Nhà văn An-phông-xơ Đô-đê là người có biệt tài sử dụng chi tiết trong những bối cảnh tưởng không có gì để kể như một điểm nhấn cất lên thông điệp của tác phẩm. Ông từng viết rất cảm động về con người trước biến động thời chiến, đại dịch phá hoại mùa màng và giờ đây là góc khuất sau phát minh mang tính hiện đại tiến tới Cách mạng công nghiệp diễn ra khắp địa cầu thời điểm ấy. Động cơ chạy bằng hơi nước đã dần thay thế những cối xay chạy bằng sức gió một thời là điển hình, là biểu tượng của nhiều quốc gia châu Âu trong đó có nước Pháp. Phát minh động cơ hơi nước ra đời đã khai tử những nhà máy xay bột mì chạy bằng sức gió. Kéo theo đó là khung cảnh hoang tàn của những cối xay gió và sự hụt hẫng của những người chủ của công cụ xay xát đã từng có một thời hoàng kim. Trong truyện ngắn này, nhà văn đã khắc họa tình cảnh và tâm trạng của một trong những ông chủ cối xay gió như thế. Vấn đề nằm ở chỗ nhân vật chính của chúng ta không đối mặt và chấp nhận, thậm chí bất bình với những nhà máy chạy bằng hơi nước. Ông vẫn hi vọng thời của cối xay gió sẽ trở lại. Và ông cứu vãn danh dự nhà máy của mình bằng việc che mắt những người làng rằng mình vẫn có công ăn việc làm, cối xay gió vẫn hoạt động hàng ngày. Và sự thật sau khi được lột trần, thực tế được phát hiện sau đó thật bẽ bàng. Thế rồi, bằng ngòi bút đầy nhân văn, nhà văn đã cứu vãn danh dự của ông chủ cối xay gió, nói đúng hơn là vực dậy tinh thần và lan tỏa một nghĩa cử đẹp. Nghĩa cữ ấy còn tiếp nối trong những chuyện kể giàu tính văn chương và tình người của An-phông-xơ Đô-đê.
Ca dao có chứa các thành ngữ có một số cơ chế tạo nghĩa hàm ẩn, trong đó có cách tạo lập tầng nghĩa hàm ẩn theo cơ chế chuyển nghĩa hoán dụ. Hoán dụ mang đặc điểm biểu trưng hóa. Biểu trưng trong hoán dụ là lấy một thuộc tính, một bộ phận của sự vật, hiện tượng nào đó để đại diện cho sự vật, hiện tượng đó một cách tượng trưng hóa, ước lệ hóa mang tính chất khái quát, trừu tượng.
Quý vị và các bạn thân mến với văn phong đậm đà văn hóa vùng cao, truyện ngắn kể về cuộc đời người phụ nữ dân tộc Mông tên là Mí. Sinh ra trong một gia đình nhà nghèo nên Mí phải lấy chồng từ rất sớm, dang dở ước mơ học tập để trở thành một cô giáo. Tuy bén duyên với Chấu, người bạn học trường nội trú nhưng vì gia đình mà Mí phải lấy Chu. Hai mươi năm làm vợ Chu, Mí trọn nghĩa ân tình yêu thương chồng của mình. Tuy vậy, Chu và Mí buồn lòng vì hai người không có một mụn con. Chu mắc bệnh ung thư, dù được Mí quan tâm chăm sóc nhưng cuối cùng không thể qua khỏi. Trong những ngày Chu bệnh tật, Chấu lúc này đã là một cán bộ xã luôn đến quan tâm động viên chăm sóc Chu. Ngay Chu qua đời, người con trai của Chu tên là Sếnh bất ngờ xuất hiện nhận cha, nhận tổ tiên. Vợ chồng Sếnh coi Mí như mẹ đẻ của mình. Mí cũng nhận được niềm yêu thương của Chấu lúc tuổi xế chiều. Truyện ngắn khiến người đọc, người nghe cảm nhận sâu sắc về tình đời, tình người. Mối quan hệ giữa ba người Mí – Chu và Chấu thật đặc biệt. Chu nghĩ rằng lỗi vì mình mà Mí không có con nên luôn muốn bù đắp cho vợ. Trước khi mất, Chu nhờ Chấu chăm sóc Mí khi mình về với tổ tiên. Dù yêu thương Mí suốt 20 năm nhưng Chấu luôn giữ mối quan hệ đúng mực với Mí ngay cả khi Chu đã qua đời. Những lời thổ lộ chân tình của Chu với Chấu trước khi chết khiến chúng ta cảm động về tình cảm thương yêu của con người. Đúng như nhan đề truyện ngắn là “Nắng chiều”, khi Mí đã ở cái tuổi xế chiều của cuộc đời, bà như gặp được tia nắng hiếm hoi của trời chiều. Mí được vợ chồng Sếnh hiếu thảo coi bà như mẹ ruột, được Chấu quan tâm chăm sóc. Sau mấy chục năm chịu nhiều nỗi buồn thầm kín thì cuộc đời Mí cũng tươi sáng và hạnh phúc. Truyện ngắn đưa người đọc, người nghe đến với không gian văn hoa nơi cùng cao, hiểu được hơn nếp sống, phong tục đậm đà bản sắc văn hóa của người Mông.
Hà Nội là một đề tài đã thu hút nhiều cây bút sáng tác; mà không chỉ người Hà Nội viết hay về mảnh đất này. Hà Nội, nơi tứ xứ hội tụ và những kỷ niệm về con người, về các địa danh của Thủ đô in đậm trong nhiều sáng tác thơ ca. Nhà thơ Phạm Đình Ân nguyên quán Nam Định, sinh tại quê ngoại Hà Nam, từng sống nhiều năm ở Thanh Hoá nhưng Hà Nội mới là vùng đất ông có quãng đời gắn bó lâu nhất với những dấu ấn trong sáng tác, trong cuộc sống. Nhà thơ ôn chuyện cũ Hà Nội cùng với Tiếng thơ những sáng tác viết về nơi đây.
Truyện ngắn của Tống Ngọc Hân mà chúng ta vừa nghe là một tác phẩm về đề tài gia đình. Ai cũng biết gia đình là tế bào của xã hội, từng gia đình có hạnh phúc thì xã hội mới bình yên, thế nên mỗi người đều cố gắng giữ gìn hạnh phúc của gia đình mình. Tình huống truyện mà tác giả đưa ra ban đầu khá bất ngờ, khi một người phụ nữ xa lạ bỗng dắt con trai đến để gửi gia đình ông Dư và nói rằng chị quen biết với Tiến, con trai của ông. Chỉ có lòng trắc ẩn và tình yêu thương vô điều kiện mới khiến ông Dư kiên quyết giữ thằng bé ở lại nuôi, mặc cho vợ và con dâu phản đối. Ông còn phải vượt qua bao dị nghị, điều tiếng của xóm làng. Tiến, con trai của ông, lúc đầu cũng phủ nhận việc mình đã từng quen biết với mẹ bé Sỏi. Chỉ cho đến phần cuối truyện, khi chị Quy, mẹ bé Sỏi tìm về gặp con sau 5 tháng đi biệt, thì bí mật của câu chuyện mới được mở ra. Hoàn cảnh éo le khiến chị khó lòng lo cho con ăn học được chu toàn. Hóa ra Tiến đã từng có mối tình với Quy khi làm công trình xây dựng trường Tiểu học ở Nhò San. Thế nhưng anh cũng phải giữ gìn hạnh phúc gia đình hiện tại, khi anh đã có vợ và một con trai 3 tuổi. Một cái kết thật cảm động ở phần cuối truyện, khi ông Dư, bố của Tiến, giục con đuổi theo hai mẹ con để giữ lại ăn Tết. Quy không thể ở lại nhiều hơn với gia đình ông Dư nhưng bé Sỏi thì đã có một cơ hội để được ở lại cùng cha, được chăm sóc và học hành đầy đủ. Bí mật về Sỏi, có lẽ Tiến còn phải giữ rất lâu. Nhưng tình yêu thương con trẻ, lòng nhân ái thì không bao giờ thay đổi trong trái tim mỗi con người lương thiện.
Nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học Vũ Bình Lục sinh năm 1948, quê ở Thái Thụy, Thái Binh. Ông là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, hiện sống và làm việc tại Hà Nội. 20 năm trước, nhà văn Vũ Bình Lục từng được trao giải cao nhất trong cuộc thi thơ Tạp chí Văn nghệ Quân đội, sau đó là giải cao nhất Nghiên cứu – Phê bình văn học của Liên hiệp các Hội văn học và Nghệ thuật Việt Nam và giải thưởng Văn học năm 2023 của Hội Nhà văn Hà Nội. Về lĩnh vực Nghiên cứu – Phê bình văn học, tác phẩm đáng chú ý của nhà văn Vũ Bình Lục có thể kể đến những cuốn “Giải mã thơ chữ Hán và bình thơ Nôm của Nguyễn Trãi”, “Giải mã thơ Lý - Trần” (5 tập, gồm 2800 trang), “Hồn thiền trong thơ Lý - Trần” (700 trang), “Thánh thơ Cao Bá Quát” (hơn 700 trang), “Giải mã thơ chữ Hán Việt Nam từ thế kỷ 15 đến đầu thế kỷ 19” (2 quyển gồm 1600 trang), “Giải mã thơ chữ Hán Lê Quý Đôn” (756 trang) và “Vừa đi vừa nghĩ” (1050 trang)…Chặng đường, tâm huyết, thành quả và phương pháp nghiên cứu giải mã kho báu văn chương dân tộc của nhà văn Vũ Bình Lục mới đây đã được bàn luận trong tọa đàm khoa học với chủ đề “Nhà văn Vũ Bình Lục và các công trình giải mã văn học Trung đại”. Đây là hoạt động do Viện nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc và Tạp chí Văn hiến Việt Nam phối hợp tổ chức.
Sinh thời, nhà thơ Maiacopxki từng có một câu thơ nổi tiếng, được dịch sang tiếng Việt như sau: Đời vắng mẹ hiền, không phụ nữ/ Anh hùng, thi sĩ hỏi còn đâu. Những người phụ nữ, một nửa của thế giới từ hàng ngàn năm qua đã trở thành đề tài cho biết bao tác phẩm nghệ thuật, trong đó đương nhiên có thi ca. Có rất nhiều góc độ khác nhau để người đàn ông có thể bày tỏ tình cảm của mình, trong đó có một trạng thái khá đặc biệt, đó là khi người phụ nữ vì một lý do nào đó phải rời xa và sau đó một thời gian mới quay trở lại. Chương trình Đôi bạn văn chương của Ban Văn học Nghệ thuật (VOV6), xin được gửi tới quý thính giả một cuộc trò chuyện mang tên: Khi người phụ nữ trở về
Mới nghe nhan đề truyện ngắn “Mị Châu”, hẳn nhiều người sẽ liên tưởng tới câu chuyện về nàng Mị Châu trong truyền thuyết với mối tình oan trái. Song, sự thực không phải vậy. Truyện mà chúng ta vừa nghe kể về Mị Châu-một cô gái sinh ra trong một gia đình giàu có nhưng không may mẹ mất sớm, cha bỏ đi, cô sống với bà từ nhỏ. Đến tuổi gả chồng, bà cậy nhờ người mai mối nhưng mối nào Mị Châu cũng lắc đầu ngoay ngoảy cho đến ngày kia, cô trúng tiếng sét ái tình khi gặp Ninh – một thầy thông ký trẻ, là con một gia đình trí thức trung lưu. Nhưng đời không như là mơ, Mị Châu rơi vào một gia đình nợ nần vì cờ bạc, mọi người lạnh nhạt thờ ơ, không ai phụ giúp cô việc nhà. Mị Châu chỉ còn biết bấu víu vào sợi dây tình yêu, nhưng Ninh đã phản bội cô. Mị Châu sinh con trong sự cô đơn buồn tủi, tuyệt vọng. Gia đình nhà chồng đã đầu độc cô. Vì uất ức, hồn oan khuất của Mị Châu đã hiện về trả thù. Đầu tiên là cái chết của đứa con trai út của mẹ chồng, sau đó là đứa con trai kế tiếp, đứa con thứ ba và rồi đến đứa con trai thứ tư…Đến đây, người đọc người nghe lo sợ nạn nhân tiếp theo sẽ là Ninh và người vợ mới của anh ta. Nhưng rất may Mị Châu đã biết dừng lại.
Ngô Tú Ngân với truyện ngắn “Mị Châu” đã trình ra một gương mặt mới ấn tượng với giọng văn đầy nhịp điệu, ngôn ngữ tinh tế chứa đựng một nội dung đời sống khốc liệt, mang tinh thần báo ân báo oán truyền đời. Không dừng ở đó, như một người viết lâu năm, vừa có nghề vừa cao tay, có trách nhiệm với cuộc đời, lại sẵn một cảm quan nhân văn sâu sắc, tác giả đã gợi lên một thông điệp không bao giờ cũ: nếu cứ lấy oán trả oán, lấy hận thù giải quyết hận thù thì hận thù sẽ không bao giờ hết, mà nguy hiểm hơn, lại ngày càng gia tăng. Phải lấy lòng khoan dung, sự tha thứ, tình yêu thương làm gốc để hóa giải hận thù và nhân lên lòng yêu thương, sự tử tế ở đời. Vì thế truyện ngắn “Mị Châu” của Ngô Tú Ngân gây ấn tượng mạnh cho người đọc người nghe, tạo nên nhiều dư vị và ám ảnh. Điểm trừ duy nhất của truyện ngắn này, có lẽ là cách đặt tên truyện là “Mị Châu”.
Trong kho tàng ca dao vô cùng phong phú với hàng chục nghìn câu và bài của dân tộc ta thì có rất nhiều bài, nhiều câu có chứa thành ngữ, tục ngữ. Ca dao, với lợi thế trong biểu đạt đã chuyển tải một cách truyền cảm, dễ thuộc, dễ nhớ nhiều lời ăn tiếng nói của dân gian.
Truyện ngắn “Bão lốc” có hai nhân vật chính và hai bối cảnh chính, được đặt trong sự tương phản rõ ràng. Một bên là ông Rao, có tiền bạc, có địa vị, một bên là một người phụ nữ ăn mày hèn mọn đói rách; một bên là toa tàu ấm áp, một bên là nhà ga tồi tàn, xiêu vẹo trong cơn bão lốc. Hai con người, dẫu có trò chuyện đôi câu, vẫn là hai thế giới khác biệt, không hề có điểm chung. Giữa họ không chỉ sự ngăn cách giàu nghèo mà còn là sự khác biệt về tầng lớp xã hội với nhiều nghi kị và định kiến. Một sự tình cờ, chính xác hơn là một cơn bão, đã cuốn hai con người xa lạ lại với nhau, cho họ cơ hội để hiểu và thông cảm cho nhau. Ông Rao đã bớt đi vẻ dửng dưng, còn người phụ nữ, dù thật lòng hay không, cũng đã giúp ông Rao vượt qua nỗi sợ hãi ban đầu…Truyện được xây dựng chủ yếu thông qua ngôn ngữ đối thoại và cách tạo tình huống. Tác giả đẩy nhân vật vào hiểm cảnh để họ buộc phải bộc lộ con người thật của mình. Bên cạnh đó, nhà văn không có ý định nhào nặn ông Rao hay người phụ nữ ăn mày theo kiểu chính diện – phản diện. Họ đơn giản là những con người, có thói hư tật xấu, và dĩ nhiên, có cả sự thiện lương. Kết truyện bất ngờ, có phần nghiệt ngã cho người ăn mày nhưng lại là bước ngoặt của nhân vật ông Rao. Một điều gì đó trong ông đã thay đổi, và chắc hẳn sẽ theo ông suốt cả cuộc đời…
Hà Nội xưa nay vẫn là một đề tài lớn trong thơ hiện đại nước ta. Nhiều nhà thơ đã trở nên thành danh với những thi phẩm về đề tài này. Những năm gần đây, một bộ phận tác giả nữ ghi dấu ấn với những trang thơ viết về Hà Nội. Những suy ngẫm về Hà Nội của thơ nữ đương đại có những điểm nhấn ra sao? Mời các bạn cùng cảm nhận qua ghi nhận của BTV chương trình.
Kết thúc những câu cuối cùng của truyện ngắn “Đời khổ”, nhà văn Nguyễn Khải ghi lại thời gian hoàn thành sáng tác này, đó là thời điểm Mùng 2 Tết Canh Ngọ. Có lẽ đó là năm Canh Ngọ 1990 chăng? Những năm ấy, Hà Nội vừa bước vào thời kỳ đổi mới, vẫn còn ảnh hưởng thời bao cấp, nhịp sống vẫn còn nét bình yên và giản dị. Một truyện ngắn viết và có lẽ hoàn thành trong những ngày đầu năm lại mang không khí buồn lặng. Từng thay đổi trong cuộc đời nhân vật trôi chảy theo từng mốc thời gian gắn liền với không khí Hà Nội những năm sau khi tiếp quản Thủ đô, năm 1965 khi Mỹ ném bom miền Bắc, khi đất nước tạm ngưng bom đạn rồi những năm sau ngày đất nước thống nhất và chớm đổi mới. Qua từng trang văn, cuộc đời người phụ nữ nhỏ nhoi ở xóm bãi sông Hồng cũng là hàng xóm cũ của người kể chuyện hiện lên với tâm tình và cảnh ngộ thật đáng buồn, đáng thương. Bà mang nỗi mặc cảm thân phận cập kênh không tương xứng với người chồng Thiếu tá, tiếng có chồng làm cán bộ, có lương mà suốt cả cuộc đời chắt bóp, lam lũ, hơn bảy chục tuổi vẫn sống cùng hai người con gái quá lứa lỡ thì, phải sớm hôm làm lụng nuôi người con trai dở điên dở dại. Bằng lối văn tả thực, câu văn dài ngắn đan xen theo tình tiết, diễn biến câu chuyện, tác giả liên tục đưa người đọc, người nghe trở đi trở lại hai khoảng sáng và tối trong cuộc sống kéo dài mấy mươi năm của nhân vật người phụ nữ xóm bãi đã trở nên lạc thời. Vậy đó, có những phận người vẫn lặng lẽ sống, một cuộc sống khuất lấp, buồn khổ lê thê qua nhiều thời đoạn ngay trong thành phố hết thời chiến rồi đến thời bình. Qua từng trang văn khúc chiết, tỉnh táo, người kể chuyện không hề để lộ cảm xúc, cho tới câu kết như một nỗi xót xa, ai oán thay cho số phận nhân vật của mình – Những câu kết viết vào ngày đầu năm Canh Ngọ, khoảnh khắc mùa Xuân mới sang mà lòng người vẫn trĩu nặng nỗi niềm…
Ngày nay hầu hết các dòng sông chảy qua địa phận thành phố Hà Nội đã thu hẹp dần, có nhiều biến đổi so với những gì được miêu tả trong các câu ca dao xưa. Tìm về những câu ca này, người hôm nay thấy được khi xưa sông Hồng, sông Tô Lịch, sông Nhuệ và bao dòng chảy qua đất kinh kỳ đã từng trong xanh, nên thơ ra sao. Những dòng sông Hà Nội bao đời nay cũng là nguồn cảm hứng cho biết bao áng văn thơ lưu danh thiên cổ.
Truyện ngắn Người săn gấu kể về cuộc đời của Thim, từ lúc còn là một chàng thanh niên vạm vỡ, nổi tiếng cả vùng về tài săn gấu cho đến khi trở thành một ông già mái tóc điểm bạc, làm chân đưa thư lưu động đã hơn 30 năm. Câu chuyện được kể lại cũng một phần lý giải tại sao ông Thim cả đời không lập gia đình, cũng không công tác ở nơi nào quá 3 năm. Hóa ra, mục đích sâu xa của ông là mong tìm lại được người con gái năm xưa, cô Phón, người đã dành cho ông một tình yêu trong trắng, ngây thơ, không tính toán, một tình yêu dũng cảm không sợ hãi bạo lực cường quyền cho dù phải hy sinh đến thế nào chăng nữa. Những hủ tục, lề thói và sự phân biệt tầng lớp trong xã hội cũ đã khiến hai người không thể đến được với nhau. Thim sau đó đi theo cách mạng để có một cuộc đời mới. Mô-típ này có thể khiến chúng ta liên tưởng đến Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài khi mối tình của hai nhân vật chính cũng trải qua hai thời kỳ là trước và sau khi làm cách mạng. Có điều ở Vợ chồng A Phủ, mỗi người nghe người đọc sớm nhận thấy cái kết có hậu trong cuộc đời hai nhân vật chính. Còn ở Người săn gấu của Cao Duy Sơn, nhân vật Thim phải trải qua mấy chục năm lặn lội tìm người xưa, như là một sự thử thách lớn lao tình cảm của con người. Một cái kết mang đến đầy hy vọng khi trên một bức thư Thim nhận được có tên Sầm Thị Phón. Và chúng ta thầm tin cho một cái kết hạnh phúc của cuộc trùng phùng giữa Phón và Thim. Truyện ngắn Người săn gấu của Cao Duy Sơn mang đến nhiều xúc động cho người nghe, người đọc, như một bản tụng ca về tình nghĩa thủy chung của bao lứa đôi trên cuộc đời này. Dù phải trải qua muôn ngàn khó khăn trắc trở, chỉ cần có một niềm tin, nhất định sẽ có ngày họ gặp lại nhau.