Nguyên Sa – Năm ngón tay có bốn mùa trái đất.7/8/2024

Cứ mỗi khi Hà Nội vào thu, thì một trong những nhà thơ khiến tôi nhớ đến đầu tiên chính là Nguyên Sa bởi ông có rất nhiều những câu thơ tình say đắm in dấu trong ký ức bao thế hệ bạn đọc: Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm/ Chả biết tay ai làm lá sen, Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn/ Mà mùa thu dài lắm ở chung quanh, Hãy gửi nhau từng hơi thở mùa thu/Có gió heo may và nắng vàng rất nhẹ. Nguyên Sa sinh ra và lớn lên ở đất Bắc nhưng lại lập nghiệp trong Nam và trở thành một gương mặt thơ đặc sắc của Sài Gòn trước 1975, lập kỷ lục đặc biệt với tập thơ đầu tay được tái bản đến 7 lần trong một thời gian ngắn. Chương trình Đôi bạn văn chương của Ban Văn học Nghệ thuật (VOV6), Đài Tiếng nói Việt Nam lần này xin được dành một cuộc trò chuyện với tên gọi: Nguyên Sa – Năm ngón tay có bốn mùa trái đất.

“Chuyến tàu đêm và người khách lạ”: Tình đời, tình người

“Chuyến tàu đêm và người khách lạ”: Tình đời, tình người 7/8/2024

Các bạn thân mến, trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, biết bao thanh niên đã cống hiến tuổi thanh xanh của mình vì sự nghiệp cao đẹp của đất nước. Hòa bình lập lại, những người lính trở về quê hương hòa mình vào cuộc sống bình thường nhưng ký ức trên chiến trường vẫn không thể xóa nhòa. Tình đồng đội, sự đồng cam cộng khổ, chia sẻ sự sống và cái chết, những nỗi niềm chưa kịp thổ lộ … trở thành một phần máu thịt trong con người họ. Truyện ngắn viết về người lính nhưng để lại ấn tượng với người đọc, người nghe không phải mát mát hy sinh trong chiến tranh mà là tình đời, tình người. Nhân vật Viễn là người cựu chiến binh đã hai lần được ông Tám Cò cứu mạng khi chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Mấy chục năm sau chiến tranh, cuộc sống bận rộn khiến ông chưa có dịp quay trở lại chiến trường xưa. Bất ngờ gặp lại đồng đội là Khả thì nhân vật mới biết được thông tin của ông Tám Cò. Vì nhiều lý do khác nhau như công việc bận rộn, bận việc gia đình, bệnh sợ đi máy bay khiến ông chưa kịp vào Nam đến gặp ân nhân của mình. Có lẽ ông nghĩ rằng để thời gian thư thả sắp xếp được công việc thì sẽ vào thăm ông Tám Cò. Nhưng cuộc gặp gỡ tình cờ với người khách trên chuyến tàu đêm đã làm ông Viễn thay đổi quyết định. Được nghe người khách kể chuyện về hành trình đi tìm ân nhân, người đã giúp đỡ anh ta lúc khó khăn, hoạn nạn, nhân vật quyết định sẽ vào Nam ngay để trả ơn ông Tám Cò. Tình nghĩa của con người là vô giá. Có người coi nhẹ ơn huệ người khác nhưng cũng có người coi nặng tựa Thái Sơn. Thời gian không chờ ai cả, biết đâu chỉ trì hoãn một thời gian thôi là ông Viễn sẽ không gặp mặt được ân nhân. Ông Viễn đã bỏ qua bữa tiệc quan trọng với gia đình để thực hiện điều ông cho là ý nghĩa với cuộc đời của mình. Truyện ngắn là lời tâm sự với nhiều sắc thái tình cảm của người cựu chiến bình về cuộc sống, về tình cảm con người. Qua câu chuyện của nhân vật, người đọc, người nghe hiểu hơn những giá trị đích thực của cuộc sống.

Chiều chiều - Nỗi nhớ trong ca dao

Chiều chiều - Nỗi nhớ trong ca dao 7/8/2024

Chương trình “Tìm trong kho báu” tuần này, ngay sau bài phân tích về mô – típ “Chiều chiều” trong ca dao, nhà thơ Vũ Quần Phương chia sẻ cùng Quý vị và các bạn những cảm nghĩ về tình cảm và trí tuệ người xưa thể hiện qua những áng thơ dân gian tiêu biểu. Chuyên mục “Chuyện cũ tích xưa” tìm về với câu chuyện ngọn nguồn câu ca “Chiều chiều trước bến Văn Lâu”

"Phần mềm": Bi hài cung cách làm việc của trí thức 5/8/2024

Thưởng thức truyện ngắn Phần mềm của nhà văn Phan Đình Minh như thưởng thức một vở chèo vừa hài hước vừa bi thảm về cung cách, nhân cách đám quan chức ở một viện nghiên cứu của nhà nước. Ở đó, Đông nhờ vợ là Huệ-người kể chuyện xưng “Tôi” viết phần mềm quản lý hệ thống hộ mình. Nếu phần mềm HOX2 được nghiệm thu, Đông sẽ cầm hơn 6 triệu, gồm cả mấy lần anh bỏ tiền túi ra mua quà bôi trơn; nhưng phải ký nhận 73 triệu có lẻ. Nhưng cái cuộc nghiệm thu đã diễn ra như một trò hề mà lại hết sức chân thực, ông viện trưởng Quảng suốt ngày chơi games không biết gì đã đành, nhiều quan chức phòng ban cũng hỏi như một cách phản biện nhưng toàn câu hỏi ngu dốt; do không nắm được tính năng của HOX2. Ngay cả Đông- người được coi là viết phầm mềm cũng vậy, khi ông Khả, quan chức cấp trên hỏi về khả năng tìm kiếm rộng thì Đông thành ra ú ớ. Cuối cùng HOX2 vỡ lở, không thể nghiệm thu. Phía sau hài hước của Phần mềm là thảm cảnh của trí thức, Đông nghèo cứ phải làm lụng, nhặt nhạnh kiểu ấy, nhưng vẫn phải da dáng anh cả trong gia đình, phải thể hiện khi ông bố muốn bằng người ta đòi sửa nhà. Trong khi đó, vợ Đông vừa phải trám vào chỗ thiếu hụt học vấn của chồng, vừa phải mặc kệ cho lão Quảng biến thái làm cái việc biến thái trên cơ thể mình. Truyện được viết với câu văn ngắn gọn, giọng kể tưng tửng, nhưng sâu cay.

Biểu tượng hoa sen trong ca dao

Biểu tượng hoa sen trong ca dao 2/8/2024

Từ lâu đời, hoa sen đã trở thành biểu tượng đẹp trong đời sống người Việt. Chiều sâu hình ảnh, hương sắc bông sen không chỉ là biểu tượng về nhân cách mà còn là biểu tượng về văn hóa. Mỗi bài ca dao về hoa sen đều mang liên tưởng, ý niệm riêng.

"Tờ giấy bạc luân lưu": Còn đó những nỗi đau khuất nẻo 30/7/2024

Trên nền câu chuyện cùng đồng đội trở lại chiến trường xưa, nhà văn Trung Sỹ đã tái hiện lại những mảnh ký ức mãi găm lại trong tâm hồn những người lính một thời. Một phần thân thể đã gửi lại chiến trường đồng nghĩa với tâm hồn của họ từ đó mãi về sau luôn đeo đẳng bao kỷ niệm mất mát, buồn vui, đắng đót. Trên những bước đường trở lại, những người lính chứng kiến những tàn dư còn lại của cuộc chiến đã đi qua . Có thể thấy qua từng trang văn, tác giả vẫn nặng mang nỗi niềm với những đồng đội đã ngã xuống. Ông viết như để trải lòng, câu chữ nhẹ tênh mà như chắt ra từ nỗi đau khuất nẻo. Hình ảnh tờ giấy bạc luân lưu, xoay vòng, tưởng đã trở về và yên vị nơi xuất phát ban đầu rồi lại được trao cho nhóm hát rong trên mảnh đất là chiến địa xưa là một hình ảnh đẹp, một cử chỉ đẹp. Ký ức đau thương nhẹ bớt phần nào khi người thương binh trao gửi một món tiền cũng là để tự hòa giải chính những nỗi niềm va đập trong chính ông. Nhưng vẫn còn đó nỗi đau không cách nào nguôi ngoai khi chạm vào đâu cũng gợi về, nghĩ về, nhớ về những đồng đội đã ra đi. Đó là vết dấu không thể nào xóa nhòa được của chiến tranh, tiếng vọng đau thương của bom mìn, tiếng súng cho dù năm tháng đã qua đi bao nhiêu lâu…

Phong tình dải yếm

Phong tình dải yếm 25/7/2024

Tự thuở xa xưa, cùng với nón thúng vai thao, áo tứ thân, khăn mỏ quạ, quần nái, dải yếm thắm mang lại cho người thiếu nữ vẻ đẹp dịu dàng, yểu điệu, duyên dáng mà cũng rất mặn mà và đằm thắm. Dải yếm đào - biểu tượng cho vẻ xuân sắc trở đi trở lại trong những câu ca dao tình tứ. Một trang phục phổ biến đã trở thành đại từ danh xưng chỉ người phụ nữ Việt, đại diện cho ái tình và cũng là số mệnh của họ. Dải yếm chứng kiến nhân duyên lứa đôi; Câu chuyện của dải yếm, là câu chuyện của ái tình, của ân nghĩa đã xuôi ngược ngàn năm đất Việt.

"Cái tẩy": Một cách định nghĩa về hạnh phúc 24/7/2024

Truyện ngắn chúng ta vừa nghe kể về cuộc gặp lại giữa hai người bạn, Vượng và Huy, trong một tình huống không ngờ tới. Vượng học bên Tây về, đã đỗ kỹ sư, ăn mặc sang trọng, có xe ô tô riêng, có thể xem là một người thành đạt. Ngược lại, Huy sau hai lần thi trượt đã tìm về một vùng quê nghèo, lấy một người vợ ít học, hàng ngày ngồi bàn nước chè, lạc rang. Vượng ban đầu thấy ngạc nhiên, thậm chí là thất vọng, buồn bã, chán nản vì bạn. Nhưng sau khi nghe Huy tâm sự, Vượng chợt tỉnh ngộ ra, hạnh phúc không hẳn là phải có thật nhiều tiền, sống sang trọng ở thành phố với nhà lầu xe hơi, mà hạnh phúc chỉ là tự biết đủ với chính mình, vui với niềm vui của mình mỗi ngày, đúng như đời sống mà Huy đang có. Huy có thể xem là một người không may mắn, khi lí do anh thi trượt không phải vì năng lực của anh mà lại vì sự hiểu lầm của ông thày, mà Huy nói cho ngắn gọn là chỉ vì một cái tẩy. Đời sống đôi khi vẫn tạo ra những điều rất vô lý như vậy, một chuyện tưởng chừng như bé xíu mà lại ảnh hưởng sâu sắc tới tương lai của cả một đời người. Thế nhưng, điều quan trọng là con người khi rơi vào khó khăn cần phải vượt lên bằng sức mạnh tinh thần của mình, bằng chính cách nghĩ của họ về đời sống này.

Hoàng Cát – Cây táo mãi nở hoa

Hoàng Cát – Cây táo mãi nở hoa 24/7/2024

Hàng năm, cứ đến dịp Ngày thương binh liệt sĩ, trong lòng mỗi chúng ta lại trào dâng những xúc động khôn nguôi về bao thế hệ cha anh đã đổ xương máu cho nền độc lập tự do của dân tộc. Trong những người chiến sĩ băng mình vào mặt trận ấy có không ít những người cầm bút. Có thể kể đến rất nhiều tên tuổi văn chương đã ngã xuống trong hai cuộc kháng chiến như: Thôi Hữu, Trần Mai Ninh, Thâm Tâm, Nam Cao, Hoàng Lộc, Nguyễn Mỹ, Lê Anh Xuân…. Và cũng có không ít những nhà thơ, nhà văn được trở về với cuộc sống thời bình nhưng cơ thể mang đầy thương tích. Thế nhưng họ vẫn miệt mài sáng tạo, lao động nghệ thuật để dâng tặng biết bao tác phẩm có giá trị cho cuộc đời. Hoàng Cát chính là một trong những nhà thơ như thế. Thay cho nén tâm nhang tưởng nhớ nhà thơ Hoàng Cát vừa tạ thế ngày 01/07 vừa qua, chương trình Đôi bạn Văn chương của Ban Văn học Nghệ thuật (VOV6), Đài Tiếng nói Việt Nam xin được dành một cuộc trò chuyện với tên gọi: Hoàng Cát – Cây táo mãi nở hoa

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Người ở mãi trong lòng nhân dân

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Người ở mãi trong lòng nhân dân 20/7/2024

Những ngày gần đây, sự ra đi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã và đang gây xúc động, tiếc thương cho đồng bào cả nước. Nỗi đồng cảm này lan toả tới Chính phủ, nhân dân nhiều nước, lãnh thổ và kiều bào ta ở nước ngoài. Tấm gương đạo đức và những cống hiến của Tổng bí thư đối với đất nước đã lay động trái tim và ngòi bút nhiều tác giả.

Chiến lược rào đón trong ca dao tình yêu đôi lứa

Chiến lược rào đón trong ca dao tình yêu đôi lứa 18/7/2024

Rào đón và bày tỏ thái độ trực tiếp qua những câu hát giao duyên, các chàng trai cô gái đã bộc lộ mong muốn và giãi bày nỗi lòng với đối phương.

“Khoảng trời nhỏ bé”: Ký ức của người lính

“Khoảng trời nhỏ bé”: Ký ức của người lính 16/7/2024

Các bạn thân mến, người lính trên chiến trường có nhiều nhiệm vụ khác nhau đòi hỏi kĩ năng, sự kiên trì, dũng cảm … Tổ đội của Huy, Đạo, Păn nhận nhiệm vụ phải đào đường hầm xuyên núi đến công sự của kẻ địch. Ngay từ lúc mở đường hầm, tổ đội gần 10 người lính đã phải đối mặt với pháo sáng của địch, đối mặt với nguy hiểm của bom đạn trên đầu. May mắn nhờ cơn mưa yểm trợ mà công việc mở hầm cũng thuận lợi. Từ lúc đó họ đào, miệt mài đào mà không biết lúc nào mới hoàn thành. Làm công việc trong một không gian nhỏ bé, cái lạnh cái đói khiến người lính kiệt sức. Một công việc không chiến đấu trực tiếp với kẻ thù nhưng cũng vô cùng gian khổ, khó khăn. Sau khi đường hầm đào được hơn 200 bước chân thì nhiệm vụ của tổ độ cũng hoàn thành, họ rút ra tới điểm tập kết nhường nhiệm vụ lại cho đơn vị khác tiếp quản. Câu chuyện đơn giản chỉ có vậy nhưng vẫn cuốn hút người đọc, người nghe bởi cách kể chuyện dung dị, cách lựa chọn chi tiết độc đáo. Cơn mưa yểm trợ tổ đội của Huy không bị địch phát hiện nhưng cũng khiến họ nhanh kiệt sức, cơn mưa cũng khiến đường tiếp tế không thuận lợi. Người lính không chiến đấu trực tiếp với kẻ địch, hôm đối diện với bom đạn nhưng vẫn có hy sinh mất mát như Hậu bị nước lũ cuốn trôi, Đạo bị đất vùi lấp mất tích. Nhiều chi tiết thật sinh động chân thực để lại ấn tượng như việc người lính mải miết đào hầm trong mưa, trong bùn đến khi quần đùi tụt mất lúc nào không biết hay việc họ phải đi vệ sinh vào mũ cối vứt ra ngoài. Đó chỉ là hai hình ảnh rất tiêu biểu cho cuộc chiến đấu khó khăn mà những người lính gặp phải trong chiến tranh. Hơn 40 năm đã trôi qua, Huy quay trở lại chiến trường xưa để tìm đồng đội cũng nhưng cảnh vật đã thay đổi. Chỉ còn lại trong kí ức Huy là khoảng trời nhỏ bé nơi anh và đồng đội đã gắn bó một thời tuổi trẻ. Truyện ngắn giúp người đọc, người nghe hiểu hơn những đóng góp, hy sinh, gian khổ của người lính trong cuộc kháng chiến chống Mỹ để có ngày hòa bình, hạnh phúc hôm nay.

Chiến lược sử dụng lối nói mơ hồ trong ca dao về tình yêu đôi lứa

Chiến lược sử dụng lối nói mơ hồ trong ca dao về tình yêu đôi lứa 11/7/2024

Trong số các cách thức giao tiếp trong tình yêu đôi lứa thì việc sử dụng lối nói mơ hồ, vòng vo được xem là một cách ý nhị nhằm thổ lộ tình cảm, mong muốn của các chàng trai, cô gái xưa, vốn trọng sự kín đáo. Sử dụng lối nói mơ hồ, không rõ ràng đã tạo ra những hàm ngôn trong câu thoại của cuộc giao tiếp. Tác giả dân gian đã dùng nhiều biện pháp tu từ như ẩn dụ, hoán dụ, so sánh, điển tích điển cố... Trong đó, nổi bật nhất là biện pháp tu từ ẩn dụ để nói lên cảm xúc trước một sự kiện, câu chuyện.

"Mùi vợ cũ" - Những phút yếu lòng 10/7/2024

Đời sống hôn nhân không phải là một đề tài mới mẻ trong văn chương. Tuy nhiên, với truyện ngắn “Mùi vợ cũ”, nhà văn Đào Quốc Vịnh vẫn có khả năng cuốn hút độc giả bằng một câu chuyện không mới. Xuyên suốt tác phẩm là ba nhân vật không tên, chỉ được gọi bằng những đại từ phiếm chỉ: “hắn”, “ả” và “y”. Chính vì vậy, “Mùi vợ cũ” vừa là một câu chuyện riêng tư vừa là một tình cảnh không hiếm gặp ngoài xã hội. Thế giới nội tâm của “hắn” và “ả” trong vai trò là chồng cũ, vợ cũ cũng được tác giả chú ý khai thác, giúp người đọc người nghe hiểu được mê cung trong lòng mỗi nhân vật với những nút thắt riêng, đủ những hỉ nộ ái ố. Truyện ngắn “Mùi vợ cũ” có đến hai cuộc ngoại tình: đầu tiên là lần sa chân của “ả” với tay nhiếp ảnh, lần hai là sự yếu lòng của “hắn” trước người vợ cũ đã từng đầu ấp tay gối. Cả hai lần đều là những lúc tưởng chừng gia đình của “hắn” đang ấm êm đến mức “bất khả xâm phạm”. Trong cả hai tình huống, nhân vật đều có chỗ đáng thương, nhưng nhiều hơn vẫn là đáng giận khi cả “hắn” và “ả” đều chỉ đuổi hình bắt bóng, tham bát bỏ mâm, vì sự ích kỉ nhất thời mà phá vỡ tổ ấm của chính mình. “Mùi vợ cũ” là một nhan đề giàu sức gợi. Đây cũng là một chi tiết được nhắc lại nhiều lần trong truyện. Thoạt đầu, đó là mùi hương của tình yêu đầu đời, sau đó là mùi hương thân thuộc vợ chồng, để rồi cuối cùng lại trở thành thứ mùi của sự cám dỗ, phản bội… như những ngã rẽ cuộc đời lạ lùng, chẳng thể nào đoán trước.

Hàm Anh – Con chim trú mưa ngậm giọt nước mắt bay đi

Hàm Anh – Con chim trú mưa ngậm giọt nước mắt bay đi 10/7/2024

Hàm Anh thuộc thế hệ nhà văn cuối cùng được cử sang Liên Xô học trường Viết văn Goocki năm 1989. Chị từng đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) về dịch thuật của Hội Nhà văn Việt Nam và tuần báo Văn nghệ năm 1994 với những bài thơ của nữ sĩ Nga Anna Akhmatova. Cho tới nay, Hàm Anh đã xuất bản 2 tập thơ: Màu tự nhiên (2008) và Gọi tháng ba (2016). Với gần 100 bài thơ qua hai tập đã xuất bản, Hàm Anh đã tạo ra một giọng điệu riêng, một hơi thở riêng không giống với bất kỳ ai. Chương trình Đôi bạn văn chương của Ban Văn học Nghệ thuật (VOV6), Đài Tiếng nói Việt Nam lần này xin được dành một cuộc trò chuyện về chân dung thơ Hàm Anh với tên gọi: Hàm Anh – Con chim trú mưa ngậm giọt nước mắt bay đi

Mã QRCODE xem trên mobile
chương trình hôm nay
06h00 - 06h30 Hành trình sáng tạo
08h00 - 08h30 Trang Văn nghệ Chủ nhật
10h45 - 11h00 Văn nghệ thiếu nhi
13h00 - 13h30 Đọc truyện dài kỳ
14h00 - 14h30 Hành trình sáng tạo
18h15 - 18h30 Văn nghệ thiếu nhi
18h30 - 19h00 Trang Văn nghệ Chủ nhật
19h00 - 19h30 Đọc truyện dài kỳ
19h30 - 20h00 Đối thoại mở
21h30 - 22h00 Tiếng thơ