, té nước, nô đùa chí chát vang khắp núi đồi. Bố Khai Dèn và bố Cà Xé từng là đôi bạn rất thân, họ cùng đi buôn bán đường xa. Nhưng rồi bố Khai Dèn mất sau một vụ tai nạn, và số phận của hai gia đình cùng những đứa trẻ từ đó thật khác nhau. Nếu như Khai Dèn phải nghỉ học để cáng đáng mọi việc trong gia đình thì Cà Xé ngày càng được cưng chiều vì gia đình khá giả, cô lại xinh đẹp, khéo léo, múa giỏi. Cà Xé xuống huyện học thì càng trở nên xa xôi với Khai Dèn. Vẫn biết mình và Cà Xé như hai dòng suối nhỏ khó lòng gặp nhau, nhưng Khai Dèn vẫn muốn lại gần, vẫn âm thầm hi vọng, bởi chả điều gì ngăn được trái tim yêu của một chàng trai trẻ. Nhưng rồi, cái đêm dân bản tiễn đoàn làm phim, cũng chính là cái đêm Khai Dèn nhận ra trái tim mình đã trao gửi nhầm chỗ, Cà Xé có lối sống khác xa với những cô gái núi, khác xa với những gì Khai Dèn vẫn tự thêu dệt, huyễn tưởng trong tâm trí. Hành động Khai Dèn vứt chiếc bút Cà Xé tặng, thả nốt cả cái khăn mùi soa định tặng cô như một sự thức tỉnh, sự dứt khoát từ bỏ một mối tình đơn phương, cũng là từ bỏ thứ không phù hợp với mình. Câu chuyện không chỉ dừng lại ở chuyện tình của một đôi trai gái, nó còn truyền tải thông điệp về giữ gìn bản sắc văn hóa, lối sống của một bộ phận thanh niên miền núi trong bối cảnh hòa nhập đời sống hiện đại và giao thoa văn hóa giữa các vùng miền hiện nay. (Lời bình của BTV Vân Khánh)
Truyện ngắn “Bài hát hôn lễ” mở đầu với tâm sự và lời kể về tiếng sáo mê hoặc của lão Platko. Ông là người cha luôn mang trong mình nỗi đau lỡ dở hôn nhân của người con gái mà chính ông là người đã gián tiếp dự phần. Đến kết truyện, nhà văn mới miêu tả thật ngắn gọn mà sinh động bản nhạc hôn lễ phát ra từ cây sáo trúc của lão Platko. Ở đầu truyện, người cha đầy ẩn ức này không chơi bản nhạc hôn lễ theo yêu cầu của những người thợ cắt cỏ nhưng đến cuối truyện, tiếng sáo của ông vang lên theo nhịp điệu tươi vui, hi vọng trong tâm tư. Người con gái khốn khổ của ông sẽ được hạnh phúc, dù muộn màng và đã qua biết bao bầm dập, đau khổ. Cấu trúc hình ảnh lặp lại ở đầu và cuối truyện đọng lại dư vị. Nhà văn Roman Ivanytchouk vẫn thể hiện được phong độ qua văn phong kể chuyện liền mạch, hấp dẫn. Truyện ngắn này của ông vẫn như một dòng chảy âm thầm, xuyên suốt, thấm thía về lẽ đời. (Lời bình của BTV Võ Hà)
Huế là vùng đất có truyền thống lịch sử, chiều sâu văn hóa. Từng là Thủ phủ của Đàng Trong thời các chúa Nguyễn, rồi trở thành kinh đô đất nước dưới triều Tây Sơn và tiếp tục là kinh đô trong gần một thế kỷ rưỡi dưới triều Nguyễn, ca dao về xứ Huế cũng phong phú, đa dạng về nội dung, cảm xúc.
Thơ, trước tiên là những giăng mắc nỗi đời. Có khi những nỗi đời ấy được hình tượng hóa, thấm thía, cô đọng trong cảm xúc thơ. Nhưng cũng có khi, tác giả giãi bày một cách trực diện, ám ảnh trên từng trang viết. Thơ của Thy Nguyên (Tên thật là Phạm Thúy Nga) ở Hải Phòng hòa quyện hai cách viết ấy, ở đó trội lên vẫn là những độc thoại đầy dằn vặt. Tập thơ mới nhất của nữ nhà thơ đất Cảng có nhan đề “Phố vợ cũ” ăm ắp nỗi niềm thân phận.
Nhiều nhà nghiên cứu đã cất công tìm hiểu về các địa danh được đề cập tới trong bài ca dao "Gió đưa cành trúc la đà...", đặc biệt là địa danh Thọ Xương. Trong đó, những phân tích khoa học của Nhà nghiên cứu Tôn Thất Thọ xác tín hơn cả.
Trong các cây bút trưởng thành trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, Nguyễn Đức Mậu là một gương mặt đặc biệt. Cùng được giải Nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ 1972-1973 với ba nhà thơ khác là Nguyễn Duy, Lâm Thị Mỹ Dạ và Hoàng Nhuận Cầm song có thể thấy, chất thơ của Nguyễn Đức Mậu đi theo một lối riêng: Kín đáo và bình dị, lặng lẽ mà bền bỉ, ngày càng dày thêm về nội lực, sâu sắc về cách nhìn đời sống. Trải qua hơn nửa thế kỷ lao động nghệ thuật, Nguyễn Đức Mậu vẫn không ngừng có thêm những tác phẩm mới, được bạn đọc chào đón. Nhân dịp Nguyễn Đức Mậu vừa in hai tuyển tập thơ và trường ca như một tổng kết hành trình của mình vào tháng 12 vừa qua, chương trình Đôi bạn văn chương của Ban Văn học Nghệ thuật (VOV6) xin được dành một cuộc trò chuyện về chân dung thơ ông với tên gọi: Nguyễn Đức Mậu – Mùi thơm của hương trầm.
Câu chuyện chúng ta vừa nghe, như chính lời tác giả Nguyễn Anh Vũ tự bạch, được viết ra từ chính những ký ức về vùng quê ngoại Thái Bình của tác giả. Không khí, bối cảnh và các nhân vật đã trăn trở trong Nguyễn Anh Vũ từ rất lâu, chỉ còn chờ đúng dịp là tất cả ùa ra trang giấy. Hai nhân vật chính trong truyện ngắn là Toại và Thoan, những người cùng xã, khác thôn. Toại là thương binh hạng nặng từ chiến trường trở về. Còn với Thoan, dù tác giả không nói rõ nhưng người đọc cũng có thể đoán được cô đã từng là một người lính, có thể là một nữ thanh niên xung phong, một cô gái giao liên hay mở đường chẳng hạn. Và chắc là Thoan với Toại đã từng có những ân tình sâu đậm. Thế nên sau 10 năm Toại ở trại điều dưỡng, khi Thoan hay tin Toại còn sống đã tìm mọi cách để đón được Toại về và họ thành vợ thành chồng. Toại chỉ còn một tay trái và nửa chân phải, nặng 21 kg, gần như đã là một người tàn phế. Việc Thoan đón Toại về vì thế là một nghĩa cử, một hy sinh lớn lao chứ không phải mưu cầu bất cứ một quyền lợi gì. Nhưng bản năng và khát khao chính đáng của người phụ nữ trong Thoan sau đó vẫn cất lên, rằng cô mong muốn có một đứa con. Toại làm sao có thể thực hiện được điều ấy. Anh cũng đã sẵn sàng, mở lòng để Thoan có thể nhờ một người đàn ông khác giúp, dù đó có thể là thằng Sật, một gã đàn ông có “hàm răng thuốc lào vàng ệch, tóc xoăn tít, râu quanh mồm rậm rịt lan xuống tận cổ” và hay ve vãn phụ nữ. Người nghe, người đọc cũng có lúc cảm tưởng rằng, chắc Thoan sẽ nhờ một người đàn ông nào đó giúp cho mình mang thai, sinh con. Nhưng càng về cuối truyện thì những điều bất ngờ nhất mới được hé lộ. Thoan không những đi tìm thuốc cho Toại mà còn nhờ đến cả những sức mạnh tâm linh qua lá bùa mà sư thầy trên chùa Cả cho. Và hạnh phúc đã đến với Toại và Thoan ở đoạn cuối tác phẩm trong một sự hồi sinh sức lực đàn ông của Toại, để thắp lên ước mơ trọn vẹn trong Thoan. Chi tiết hai vợ chồng ôm nhau trong con thuyền trôi đi trên đầm sen mang vẻ đẹp đầy lãng mạn và kỳ ảo, đồng thời cũng sáng lên một niềm tin bất diệt vào tình yêu và hạnh phúc. (Lời bình của BTV Đỗ Anh Vũ)
Thưa các bạn! Một năm trôi qua, thật gần rồi lại thật xa. Thơ cũng như dòng chảy cuộc sống không ngừng chuyển động. Mới đó mà đã lại gặt hái các mùa giải thưởng. Hội Nhà văn Việt Nam vừa mới công bố danh sách các tác giả và tác phẩm đoạt giải thưởng năm qua. Giải thưởng thơ được trao cho tập “Đồng sen tàn” của nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành. Sách do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. BTV Tiếng thơ đã gặp và ghi nhận những cảm xúc, chia sẻ của nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành. Mời các bạn cùng theo dõi: