Nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh sinh năm 1968, nổi tiếng trong giới sinh viên Hà Nội khi anh là gương mặt thơ nổi bật của phong trào thơ sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Nhiều bài thơ của Nguyễn Tiến Thanh viết trong khoảng thời gian này hiện vẫn có người thuộc nằm lòng. Hơn 20 năm làm công tác quản lý tại cơ quan báo chí, mới đây, nhà thơ chuyển qua sang mảng xuất bản sách. Nguyễn Tiến Thanh đã xuất bản hai tập thơ “Chiều không tên như vết mực giữa đời” và “Loạn bút hành” cùng với tiểu luận mang tên “Thời của tạp chí”. 39 bài thơ trong tập “Viễn ca” của Nguyễn Tiến Thanh thể hiện suy ngẫm, chiêm nghiệm của nhà thơ về cuộc sống, tình yêu khi bước vào tuổi trung niên. Tập thơ này vẫn phảng phất chất lãng mạn, trữ tình trong thơ Nguyễn Tiến Thanh một thời, mặt khác, đầy ắp những suy tư, triết lý qua chiêm nghiệm và thẩm thấu được từ những chặng đời đã qua. BTV Tiếng thơ đã có những ghi nhận về tập thơ “Viễn ca” với nỗi niềm Nguyễn Tiến Thanh: “Ta năm mươi ngồi viết thơ buồn”:
Trong truyện ngắn “Xà cừ nở hoa”, nhà văn Lê Ngọc Hạnh đã kể chuyện ở ngôi kể thứ ba. Chị dùng thủ pháp truyện lồng truyện, khéo léo lẩn vào những ký ức và dòng xúc cảm vượt thời gian của nhân vật bác sĩ Tú. Anh được sinh ra, trưởng thành từ quê hương cách mạng, trong một gia đình giàu truyền thống. Ở đó có người cha luôn dặn dò, nhắc nhớ con mình về quê cha đất tổ. Cha dạy con về những nỗi đau chiến tranh và sự quý giá của độc lập, tự do là như thế nào. Hết thẩy những điều ấy chính là tình yêu quê hương đất nước được thể hiện thẳm sâu mà đầy tự nhiên trong sự trao truyền, tiếp nối giữa các thế hệ. Lớn lên, người con trở thành bác sĩ được sống, cống hiến ở thời bình luôn tận tâm phụng sự người có công với đất nước bằng cả trái tim và lòng biết ơn của mình. Hình ảnh cây xà cừ nở hoa ở cuối truyện ngắn mang tính biểu tượng, như gợi nhắc chúng ta nhớ về thế hệ ông cha. Cây cổ thụ luôn vững chãi, tỏa bóng mát và kết tinh nên những bông hoa đẹp dâng đời. Lớp người sau kế cận lớp người trước, cũng sẽ trở thành những cây cổ thụ, đua nở những bông hoa đẹp cho đất nước, quê hương.
Nhà văn đã lấy tên nhân vật người bạn cùng lớp trở đi trở lại trong câu chuyện của cậu bé mới đi học mẫu giáo làm nhan đề truyện ngắn này. Cái tên điểm nhấn, một cậu bạn cá biệt và ngỗ ngược gây ra đủ trò rắc rối trong lớp học. Tên cậu được điểm danh liên tục, hàng ngày trong câu chuyện trường lớp mà lúc nào cũng là những trò nghịch ngợm trái khoáy. Nhà văn đã chọn được nhân vật, câu chuyện, chi tiết điển hình: trường học, lớp học nào ở vùng miền hay quốc gia nào cũng sẽ có những học sinh cá biệt như vậy – Những học sinh được nêu tên liên tục không phải vì thành tích học tập xuất sắc mà bởi những cách hành xử, vi phạm kiểu nhất quỷ nhì ma…Hầu hết trong số đó vẫn chứng nào tật nấy không thay đổi nhưng vẫn có một số ít thay đổi theo hướng tích cực hơn. Nếu đơn giản là kể chuyện nhân vật cậu bé ngỗ nghịch thì truyện ngắn này sẽ đi vào mẫu số chung. Điều thú vị đặc biệt là tác giả đã khéo léo gói ghém bất ngờ đến tận những trang cuối cùng. Người chuyển ngữ truyện ngắn này cũng rất tinh tế. Danh tính của cậu bé cá biệt kia dần dần mở ra nhờ cách hành văn tự nhiên, hóm hỉnh. Cách kể chuyện và trí tưởng tượng của trẻ em thực sự vẫn là một thế giới vô cùng thú vị mà không phải người lớn nào cũng dễ dàng nắm bắt được. Trang văn đã khép lại mà dư vị của nụ cười, của sự thích thú vẫn còn phảng phất đọng lại…
Cuộc đời, tấm gương bình dị mà cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành nguồn cảm hứng trong sáng tác của nhiều tác giả, nhà văn, nhà thơ. Đặc biệt, qua những vần ca dao, công đức của Bác Hồ được diễn đạt một cách đầy hình ảnh và cảm xúc. Từ đó nói lên được tiếng lòng, lòng biết ơn với những cống hiến của Bác đối với dân tộc. Một số nhà nghiên cứu đã cất công sưu tầm, tuyển chọn những áng ca dao nói về Bác, tiêu biểu là cuốn “Ca dao về Bác Hồ” chọn lọc tới hơn 1.200 câu ca nói về Bác của nhà thơ Trần Hữu Thung hay nhà giáo Nguyễn Nghĩa Dân trong cuốn “Ca dao Việt Nam 1945-1975” khẳng định những câu ca về Bác Hồ chiếm khoảng hơn 10% trong tổng số lượng ca dao hiện đại. Nhà Phê bình văn học Lê Xuân trong một bài viết đã dẫn ra một số câu ca dao tiêu biểu cho thấy được hình ảnh Bác Hồ trong tâm thức dân gian ở các vùng miền trên khắp đất nước ta.
Trước khi trở thành một người viết tiểu thuyết với các tác phẩm ấn tượng như “Từ Dụ Thái hậu”, “Công chúa Đồng Xuân”, nhà văn Trần Thùy Mai đã sớm “gây thương nhớ” với độc giả bằng thể loại truyện ngắn. Nhà phê bình Đặng Tiến từng nhận xét “nghệ thuật Thùy Mai quay vòng xung quanh ba trụ điểm: kỹ thuật kể chuyện hấp dẫn, lối phân tích tế nhị, gợi suy tưởng, và cuối cùng, quý nhất là tấc lòng nhân hậu của tác giả”. Truyện ngắn “Thương nhớ hoàng lan” cũng không nằm ngoài “ba trụ điểm” này. Tác phẩm là hai câu chuyện tình của hai thế hệ. Một tình huống, hai lựa chọn nhưng kết cuộc dường như không thay đổi. Với nhân vật “tôi” hay “cha tôi”, việc vướng vào tình ái khi đang trong con đường tu tập đều đem đến nỗi sầu muộn và nuối tiếc. Một thứ tình yêu cấm đoán khiến người ta e sợ nhưng mặt khác lại không ngừng khao khát, kiếm tìm – một sự quyến rũ ma mị mà cả đời chẳng thể nào thôi nhớ thôi thương. Không quá cầu kì về kĩ thuật viết, “Thương nhớ hoàng lan” tuân theo lối trần thuật tuyến tính. Nhịp kể chậm rãi, chủ yếu khai thác đời sống nội tâm đầy biến động của nhân vật “tôi” – người đã khước từ tình yêu từ buổi đầu gặp gỡ nhưng không thể khước từ một sự thật về sự rung động của bản thân. Sau tất cả, xin khép lại bằng những câu văn của chính tác giả Trần Thùy Mai: “Trong tình yêu, hạnh phúc thật ngọt ngào, mà khổ đau cũng đầy thi vị. Chỉ có sự trống rỗng chán chường của kẻ không yêu mới thực sự là khủng khiếp.”
Từ xa xưa, ông cha ta đã quan niệm rằng ba việc lớn nhất của đời người bao gồm sự nghiệp, xây nhà và cưới vợ. Chính vì vậy, cưới xin là việc đại sự của mỗi người. Khi nhà trai đến xin cưới ở lễ dạm ngõ, nếu nhà gái đồng ý hôn sự thì sẽ trả lời đồng thuận và kèm theo việc “thách cưới”. Thách cưới nghĩa là nhà gái sẽ yêu cầu nhà trai chuẩn bị các món sính lễ, bao gồm: tiền mặt, trầu cau, trà rượu, bánh trái, heo gà, trang phục và trang sức cho cô dâu. Những lễ vật này mang ý nghĩa là sự xác nhận đồng thuận hôn nhân giữa hai họ nhà trai và nhà gái. Bên cạnh đó, sính lễ cũng mang ý nghĩa là lễ vật “mua dâu”. Bởi vì, sau khi lấy chồng, người phụ nữ sẽ chuyển đến sống chung với chồng và toàn tâm toàn ý chăm sóc gia đình nhà chồng, không còn thời gian quan tâm đến nhà mẹ đẻ như trước. Vậy nhưng, có ai mà lại đi thách cưới con gái bằng một tờ giấy không nhỉ? Đặt tình huống người cha là một người giàu có nhất vùng thách cưới con gái xinh đẹp bằng một tờ giấy, truyện ngắn Sính lễ của nhà văn Nguyễn Phú thể hiện khát vọng học tập, vươn xa của các chàng trai cô gái người Mông. Hóa ra tờ giấy kia không phải là một tờ giấy bình thường, mà là bằng tốt nghiệp Đại học-Cao đẳng-Trung cấp, tờ giấy không dễ gì kiếm được nếu không có sự kiên trì, ham học hỏi, chí tiến thủ.
Số phận từng nhân vật như Hùng Lệnh Của, Vừ Sá Cho, Vàng Hoa Lanh, Giàng Hoa Ban trong truyện ngắn Sính lễ, cùng những tên gọi, ngôi làng, miền đất…đều ăm ắp giá trị văn hóa vùng đất, con người miền núi. Trong cách nói, cách diễn từ hay cả cách yêu, đều tạo nên sự khác biệt.
Thi sĩ Á Nam – Trần Tuấn Khải bước vào làng văn tương ứng với thời điểm xuất hiện phong trào Thơ Mới. Trong khi nhiều thi sĩ cùng thời ảnh hưởng văn chương phương Tây khá sâu đậm nhanh chóng nhập vào dòng thơ này mà nổi danh thì sáng tác của ông luôn giữ được hồn cốt dân tộc. Gần một thế kỷ sống và viết, Á Nam Trần Tuấn Khải đã để lại một sự nghiệp trước tác không nhỏ: khoảng 30 tác phẩm gồm nhiều thể loại từ thơ ca, văn xuôi, đến nghiên cứu, dịch thuật. Và song song với hành trình sáng tạo là một cuộc đời nhiều nỗi thăng trầm.
Rất nhiều người trong số chúng ta đều lớn lên từ một vùng quê. Khi đi xa và nhớ về quê hương của mình, ngoài nỗi nhớ những người thân yêu, ta còn nhớ cả những không gian quen thuộc của quê hương. Không gian ấy có thể là giếng nước gốc đa sân đình như ca dao vẫn thường nhắc, hoặc cũng có thể là cánh đồng, ngôi chùa, nhà thờ, rặng tre, bờ ao, con đường làng…Nhưng có một không gian nhỏ nhắn hơn, liền kề với ngôi nhà ta ở mỗi ngày, nơi có thể cất giữ giùm ta đầy ắp những kỷ niệm ấu thơ, đó chính là mảnh vườn thân thuộc. Chương trình Đôi bạn văn chương của Ban Văn học Nghệ thuật (VOV6), Đài Tiếng nói Việt Nam lần này xin được dành một cuộc trò chuyện với tên gọi: Vườn trong thi ca Việt.
Truyện ngắn Con mèo mắt ngọc của nhà văn Nam Cao mang dáng dấp của một câu chuyện cổ tích thời hiện đại. Cách xây dựng nhân vật theo những motip quen thuộc trong nhiều câu chuyện cổ. Mối quan hệ giữa Lan, Huệ và mẹ kế có thể khiến ta nhớ đến Tấm, Cám và mụ dì ghẻ trong truyện cổ tích Tấm Cám. Bà lão ăn mày tặng Lan con mèo có thể khiến ta liên tưởng đến ông Bụt tặng cho Tấm con cá bống. Điểm khác biệt là con mèo gắn bó với Lan suốt đời, từ khi Lan còn cực khổ cho tới ngày trở thành hoàng hậu. Cái chất cổ tích được nhà văn giấu khá kín, chỉ đến phần cuối mới lộ ra khi con mèo về kinh đô gặp nhà vua và nói chuyện với vua. Cách kết của truyện cũng khá hiện đại khi các nhân vật phản diện không bị trừng phạt bằng cái chết mà bị trừng phạt bằng cách phải sống cực khổ vất vả suốt đời. Cách dẫn truyện của Nam Cao rất linh hoạt, cuốn hút, sinh động, làm mạch truyện trôi đi rất nhanh. Nhân vật nữ chính, Lan, có thể xem là một biểu tượng chuẩn mực cho vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam: tảo tần, hiền lành, nhân hậu. Những con người như thế, chắc chắn sẽ được hưởng một cái kết hạnh phúc.
Nam Cao (1915 - 1951) là một trong những gương mặt xuất sắc của văn xuôi Việt Nam hiện đại. Ông nổi danh từ trước năm 1945 với hàng loạt truyện ngắn theo phong cách hiện thực phê phán, quan tâm đặc biệt tới số phận người nông dân đứng trước hai nguy cơ bần cùng hóa và lưu manh hóa. Đối tượng thứ hai được Nam Cao quan tâm là những thân phận người tri thức. Có thể kể đến hàng loạt truyện ngắn nổi danh của ông như Chí Phèo, Lão Hạc, Giăng sáng, Đời thừa…Sau 1945, Nam Cao nổi tiếng với truyện ngắn Đôi mắt. Các tác phẩm của ông đã được đưa vào giảng dạy trong chương trình Ngữ văn phổ thông nhiều năm qua. Trong chương trình Đọc truyện đêm khuya lần này, chúng tôi xin gửi tới thính giả một truyện ngắn còn ít được biết tới của ông. Tác phẩm mang tên Con mèo mắt ngọc, nằm trong tuyển tập Người câm biết nói do nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân sưu tầm biên soạn, tập hợp các tác phẩm bị quên lãng 70 năm, lần đầu tìm lại. Sách do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2021.
Nhà thơ Trần Hoàng Thiên Kim sinh năm 1981 tại Đô Lương (Nghệ An), hiện công tác tại Cục Truyền thông Công an nhân dân, ra mắt tập thơ đầu tay năm 20 tuổi. Chị từng được trao giải thưởng thơ Tiền phong, tạp chí Văn nghệ quân đội, giải thưởng Hồ Xuân Hương - Nghệ An... Ngoài sáng tác thơ, Trần Hoàng Thiên Kim còn là tác giả của nhiều tập ký chân dung và sách chuyên khảo. Tập thơ thứ 4 của chị vừa phát hành năm ngoái, vẫn là những ánh nhìn sâu thẳm và cảm xúc mê mải với quá khứ và nhịp sống hôm nay. Chị giãi bày cùng Tiếng thơ về những cảm hứng sáng tác, gần đây nhất thể hiện trong tập thơ “Mộng uyên ương”.
Cũng như các truyện ngắn khác, ngay từ đầu truyện “Quỳnh nở về khuya”, tác giả Nguyễn Thu Hằng đưa người đọc, người nghe bước vào một không gian “chữa lành” tâm hồn. Đó là khung cảnh lung linh, mát lành của ánh trăng, vòm cây, của nếp nhà thôn quê đã ấp iu tuổi thơ của tác giả và các nhân vật, cả những ngày bình yên và bão tố. Các nhân vật đã được điển hình hóa, chính là các thân phận giữa dòng đời: một người mẹ trẻ lỡ làng, đơn thân, một cậu bé sớm hiểu chuyện, một cô sinh viên trẻ lớn lên từ làng, một đôi trẻ với chuyện tình yêu thơm thoảng hương quỳnh và cả chân tình thầm lặng của một số phận mồ côi. Từng chi tiết câu chuyện được tác giả hòa quyện, đan kết trong một mạch văn chậm rãi, giàu hình ảnh và tâm trạng. Những năm qua, trang viết của tác giả Nguyễn Thu Hằng đã kể nhiều câu chuyện thân phận cuộc đời ở một làng quê mà chị sinh ra, lớn lên và rành rẽ những ngóc ngách làm nên phẩm chất, cá tính của con người và vùng đất. Nhưng không vì thế mà những trang viết đi vào lối mòn, trùng lặp hay sự ước lệ, cỗi cằn cảm xúc. Chị vẫn nuôi dưỡng được những rung cảm tế vi và hơn cả là một tấm lòng để cất lên tiếng nói yêu thương, gắn bó với tình đất, tình người…
Trong tập Hai của cuốn sách “Nhà văn hiện đại”, nhà phê bình Vũ Ngọc Phan tôn kính gọi Á Nam – Trần Tuấn Khải là thi gia. Ông đánh giá: “Những bài ca, những bài phong dao của Á Nam được người đời hoan nghênh bởi những bài ấy rất hợp với tính tình và tư tưởng hạng người bậc trung trong xã hội nước ta”.
Trần Đức Tín còn có bút danh Khét, sinh năm 1989 tại Khánh Hội, U Minh, Cà Mau. Anh đã xuất bản 3 tập thơ riêng, nhận các giải thưởng văn học: Giải Khuyến khích cuộc thi thơ Lục bát trên tập san Áo Trắng, NXB Trẻ 2019; Giải Nhì cuộc thi Thơ Đồng bằng Sông Cửu Long lần VI năm 2020; Giải Khuyến khích cuộc thi Thơ báo Văn Nghệ 2019 – 2020; Giải Nhà văn Trẻ – Hội Nhà văn TPHCM 2021 với tập thơ Ở đậu trong nhau; Giải Tác giả Trẻ – Hội Nhà văn Việt Nam 2022 với tập thơ Chín nhánh da vàng. Năm 2023, biến cố ập tới với Trần Đức Tín khi anh không may bị tai nạn, phải điều trị một thời gian dài trong bệnh viện. May thay, sự chăm sóc của gia đình và tấm lòng của bè bạn văn chương đã tiếp thêm niềm tin, nghị lực để nhà thơ “tôi cà mau bốn bề nước mặn” hồi phục sức khỏe. Rất nhiều bài thơ đã được anh viết trên giường bệnh trong những ngày phải chống chọi với những cơn đau.