Trần Khát Chân là vị tướng Anh hùng chống ngoại xâm kiệt xuất nhất cuối triều Trần. Trong lịch sử các triều đại phong kiến chống ngoại xâm của Đại Việt từng xuất hiện nhiều vị tướng tài năng, dũng khí can trường nhưng một vị Tổng tư lệnh chiến trường mới 20 tuổi, lại xuất thân từ một Thái học sinh ( tức Tiến sĩ) như Trần Khát Chân thì chỉ có một. Năm 1390, Ngài đã chỉ huy quân Long Tiệp nhà Trần đánh tan cánh quân xâm lược của vua Chiêm Chế Bồng Nga, kẻ đang ngự giá thân chinh tiến chiếm Thăng Long lần thứ tư trên sông Hải Triều. Sau công huân rỡ ràng đó, Ngài được thăng chức Thượng tướng quân. Năm 1399, trước họa cướp ngôi nhà Trần của Hồ Quý Ly, vị Thượng tướng quân lỗi lạc ấy, chỉ vì một giây lát chần chừ mà bị Hồ Quý Ly sát hại cùng với 370 vị tướng và thân vương nhà Trần. Sử sách đã bàn khá nhiều về cái giây lát mất còn ấy. Truyện ngắn Tiếng thét ngàn năm không đi sâu vào khoảnh khắc bi thương ấy mà tập trung khắc họa cuộc đời nhân vật Trần Khát Chân, qua đó nhà văn Lê Ngọc Minh bày tỏ một lời bàn cảm thương và day dứt. Lịch sử đã chứng minh, trước họa xâm lăng, kẻ cường quyền nào không biết cố kết sức mạnh dân tộc thành một khối vững chắc, lại đi hãm hại hiền tài thì sớm muộn gì cũng thảm bại, đất nước và nhân dân bị lầm than vong quốc như Nguyễn Trãi đã viết trong Cáo bình Ngô “... Vừa rồi nhân họ Hồ chính sự phiền hà/ Để trong nước lòng dân oán hận/ Quân cuồng Minh thừa cơ gây họa…”.
Ngoài ra, theo chúng tôi còn một thông điệp nữa làm nên sức nặng cho truyện ngắn, đó là việc trọng dụng người tài. Thượng hoàng Trần Nghệ Tông với con mắt tinh đời và tấm lòng rộng lượng đã nhìn ra người tài mà ở đây còn rất trẻ, “tài không đợi tuổi”. Trước tình thế nguy kịch “ngàn cân treo sợi tóc” khi đại quân địch do Chế Bồng Nga ngự giá thân chinh đã sắp tiến vào Thăng Long, Nghệ hoàng đã có một nước đi sáng suốt. Ngài không giấu diếm việc sức khỏe mình yếu sợ không địch nổi tài thao lược của Chế Bồng Nga, không ngại việc lời ra tiếng vào, không sợ đặt cuộc số phận chính trị của mình vào trò may rủi để cất nhắc Trần Khát Chân-một viên Đô tướng trẻ mới mười chín tuổi lên làm Tổng chỉ huy quân đội thống lĩnh đại quân đi chinh phạt Chế Bồng Nga. Một truyện ngắn hấp dẫn, tiết tấu nhanh qua những câu văn ngắn và giọng kể đầy cảm thương của nhà văn./.
Đất nước Việt Nam ta vốn là cái nôi của nền văn minh lúa nước. Người dân Việt quanh năm hai sương một nắng canh tác trên đồng ruộng. Chỉ sau vụ Chiêm và vụ Mùa, tức mùa Xuân và mùa Thu, người nông dân ta mới được nghỉ tay. Cũng dịp này, các làng tổ chức hội hè. Và đó cũng là nguyên cớ ra đời các lễ hội lâu đời, đặc biệt là được tổ chức rất nhiều vào mùa Xuân. Trong tác phẩm “Việt Nam Văn Hóa Sử Cương”, nhà khảo cứu Đào Duy Anh đã đưa ra nhận xét: “Trong làng thường năm có nhiều kỳ tế lễ để dân làng có dịp “ăn uống” và “vui chơi”. Những cuộc tế 1ễ lớn nhất là lễ Kỳ phúc về mùa Xuân và mùa Thu để cầu bình yên cho dân làng, lễ Nhập tịch hay vào đám vào khoảng tháng Giêng, tháng Hai, khi thường thì chiếu lệ tế lễ dăm bảy ngày, năm nào hòa cốc phong đăng dân gian làm ăn thịnh vượng hay nhân lễ rước sắc thần, hay nhân lễ khánh thành đình mới thì mở Đại hội, bày những cuộc vui chơi hát xướng đến nửa tháng hay cả tháng”.
Quý vị và các bạn thân mến, nếu truyện ngắn “Sự tích câu ca dao” nhà văn Đỗ Hàn lấy cảm hứng từ truyền thuyết “Mỵ Châu- Trọng Thủy” thì truyện ngắn “Bức huyết thư” ông lại phóng bút sáng tác phần “Hậu Truyện Kiều”. Đây đều là hai tác phẩm văn học nổi tiếng và in đậm trong tâm trí của người dân Việt Nam. Hai truyện ngắn có không gian, thời gian, nội dung khác nhau nhưng có một điểm chung là số phận bi thảm của người phụ nữ. Mỵ Châu vì ngây thơ tin tưởng Trọng Thủy mà trở thành tội đồ làm nước mất, nhà tan. Mỵ Châu có lẽ đáng thương hơn là đáng trách. Thúy Kiều tuy đã tái hợp cùng Kim Trọng, Kiều về ở cùng Kim Trọng nhưng nàng cũng sống không hạnh phúc. Kim Trọng bận rộn công việc, không quan tâm khiến Thúy Kiều cô đơn. Cuối cùng nàng hiểu ra chỉ có Từ Hải mới là người yêu mình nhất, trân trọng mình nhất. Kiều chọn cái chết để giải thoát cho cuộc đời duyên phận dở dang của mình. Dựa trên truyền thuyết “Mỵ Châu- Trọng Thủy”và truyện thơ “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du, nhà văn Đỗ Hàn đã sáng tác nên hai truyện ngắn sinh động, giầu sức sáng tạo, ẩn chứa nhân sinh vui buồn của con người. Khai thác nguồn chất liệu văn học dân gian để có những tác phẩm nghệ thuật nói về vấn đề ngày nay hay những bài học đạo đức, về triêt lý nhân sinh đời người là một một cách là tốt để góp phần giúp người đọc, người nghe hiểu hơn lịch sử dân tộc cũng như những góc nhìn khác nhau về văn học, văn hóa dân gian Việt Nam.
Như đã hẹn, chương trình đêm nay gửi tới các bạn nội dung đêm thơ mang tên “Bản hòa âm đất nước”. Đây là hoạt động thuộc khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam năm nay, diễn ra vào đêm qua, đêm Rằm tháng Giêng. Đêm thơ có sự góp mặt của 16 tác giả trong nước và quốc tế.
Sân khấu đêm thơ diễn ra vào đêm nay, đêm Rằm tháng Giêng có sự góp mặt của các tác phẩm và tác giả người dân tộc thiểu số. Đó là một điểm nhấn quan trọng rất đáng nhắc tới của Ngày thơ Việt Nam năm nay. Những năm qua, chương trình Tiếng thơ của Ban VHNT (VOV6) cũng rất chú trọng lưu trữ và giới thiệu sáng tác của các tác giả đến từ các vùng miền, thuộc các tộc người trên khắp Tổ quốc.
Bước ra từ thần thoại, rồng là một biểu tượng tôn nghiêm, cao quý rất được người thời xưa coi trọng. Bởi vậy, nhiều tác phẩm văn học dân gian nước ta đề cập tới biểu tượng rồng.
Truyện ngắn “Phía khuất” của Bùi Tuấn Minh với cốt truyện khá hấp dẫn, không nói nhiều về những hoạt động nghiệp vụ mà đi sâu vào khai thác con người cảnh vệ, con người đời thường với tất cả những lo toan, suy nghĩ. Đây là truyện ngắn đã chạm đến đề tài về người cảnh vệ cũng như lực lượng công an nhân dân gắn với những phương diện mới mẻ, khá bí ẩn, nhiều tình tiết hấp dẫn, ly kỳ ở đằng sau đó. Đó chính là yếu tố tham dự vào tác phẩm văn học của các tác giả viết về ngành công an mà trong đó Bùi Tuấn Minh là gương mặt mới đầy triển vọng. Với lối viết đầy nội lực và giàu sự trải nghiệm, truyện ngắn “Phía khuất” tuy viết về lực lượng công an nhân dân nhưng không hề khô khan, cốt truyện dày, chặt chẽ, lắt léo, biến tấu linh hoạt, gây được sự bất ngờ. Điều khiến tác phẩm để lại dấu ấn là văn phong tự nhiên cuốn hút, không sa vào lối tuyên truyền để mất đi nét đẹp của văn chương. Sau thành công của tác phẩm này, chúng ta chờ đợi những tác phẩm mới của anh, dẫu biết con đường văn chương chưa khi nào là dễ dàng cả, nó luôn chứa đựng những nhọc nhằn, nghiệt ngã. Nhưng chúng ta tin với sự nhập cuộc đầy tự tin, với bản lĩnh kiên cường của người chiến sĩ công an nhân dân, với sự tâm huyết và niềm đam mê cháy bỏng của cây bút thế hệ 8X sẽ giúp anh sớm gặt hái được những “trái ngọt” và khẳng định được chỗ đứng trong văn đàn của lực lượng. (Lời bình của BTV Vân Khánh)
Với giọng văn trữ tình, thiết tha trìu mến, tác giả đưa chúng ta trở về không gian làng quê Bắc bộ yên bình-nơi có dòng sông Sò và những bụi hương bài mọc bên bờ sông. Dư-một chàng trai mới lớn, nhân vật chính trong truyện ngắn “Ngủ giữa khói hương bài” lớn lên trong không gian làng quê thoang thoảng mùi hương bài, bên dòng sông tuổi thơ cùng những bữa cơm bà nội nấu và được bồi đắp tâm hồn qua những câu chuyện cổ tích bà kể, làn điệu chèo bà hát. Có thể nói “Da thịt Dư tỏa ra mùi của hương bài, của đất, của gió, của dòng sông, của quê hương”. Thế nhưng cuộc đời Dư lại lận đận. Thi trượt đại học, định học cao đẳng cũng không xong. Đi học nghề mộc thì bỏ dở giữa chừng vì thất tình. Đi làm phụ hồ thì không chuyên tâm. Trong một lần trèo lên giàn giáo để trát vữa, cậu không may bị ngã xuống đống gạch ngất lịm. Lúc tỉnh dậy, Dư thấy mình đang nằm giữa những bụi hương bài mọc bên sông Sò. Chính làn hương bài đang lan tỏa trong không gian đã đưa Dư vào thế giới mộng tưởng hư hư thực thực để gặp lại bà nội và anh Đủ. Bà nội và anh Đủ đã giúp Dư sống lại ký ức tuổi thơ đẹp đẽ gắn bó với làng, với dòng sông Sò. Dư như được sống lại những năm tháng đẹp đẽ, đầm ấm, hạnh phúc bên bà nội. Nơi đó, ký ức tuổi thơ của Dư đủ đầy với những bữa cơm bà nấu, tâm hồn tắm mát ánh trăng rằm, neo đậu bến sông quê; Dư được gặp lại những người thân trong gia đình đã lên đường cầm súng bảo vệ Tổ quốc…Có lẽ, ký ức là điểm tựa để Dư hóa giải những va vấp, mất mát đầu đời; đánh thức trong cậu ý thức trách nhiệm là một chàng trai trụ cột gia đình. Chúng ta không thể trở về nhưng có thể nâng niu, lưu giữ quá khứ, như một phương cách hữu hiệu chữa lành sự nông nổi, nhạt nhòa của hiện tại. Dẫu tác giả không lý giải hành trình cuộc đời phía trước của Dư sẽ đi đến đâu, nhưng người đọc người nghe tin rằng Dư sẽ trở nên mạnh mẽ, bản lĩnh và tự tin, quyết đoán hơn. Bởi cậu được sống trong tình yêu thương của những người thân trong gia đình, trong mạch nguồn quê hương xứ sở và sự trường tồn của văn hóa làng. (Lời bình của Vũ Hà)
Từ xa xưa, trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam ta, bên cạnh tên gọi quen thuộc là Tết ta, Tết Cổ truyền, Tết Âm lịch, Tết Nguyên đán còn được gọi là Tết Cả, mở đầu một năm mới khoảnh khắc giao thoa đất trời có ý nghĩa vô cùng linh thiêng. Bởi thế mà kho tàng ca dao của dân tộc ta có rất nhiều câu ca nói về ngày Tết.
Mở đầu truyện ngắn Mùi Tết, nhà văn Quế Hương đã tái hiện không khí chuẩn bị Tết của cộng đồng người Việt ở Úc, những cành mai giả, đào giả, chợ tràn ngập bánh chưng, bánh tét, mứt, lì xì, chiếc áo tứ thân...
Cách dẫn dắt câu chuyện tự nhiên khiến sự hiện diện của nhân vật ông già và khu vườn trở nên thật gần gũi. Những đặc sản của xứ Huế đều có trong ngôi nhà vườn của ông lão. Từ thứ cỏ Thạch Xương Bồ, cây vả, cây xoài, cây mít, mãng cầu, măng cụt đến thứ sen Tịnh Đế, bánh tráng, bát canh tập tàng . Ông lão yêu quê nhớ quê đã mang cả cái vườn Huế qua Úc, bước vào vườn của ông, cảm nhận như đã được trở về nhà, về Việt Nam vậy. Những chi tiết ông già nâng niu từng hạt giống, tìm cách mang sang Úc gieo trồng, đủ thấy người đàn ông đó yêu thiên nhiên, nhớ quê hương xứ sở đến thế nào. Hương vị quê hương, hương vị Tết còn thể hiện trong ngôn ngữ tiếng Việt, giọng điệu, từ ngữ địa phương rất đặc trưng của xứ Huế, ở tình đồng hương ấm nồng, ở trong câu chuyện, những đối thoại giữa ông lão và cô gái trẻ , ở trong những nghĩ suy của họ về Tết. Một yếu tố nữa làm nên hương vị Tết hương vị mùa Xuân chính là không gian đẫm cây cỏ, thiên nhiên. Cảm ơn nhà văn Quế Hương đã mang đến một câu chuyện ấm áp và giúp chúng ta hiểu ra một điều Tết Nguyên Đán cổ truyền chính là văn hóa tinh thần có trong tâm thức mỗi người con đất Việt. Dù đi đâu, ở đâu người Việt vẫn có Tết. Đó cũng là cách để những người con xa xứ lưu giữ hồn Việt, bày tỏ nỗi nhớ, tình yêu quê hương đất nước của mình. (Lời bình của BTV Tuyết Mai)
Những ngày đầu năm mới Giáp Thìn, Tiếng thơ của Ban VHNT (VOV6) mời Quý thính giả cảm nhận nội dung và không khí buổi giao lưu với chủ đề “NSND Vũ Kim Dung: Tiếng thơ sóng bước cuộc đời”. Đây là một hoạt động được Ban VHNT (VOV6) đứng ra tổ chức cách đây chưa lâu nhân sự kiện Nghệ sĩ Vũ Kim Dung, một nghệ sĩ từng công tác tại Ban Văn nghệ - Đài Tiếng nói Việt Nam, được Nhà nước tặng danh hiệu NSND cao quý. Chương trình hi vọng là cầu nối thân tình tới các quý thính giả nhiều năm nay đã yêu mến, dõi theo Tiếng thơ và các giọng ngâm, giọng đọc thơ trên sóng Văn nghệ - Đài Tiếng nói Việt Nam. Mời Quý vị và các bạn cùng theo dõi:
Cứ mỗi khi một năm cũ sắp qua đi, một năm mới sắp ùa về, trong lòng người Việt nào cũng có những xao động, xốn xang của tâm trạng, cảm xúc. Mỗi người đã có thể tự tổng kết những điều mình làm được trong năm qua, dự kiến những kế hoạch trong năm tới. Những người ở thành phố chuẩn bị cho những chuyến về quê thăm họ hàng, cha mẹ, thắp hương phần mộ tổ tiên. Còn những người xa quê, xa xứ thì không khỏi bâng khuâng, bùi ngùi, lòng lúc nào cũng hướng về một khát khao đoàn tụ. Bao thế hệ thi sĩ từ cổ điển cho đến hiện đại, vì những hoàn cảnh khác nhau đã phải tha hương nơi đất khách. Những nỗi niềm và tâm sự khi ly hương ấy họ gửi cả vào thơ. Chương trình Đôi bạn văn chương số đặc biệt chào mừng Tết Nguyên đán, Xuân Giáp Thìn lần này xin được dành một cuộc trò chuyện mang tên: Thơ của người xa xứ.
Phù sa châu thổ miệt chín nhánh sông ám gợi bao trùm câu chuyện, vẽ lên thân phận nhân vật và lắng xuống thành nỗi niềm buồn thương da diết. Tuy vậy không hề bi lụy hoặc nặng nề mà ở đó, phía sau những thắt thẻo ruột gan, người đọc người nghe luôn thấy thứ ánh sáng ấm áp tình người và một năng lượng sống tích cực được truyền tải mạnh mẽ trong câu chữ. Trong truyện ngắn “Ngọt như gió Tết”, Tống Phước Bảo khéo léo đem bản vọng cổ với hành trình của một anh nghệ sĩ từ con sông Cố Giang lan xa đến tận nước ngoài. Cả một vùng sông nước Cửu Long hiện lên bàn bạc qua lời kể của đứa cháu. Góc nhìn của người trẻ hiện nay với những thế hệ đi trước thông qua cuộc sống, cách sống và lựa chọn hạnh phúc của cuộc đời. Chuyện của ngoại, chuyện của cậu, chuyện của dì hay của ba má được nhân vật thể hiện thông qua những sự phân tích tâm lý cực kì dạt dào cảm xúc. Chuyện cũ nhưng luôn đong đầy trong tâm thức người trẻ một nỗi thao thiết giữa thời đại. Hạnh phúc là gì khi chúng ta lớn lên và rời xa nguồn cội của chính mình? Đi là để trở về, là để thấu hiểu và thêm thương cho những mùa sum vầy thiếu vắng. Chọn thời điểm là Tết để kể một câu chuyện gia đình, nhưng lồng vào đó là một thông điệp về sự đoàn viên như một truyền thống của dân tộc mỗi độ xuân về năm hết. Lấy câu vọng cổ để nhắc nhớ những đứa con Việt dù đi bất cứ nơi nào chỉ cần nằm nghe câu xề rớt xuống là lòng dạ chợt bời bời nhớ quê. Còn nhớ quê hương nguồn cội có nghĩa là trái tim mình vẫn còn nhịp đập cho ngày về. Về để thấy nơi nào cũng chỉ là để ở, chỉ có quê là nơi phải về. Cái tinh tế của Tống Phước Bảo là giọng văn mượt mà như một dòng sông uốn lượn men theo kí ức vỗ lòng người đọc, người nghe. Cứ vậy mà câu chữ của Tống Phước Bảo dẫn dắt chúng ta lang thang từ kí ức đến hiện tại. Câu vọng cổ nối liền hai miền thời gian và rơi đúng mùa Tết. Kết truyện bằng một câu vọng cổ, hệt như người nghệ sĩ xuống xề và người nghe vỗ tay rần rần bên dưới. Hẳn là người đọc, người nghe thưởng thức xong truyện chợt mỉm cười bởi Tết đã nở trong lòng mình tự bao giờ….(Lời bình của BTV Vân Khánh)
Toàn bộ nội truyện ngắn chúng ta vừa nghe xoay quanh hai nhân vật chính: thiền sư và kiếm khách. Theo mạch kể của tác giả, hai nhân vật gần như cùng xuất hiện và tham dự vào tất cả các diễn biến của truyện cho đến khi dòng cuối cùng khép lại. Kịch tính của truyện mở ra ngay từ phần đầu tác phẩm khi kiếm khách bị truy sát, trên người đầy vết thương, được thiền sư hết lòng giúp đỡ. Kịch tính tiếp tục được nhân lên khi cuộc truy sát chưa dừng lại, đám thổ phỉ tìm đến tận chủa để lùng bắt kiếm khách và sát thương thiền sư. Lần này thiền sư lại được kiếm khách giúp đỡ, chăm sóc các vết thương. Thiền sư và kiếm khách vốn là hai nhân vật ở hai thái cực khác hẳn nhau. Thiền sư thì khiêm nhường, tĩnh lặng, giàu lòng yêu thương. Kiếm khách thì lạnh lùng kiêu bạc, thậm chí là hiếu sát, ban đầu tuy được giúp đỡ mà vẫn buông những lời đe dọa thiền sư. Nhưng cùng với diễn biến câu chuyện, thiền sư và kiếm khách đã đối thoại được với nhau nhiều hơn và kiếm khách đồng ý nghe theo những sắp đặt của thiền sư. Có những lúc, tưởng như kiếm khách đã phần nào được thiền sư cảm hóa. Cao trào của truyện được đẩy tới đỉnh điểm trong phần cuối, khi thiền sư tự sát bằng lưỡi kiếm của kiếm khách để chứng minh sự trong sạch của mình. Cho đến trước khi cái chết của thiền sư xảy đến, bản chất giang hồ trong kiếm khách vẫn là rất lớn, và gã không dứt được mối nghi ngờ ngay với chính ân nhân của mình. Chỉ đến khi thiền sư không còn nữa thì kiếm khách mới được cảm hóa tuyệt đối. Từ nay, kiếm khách rũ bỏ hẳn con người đã qua của mình để trở thành một thiền sư. Truyện ngắn đã đưa ra một thông điệp sâu sắc về cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa cái thiện và cái ác. Thiền sư kiên quyết không đi theo kiếm khách dù có phải trả giá bằng chính sinh mạng của mình. Cái thiện chấp nhận hy sinh để cảm hóa và đẩy lùi cái ác, mang đến một niềm tin bất diệt về lẽ phải, về sự từ bi và lòng nhân ái trong cuộc đời.