Quý vị và các bạn thân mến, truyện ngắn như lời ru buồn về ba người phụ nữ là A mí (danh xưng gọi mẹ của người dân tộc Tây Nguyên), chị Rêu và Đót. Trái ngược với chị Rêu là người con gái sôi nổi, hát hay và hướng ngoại thì Đót là cô gái có phần ít nói và chỉ muốn gắn bó với buôn làng của mình. Chị Rêu không phải con đẻ của A mí, Ama nối dây với A mí khi chị đã gần 10 tuổi. Ama mất sớm khiến A mí phải gồng gánh cả gia đình trên đôi vai nhỏ không có thời gian chăm sóc Đót. Từ bé Đót đã gắn bó với chị Rêu, chứng kiến chị trưởng thành xinh đẹp rồi rời buôn làng lên thành phố. Chị Rêu rất yêu mến Đót nhưng lại có phần xa cách với A mí. A mí chỉ biết dấu nỗi buồn vào lòng, nỗi buồn nhân đôi khi chị Rêu bỏ làng hướng theo ánh hào quang của thành phố. Ngày A mí mất chỉ có Đót lẻ loi lo cho đám tang của mẹ. Đót lên thành phố tìm chị Rêu để chị về dự lễ cải mả cho A mí, một tập tục quan trọng của nhiều dân tộc Tây Nguyên nhưng không gặp chị. Ngày làm lễ cải mả cho A mí, chị Rêu bất ngờ xuất hiện khiến Đót vô cùng bất ngờ, vui mừng. Truyện ngắn được viết với ngôn từ, hình ảnh đậm đà nét văn hóa các dân tộc Tây Nguyên như một câu chuyện đượm buồn mà các già làng thường kể bên bếp lửa cho con cháu nghe. Xuyên xuốt câu chuyện là hình ảnh cây Kơ nia, một loài cây linh thiêng ở Tây Nguyên. Cây kơ nia cao lớn, mạnh mẽ nhưng cũng rất cô độc đứng đó chứng kiến nỗi buồn của A mí phải lấy chồng khi có biết bao ước mơ dang dở, chứng kiến niềm thương mến của Ngong, chàng trai tài giỏi với chị Rêu, chứng kiến nỗi lòng của Đót. Tâm hồn Đót gắn bó với buôn làng và lúc nào cũng mong muốn người thân yêu thương nhau. Đót buồn khi chị Rêu ham mê cuộc sống hào hoa nơi thành phố nhưng cũng vui mừng khi chị đã vượt qua sự xa cách để trở về chịu lễ cải mả cho A mí. Truyện ngắn giúp người đọc, người nghe hiểu hơn đời sống, phong tục, tập quán của những dân tộc thiểu số trên mảnh đất Tây Nguyên tươi đẹp.
Nghe xong truyện ngắn này của nhà văn Nguyễn Phú, hẳn chúng ta còn nhớ đến câu ca dao xưa: “Cầm vàng mà lội qua sông/ Vàng rơi không tiếc, tiếc công cầm vàng”. Mối tình đẹp của Sỏa và Sình bị ngáng trở bởi những lề lối, luật tục và cả sự tham lam, ích kỷ của những người thân. Sự ngáng trở, chia rẽ đó đã trở thành vết thương lòng cho người trong cuộc, nhất là người phụ nữ. Dù có bị xa cách, bị thời gian bỏ lại trong cô quạnh nhưng lời hứa năm xưa và niềm tin mãnh liệt đã cho nhân vật bà Sỏa có động lực để vượt qua mọi bão gió, đớn đau để chờ đợi người yêu trở về. Bà Sỏa chờ người yêu từ khi tóc còn xanh cho đến khi tóc đã điểm bạc, từ một cô gái tay không đến khi thành một người phụ nữ có cả trăm con bò... Có những lúc lòng gợn sóng, tự đặt câu hỏi về sự biệt tăm của người yêu, rồi lại tự trấn an mình, người phụ nữ đáng thương ấy lúc nào cũng hướng về người yêu xưa với lời ước hẹn năm cũ. Rồi khi không thể ngồi yên được, bà Sỏa đã dắt những bò xuống các chợ quanh vùng để tìm kiếm người yêu. Qua rất nhiều năm như thế, rồi đến một mùa xuân kia, bà xuống chợ và số phận đã cho bà gặp lại người cũ. Nhưng đó là một cảnh huống trớ trêu và bẽ bàng: người yêu năm xưa của bà đã trở thành một lão già ốm yếu đớn hèn, mấy chục năm chấp nhận cuộc đời tầm gửi trên gấu váy một người đàn bà giàu có khác. Niềm tin, tình yêu trong người đàn bà đau khổ đã hoàn toàn sụp đổ. Mà niềm tin và tình yêu là lẽ sống của cuộc đời bà, giờ nó không còn nữa thì cuộc đời bà cũng chẳng có ý nghĩa gì. Cuối truyện người đàn bà biến mất như tình yêu, niềm tin biến mất trong bà. Nghệ thuật dựng truyện, miêu tả sâu tâm lý nhân vật kết hợp sử dụng ngôn ngữ phù hợp với đặc trưng tâm lý đồng bào dân tộc Mông, giọng văn đầy thương cảm và nghệ thuật ẩn dụ (hình ảnh con bò) đã góp phần làm nên thành công của truyện ngắn này.
Cùng thời với thi sĩ Bàng Bá Lân, nhà lý luận văn học Đinh Gia Trinh cho rằng: “Bàng Bá Lân là một nhà thơ có thể tiến bộ hơn nữa về nhạc điệu; ông ưa tả những niềm tình của thời xưa, những tâm lý đơn giản ở thôn quê và thi vị của đồng nội”.Trong cuốn Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh - Hoài Chân viết về Bàng Bá Lân như sau: “Bàng Bá Lân gần Anh Thơ hơn gần Nguyễn Bính. Bàng Bá Lân cũng ít sống trong tình quê nhưng người hiểu cảnh quê hơn Anh Thơ; hiểu hơn vì mến hơn. Thơ Bàng Bá Lân và Bức tranh quê đều là những bông hoa khả ái từ xa mới đưa về, nhưng bông hoa Bàng Bá Lân ra chiều đã thuộc thủy thổ hơn, cho nên sắc hương nó cũng khác”. Xuất hiện cùng thời với những thi sĩ của phong trào Thơ Mới như Huy Thông, Nguyễn Vỹ, Lan Sơn, Đỗ Huy Nhiệm, Thế Lữ, Nguyễn Nhược Pháp, Phan Văn Dật, Đông Hồ, thời kỳ đầu Bàng Bá Lân cũng ảnh hưởng lối thơ phương Tây. Thế nhưng càng về sau, thơ ông càng trở về gần với ca dao.
Truyện ngắn chúng ta vừa nghe kể về hai người họa sĩ làm nghề vẽ ảnh truyền thần. Đó là chú Thuận và người học trò mà chú hết lòng truyền dạy, cũng là nhân vật xưng Tôi và kể lại câu chuyện này: Tý. Như lời tự bạch của Tý, anh là người duy nhất của thị trấn còn theo nghề này, ngỡ như không thể cạnh tranh nổi với các hiệu ảnh kỹ thuật số đang đầy dẫy trên thị trường. Thế nhưng Tý vẫn sống được với nghề và vẫn có khách, đặc biệt là các khách Tây. Từ bức vẽ truyền thần chính người thày của mình, chú Thuận, có thể nói Tý đã bước sang một giai đoạn khác của cuộc đời, tự sống và vươn lên với nghề. Qua câu chuyện mà tác giả kể lại, ta có thể cảm nhận được một điều quan trọng, đó là cho dù làm bất cứ nghề gì, muốn thành công được chắc chắn phải có một tình yêu tha thiết, bền bỉ, sâu nặng. Người không phụ nghề thì nghề mới không phụ người. Với nghề vẽ truyền thần này, vẽ giống thôi chưa đủ mà phải vẽ ra được thần thái nhân vật và làm cho người thân của nhân vật xúc động. Tý đã hơn một lần làm được điều ấy, đặc biệt là trong tình huống bà cụ mẹ liệt sĩ nhờ anh vẽ con trai mình mà không hề có một tấm ảnh nào, tất cả chỉ dựa trên lời kể. Hoàn thành bức tranh này có thể nói là thử thách lớn nhất đối với anh Tý từ trước đến nay, một điều tưởng như không thể làm nổi. Thế nhưng anh đã vẽ bằng tất cả tình yêu thương, sự chia sẻ với bà mẹ và lòng kính trọng về một người lính đã ngã xuống vì tổ quốc. Cao trào của truyện, dư âm của truyện để lại cũng nằm ở tình huống – sự kiện độc đáo này. Người thợ vẽ ảnh truyền thần ấy có trái tim của một nghệ sĩ đích thực. Truyện ngắn Ký ức hiện hình của nhà văn Trần Quốc Cưỡng vì thế cũng mang ý nghĩa giáo dục to lớn cho mỗi con người trong cuộc sống và lao động mỗi ngày.
Những ngày qua, cơn bão Yagi và những trận lũ lụt đã và đang tàn phá nặng nề nhiều tỉnh thành phía Bắc nước ta. Hậu quả để lại là bao đau thương, mất mát không dễ gì nguôi ngoai. Liên tiếp những tin tức giông bão, lũ lụt, thiệt hại, gãy đổ, ngập úng, sạt lở đè nén bao trái tim thương cảm. Chúng ta cùng lắng lại trong những vần thơ viết về giông bão, lũ lụt, nhất là cảm xúc còn tươi ròng trong các sáng tác ra đời thời gian gần đây.
Vầng trăng tự bao đời đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho các tác phẩm văn học nghệ thuật, trong đó có thi ca. Trăng vừa là một vẻ đẹp huyền diệu của đất trời, vừa là nơi để những người nghệ sĩ ký thác, gửi gắm bao nỗi niềm tâm sự buồn vui. Nhân dịp Tết trung thu năm nay, chương trình Đôi bạn văn chương của Ban Văn học Nghệ thuật (VOV6), Đài Tiếng nói Việt Nam xin được dành một cuộc trò chuyện với chủ đề: Trăng trong thơ kim cổ.
Truyện ngắn đưa chúng ta trở lại những ngày đất nước bắt đầu mở của với nhiều đổi thay. Nhân vật Dũng và chị Riềng là đôi bạn thân từ nhỏ. Dũng đã chứng kiến niềm vui, nỗi buồn của chị Riềng. Là người con gái xinh đẹp, giỏi giang nhưng sinh ra trong một gia đình không tốt đẹp nên chị Riềng gặp nhiều trắc trở, tổn thương. Vì tai tiếng của cha mẹ mà tình duyên giữa chị Riềng với người yêu là anh Cường đổ vỡ. Đau khổ vì không lấy được anh Cường lại bị cha mình chút nữa làm nhục, chị Riềng bỏ làng ra đi. Mấy chục năm sau, Dũng với chị Riềng mới gặp lại nhau và nhiều bí mật được hé lộ. Truyện ngắn viết về đời thường nhưng lôi cuốn người đọc bởi không ít chi tiết ấn tượng, bất ngờ thú vị. Đoạn tả Dũng bắt con đỉa trên ngực chị Riềng khiến chàng thanh niên lần đầu tiên nhìn thấy thân thể một người phụ nữ dường như là sự kiện khiến mối quan hệ giữa hai người bỗng trở nên khác biệt. Việc chị Riềng hận lão Hoàng nhưng âm thầm để chồng là anh Thắng trở thành con nuôi của cha khiến chúng ta hiểu hơn lòng vị tha của một người phụ nữ. Suốt mấy chục năm xa cách Dũng mới biết được cái đêm mặn nồng giữa mình và chị Riềng lại có một đứa bé. Sau mấy chục năm xa cách, tất cả khúc mắc, bí mật được giải tỏa, ba nhân vật bình thản đón nhận những sự kiện như một điều bình thường của cuộc sống. Thời gian trôi đi, câu chuyện về 3 nhân vật lắng lại trong tâm trí chúng ta là sự ấm áp của tình người.
Xét về số lượng phong dao, có lẽ thi sĩ Tản Đà chỉ thua Á Nam – Trần Tuấn Khải. Theo thống kê, ông có khoảng hơn 50 bài trong khi Á Nam Trần Tuấn Khải có 91 bài phong dao in trong các tuyển tập tác phẩm. Cả Tản Đà và Trần Tuấn Khải đều là những trí thức Nho học tiến bộ, đều là những người con yêu quê hương tha thiết và cơ bản là đều chịu nhiều ảnh hưởng của nền văn học truyền thống của dân tộc. Hai ông đã kế thừa những tinh hoa văn học dân tộc, đặc biệt là ca dao dân ca truyền thống để hình thành nên phong vị văn chương ấn tượng. Tình yêu đôi lứa, cũng là một đề tài quen thuộc, chiếm hơn một nửa trong các sáng tác thể loại này của Tản Đà. Phong dao viết về tình yêu của ông đa dạng, giàu sắc thái, cho thấy trải nghiệm về cuộc đời, nhân sinh.
Một gia đình riêng, một người bạn đời và những đứa con có thể là mục đích hướng tới của nhiều cá nhân trong xã hội. Nhưng trái lại, với một bộ phận khác thì viễn cảnh gia đình, những phát sinh, ràng buộc, ngổn ngang, bận rộn, lại gây cho họ cảm giác phiền phức, mệt mỏi, mất đi sự riêng tư, kỷ luật, tự do. Đó có thể là lựa chọn tự thân hay do sự xô đẩy của hoàn cảnh, những biến cố. Chính vì thế, ngay trước ngưỡng cửa hôn nhân, có những người chối bỏ việc gây dựng gia đình riêng, chối bỏ một vai trò trong guồng quay tuổi tác và tâm sinh lý như quy luật thường tình. Họ cho rằng đó là một lựa chọn đúng đắn. Thế nhưng, trước sự ngây thơ, đáng yêu của con trẻ, trái tim tưởng vô cảm, lạnh băng của nhân vật “hắn” bỗng ấm lên, rung động. Đứa trẻ mới hôm nào ra đời, xuất hiện phá tan không gian yên tĩnh và trong lành, chỉ sau sáu tháng “hắn” đi công tác trở về đã lớn bổng lên và khiến hắn nhận ra ý nghĩa thực sự của một gia đình. Trách nhiệm, bổn phận không phải là gánh nặng mà chính là sự soi tỏ, truyền dẫn, tiếp nối trên hành trình đời người. Thông qua việc xây dựng một nhân vật với quan điểm và lối sống cực đoan, tác giả Trịnh Minh Hiếu đã khắc họa được câu chuyện tôn thờ chủ nghĩa độc thân. Nhưng sâu hơn là những sứt mẻ, đổ vỡ thậm chí lệch lạc trong lối sống, lối suy nghĩ đã tạo nên những con người lạc lối trong vòng tròn số phận.
Nhắc tới mảng phong dao và những bài phong dao đặc sắc trong nền văn học dân tộc, chúng ta không thể quên tên tuổi và đóng góp của nhà thơ Tản Đà. Vốn xuất thân trong gia đình nhà nho, sáng tác của ông ảnh hưởng phong vị văn chương truyền thống của dân tộc. Nhiều câu thơ, bài thơ của Tản Đà đã được lưu truyền trong dân gian như thể ca dao
Nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh sinh năm 1968, nổi tiếng trong giới sinh viên Hà Nội khi anh là gương mặt thơ nổi bật của phong trào thơ sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Nhiều bài thơ của Nguyễn Tiến Thanh viết trong khoảng thời gian này hiện vẫn có người thuộc nằm lòng. Hơn 20 năm làm công tác quản lý tại cơ quan báo chí, mới đây, nhà thơ chuyển qua sang mảng xuất bản sách. Nguyễn Tiến Thanh đã xuất bản hai tập thơ “Chiều không tên như vết mực giữa đời” và “Loạn bút hành” cùng với tiểu luận mang tên “Thời của tạp chí”. 39 bài thơ trong tập “Viễn ca” của Nguyễn Tiến Thanh thể hiện suy ngẫm, chiêm nghiệm của nhà thơ về cuộc sống, tình yêu khi bước vào tuổi trung niên. Tập thơ này vẫn phảng phất chất lãng mạn, trữ tình trong thơ Nguyễn Tiến Thanh một thời, mặt khác, đầy ắp những suy tư, triết lý qua chiêm nghiệm và thẩm thấu được từ những chặng đời đã qua. BTV Tiếng thơ đã có những ghi nhận về tập thơ “Viễn ca” với nỗi niềm Nguyễn Tiến Thanh: “Ta năm mươi ngồi viết thơ buồn”:
Trong truyện ngắn “Xà cừ nở hoa”, nhà văn Lê Ngọc Hạnh đã kể chuyện ở ngôi kể thứ ba. Chị dùng thủ pháp truyện lồng truyện, khéo léo lẩn vào những ký ức và dòng xúc cảm vượt thời gian của nhân vật bác sĩ Tú. Anh được sinh ra, trưởng thành từ quê hương cách mạng, trong một gia đình giàu truyền thống. Ở đó có người cha luôn dặn dò, nhắc nhớ con mình về quê cha đất tổ. Cha dạy con về những nỗi đau chiến tranh và sự quý giá của độc lập, tự do là như thế nào. Hết thẩy những điều ấy chính là tình yêu quê hương đất nước được thể hiện thẳm sâu mà đầy tự nhiên trong sự trao truyền, tiếp nối giữa các thế hệ. Lớn lên, người con trở thành bác sĩ được sống, cống hiến ở thời bình luôn tận tâm phụng sự người có công với đất nước bằng cả trái tim và lòng biết ơn của mình. Hình ảnh cây xà cừ nở hoa ở cuối truyện ngắn mang tính biểu tượng, như gợi nhắc chúng ta nhớ về thế hệ ông cha. Cây cổ thụ luôn vững chãi, tỏa bóng mát và kết tinh nên những bông hoa đẹp dâng đời. Lớp người sau kế cận lớp người trước, cũng sẽ trở thành những cây cổ thụ, đua nở những bông hoa đẹp cho đất nước, quê hương.
Nhà văn đã lấy tên nhân vật người bạn cùng lớp trở đi trở lại trong câu chuyện của cậu bé mới đi học mẫu giáo làm nhan đề truyện ngắn này. Cái tên điểm nhấn, một cậu bạn cá biệt và ngỗ ngược gây ra đủ trò rắc rối trong lớp học. Tên cậu được điểm danh liên tục, hàng ngày trong câu chuyện trường lớp mà lúc nào cũng là những trò nghịch ngợm trái khoáy. Nhà văn đã chọn được nhân vật, câu chuyện, chi tiết điển hình: trường học, lớp học nào ở vùng miền hay quốc gia nào cũng sẽ có những học sinh cá biệt như vậy – Những học sinh được nêu tên liên tục không phải vì thành tích học tập xuất sắc mà bởi những cách hành xử, vi phạm kiểu nhất quỷ nhì ma…Hầu hết trong số đó vẫn chứng nào tật nấy không thay đổi nhưng vẫn có một số ít thay đổi theo hướng tích cực hơn. Nếu đơn giản là kể chuyện nhân vật cậu bé ngỗ nghịch thì truyện ngắn này sẽ đi vào mẫu số chung. Điều thú vị đặc biệt là tác giả đã khéo léo gói ghém bất ngờ đến tận những trang cuối cùng. Người chuyển ngữ truyện ngắn này cũng rất tinh tế. Danh tính của cậu bé cá biệt kia dần dần mở ra nhờ cách hành văn tự nhiên, hóm hỉnh. Cách kể chuyện và trí tưởng tượng của trẻ em thực sự vẫn là một thế giới vô cùng thú vị mà không phải người lớn nào cũng dễ dàng nắm bắt được. Trang văn đã khép lại mà dư vị của nụ cười, của sự thích thú vẫn còn phảng phất đọng lại…
Cuộc đời, tấm gương bình dị mà cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành nguồn cảm hứng trong sáng tác của nhiều tác giả, nhà văn, nhà thơ. Đặc biệt, qua những vần ca dao, công đức của Bác Hồ được diễn đạt một cách đầy hình ảnh và cảm xúc. Từ đó nói lên được tiếng lòng, lòng biết ơn với những cống hiến của Bác đối với dân tộc. Một số nhà nghiên cứu đã cất công sưu tầm, tuyển chọn những áng ca dao nói về Bác, tiêu biểu là cuốn “Ca dao về Bác Hồ” chọn lọc tới hơn 1.200 câu ca nói về Bác của nhà thơ Trần Hữu Thung hay nhà giáo Nguyễn Nghĩa Dân trong cuốn “Ca dao Việt Nam 1945-1975” khẳng định những câu ca về Bác Hồ chiếm khoảng hơn 10% trong tổng số lượng ca dao hiện đại. Nhà Phê bình văn học Lê Xuân trong một bài viết đã dẫn ra một số câu ca dao tiêu biểu cho thấy được hình ảnh Bác Hồ trong tâm thức dân gian ở các vùng miền trên khắp đất nước ta.