"Nơi tình yêu ở lại": Tình yên biển đảo, quê hương 3/3/2022

Ngay từ tên truyện, tác giả đã hé lộ đây là một câu chuyện nói về tình yêu. Một câu chuyện tình yêu được tác giả đề cập ngay từ những dòng chữ đầu tiên. Chỉ có điều, tình yêu trong truyện ngắn này, không xảy ra ở một nơi bình thường, mà xảy ra ở một hòn đảo cách xa đất liền, giữa một cô thanh niên xung phong và một anh bộ đội, khi cả hai cùng công tác trên đảo. Một tình yêu đẹp và trong sáng như ta vẫn thường thấy ở những đôi trai gái, khi cả hai cùng đang làm nhiệm vụ dựng xây và bảo vệ Tổ Quốc! Hoa - cô thanh niên xung phong, và Kha - anh bộ đội, theo tiếng gọi của quê hương, cùng đến với đảo, cùng có những năm tháng sống, công tác trên đảo, và cả hai cùng yêu đảo như chính quê hương mình. Từ những năm tháng gần gũi bên nhau ấy, họ đã “bén duyên” và yêu nhau. Tình yêu của hai người đã giúp họ vượt qua tất cả mọi khó khăn, trở ngại của cuộc sống, công tác thường ngày trên đảo. Đặc biệt, khi Kha hết hạn nghĩa vụ quân sự, được trở về đất liền, anh phải đứng trước hai sự lựa chọn cho cuộc sống sau này của mình: Ở lại đảo cùng Hoa xây dựng cuộc sống dài lâu, hay trở về đất liền vĩnh viễn? Hơn thế, anh còn phải đối mặt với lời khuyên của cha mẹ, người thân, bạn bè… phải trở về quê hương xây dựng cuộc sống tương lai! Nhưng Kha đã không làm thế, anh đã trở lại đảo theo tiếng gọi của con tim, với chiếc ba lô trên lưng, như ngày nào đến với đảo lần đầu. Chỉ có tình yêu đối với người mình yêu, đối với biển đảo, với quê hương đất nước, mới có thể thúc giục Kha trở lại đảo, xây dựng cuộc sống gia đình cùng Hoa. Thông qua truyện ngắn này, nhà văn Nguyễn Ngọc Chiến muốn khẳng định một điều, biển đảo dù xa cách bao nhiêu vẫn là chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ Quốc thân yêu, mỗi người phải có ý thức, trách nhiệm đóng góp công sức, xây dựng và giữ gìn biển đảo, nhất là trong tình hình biển đảo đang có những bất ổn như hiện nay. Truyện ngắn với lối viết mộc mạc, giản dị, tự nhiên, tác giả không chú tâm lắm với những yếu tố kỹ thuật trong kết cấu, xây dựng truyện. Song, “Nơi tình yêu ở lại” vẫn có những chi tiết chân thực, xúc động, làm ta tự hào, yêu thương nhiều hơn đối với biển đảo quê hương…

“Bên ngoài thành phố”: Tình cảm gia đình trong cuộc sống hiện đại hôm nay

“Bên ngoài thành phố”: Tình cảm gia đình trong cuộc sống hiện đại hôm nay 2/3/2022

Truyện ngắn có đề tài về cuộc sống đời thường, tình cảm đời thường nhưng được tác giả thể hiện qua một câu chuyên mang phong cách giả tưởng. Khi mà dân số quá đông, thành phố chỉ tiếp nhận người trẻ tuổi còn người già phải ở ngoài thành phố. Bố mẹ già phải xa con, cháu của mình. Và một cuộc thi đấu trở thành lằn ranh để quyết định ai sẽ được trở lại thành phố. Nhân vật chính của câu chuyện là ông lão nhiều tuổi nhưng vẫn quyết tâm tập luyện chăm chỉ để tham gia được thi với ước vọng vào thành phố gặp gỡ con cháu. Lẫn trong những giọt mồ hôi của ông, nước bắt của bà là nỗi nhớ mong con cháu, là tình cảm ruột thịt. Ông đã chiến thắng cuộc thi đấu nhưng cuối cùng không vào thành phố mà quay trở lại với người vợ yêu khi bà bị bệnh Alzhemer. Lắng đọng trong lòng người đọc, người nghe truyện ngắn này là trăn trở về tình cảm gia đình trong cuộc sống hiện đại hôm nay. Trong thành phố, ngoài thành phố chỉ là một hình ảnh thể hiện sự khoảng cách của người già với thế hệ con cháu của mình. Biết bao người vì cuộc sống cơm áo, gạo tiền, bận rộn công việc, bận rộn vui chơi mà ít liên hệ, ít quan tâm tới cha mẹ già ở nhà, ở quê. Đó là tâm tư, nỗi buồn của không ít người già hiện nay. Cái cha mẹ cần đâu chỉ có cuộc sống vật chất mà chính là tình cảm của con cháu. Trong khi tình cảm 2 ông bà vẫn thấm thiết với nhau thì dường như con cháu trong thành phố đã quên mất có người đang mong ngóng mình. Một câu chuyện giả tưởng nhưng được viết với giọng văn chân chất, giản dị về cuộc sống đời thường. Ước mơ của hai ông bà lão trong truyện khiến người đọc, người nghe nhất là người trẻ phải tự nhủ “hãy để bố mẹ không phải ở ngoài thành phố”. (Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)

"Nước đen": Hành trình đi tìm chân lý 23/2/2022

Truyện ngắn chúng ta vừa nghe có dáng dấp của một tác phẩm dựa vào lịch sử nhưng sự kết hợp những tên đất, tên người lại cho ta thấy tác giả đang muốn thoát ly khỏi chính sử để nâng cao mức độ hư cấu và giả tưởng. Mỗi người đọc tùy vảo cảm xúc và trải nghiệm của mình có thể tự do liên tưởng đến các sự kiện khác nhau. Mạch truyện được diễn biến xoay quanh cuộc trò chuyện giữa cô phóng viên Á Châu và một lính biệt kích đã giải nghệ. Cuộc trò chuyện ấy, đồng thời là một cuộc phỏng vấn, mà thực chất hơn nữa, có thể xem là sự truy vấn đến cùng để tìm ra chân lý, tìm ra sự thực lịch sử. Sự truy vấn của cô phóng viên càng lúc càng dồn tay cựu biệt kích vào đường cùng và đẩy kịch tính của truyện lên đến đỉnh điểm. Điều ấy thể hiện qua chi tiết tay biệt kích “sờ khẩu súng ngắn và nòng hãm thanh nhét sau lưng quần. Phía sau lưng quán rượu có một hồ bơi nhỏ của khách sạn”. Truyện khép lại với một kết thúc mở: Sinh mạng của cô phóng viên đang bị đe dọa. Cô có thể bị hạ sát bởi biết quá nhiều bí mật. Thực ra cô gái hoàn toàn có thể cảm thấy sự nguy hiểm rình rập mình, nhưng hành trình đi tìm chân lý của cô chính là cuộc đấu tranh đến cùng giữa cái thiện và cái ác một cách quyết liệt, không khoan nhượng. Sự dũng cảm ấy đáng để mỗi chúng ta phải trân trọng và khâm phục. Một thông điệp quan trọng nữa mà tác giả muốn gửi gắm, theo chúng tôi chính là tiếng nói phản đối chiến tranh, tiếng nói đòi quyền sống bình yên hạnh phúc chính đáng cho mỗi con người.

Thi sĩ Lãng Thanh – Tài hoa ở lại

Thi sĩ Lãng Thanh – Tài hoa ở lại 23/2/2022

Nhắc đến Lãng Thanh là nhắc đến một gương mặt thơ đặc biệt nổi lên trong thập niên đầu của thế kỷ 21. Chỉ với 14 bài thơ trong tập Hoa, tác phẩm của anh đã chỉnh phục nhiều độc giả bởi ngôn ngữ và hình tượng độc đáo, những liên tưởng lạ lùng trong một cảm quan về thế giới theo cách riêng của anh. Năm 2022, nhân dịp tròn 20 năm Lãng Thanh đi xa, chương trình Đôi bạn văn chương xin dành một cuộc trò chuyện để tưởng nhớ người thi sĩ tài hoa bạc mệnh với tên gọi: Thi sĩ Lãng Thanh – Tài hoa ở lại

“Múa trên miền tứ phủ”: Niềm tin của con người

“Múa trên miền tứ phủ”: Niềm tin của con người 18/2/2022

“Múa trên miền tứ phủ”là câu chuyện của Thành - một đứa con cầu tự của cửa Cha, cửa Mẹ, của Thần Đình Tứ Phủ. Nhà văn sử dụng cách kể chuyện tự sự khi nhập vào nhân vật, lúc đặc tả khách quan bằng giọng văn thấm đẫm chất thơ làm nhân vật hiện lên trong không gian đầy hiện thực mà cũng rất đỗi huyền ảo. Thành vừa gần gũi lại vừa xa xôi như cậu Hoàng Bơ trong thập nhị thánh cậu. Và chính Thành đi trên con đê sông Hóa đưa người đọc trở về với tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, một tín ngưỡng bản địa thuần thành lấy việc tôn thờ Mẫu làm thần tượng với các quyền năng sinh sôi, bảo vệ và che chở cho con người. Tín ngưỡng ấy đã được giới tính hoá mang dáng hình của người Mẹ, là nơi mà người phụ nữ chân lấm, tay bùn suốt đời bán mặt cho đất, bán lưng cho trời trên đồng cao, ruộng trũng đã gửi gắm những ước vọng giải thoát của mình khỏi những thành kiến, ràng buộc của xã hội Nho giáo phong kiến chuyên quyền, độc đoán. Thành đi giữa đôi bờ tỉnh - thức, hư - thực, tỏ - mờ của cõi người và cửa Mẫu. Và Thành có một đức tin nguyên sơ, vững chắc vào tam tòa thánh mẫu, tứ phủ công đồng. Đức tin khiến Thành nuôi dưỡng đam mê cháy bỏng để lựa chọn nghề nghiệp trở thành một nghệ sĩ kịch hát dân tộc thay vì nối nghiệp bố để trở thành một chiến sĩ Công an như ước mong của gia đình. Đó là một lựa chọn đúng đắn, sáng suốt nhất của Thành, bởi sống và làm việc mà không có đam mê, đó là nỗi bất hạnh của con người. Khi có đức tin thì con người sẽ có đủ nghị lực để vượt qua những tai ách, ngang trái giăng ra cản bước trên đường đời. Đức tin ấy còn cao hơn niềm tin rất nhiều lần. Bởi suy cho cùng, đức tin vào Thánh Mẫu là tin vào yêu thương, bác ái, và sự bình đẳng của con người với con người trong một xã hội còn nhiều cạm bẫy và lắm khổ đau. Thì ra đức tin vào những điều tốt đẹp vẫn còn sót lại ở trần gian này. Thử hỏi không có đức tin mà đôi khi chúng ta cho rằng còn nhiều hư ảo ấy, thì Thành có gục ngã không khi nhìn thấy những giọt máu bắn ra tay mà ai biết có phải bệnh lao phổi di truyền không, khi nghe thấy tiếng ho của mẹ chật kín ba gian nhà nhỏ trong một chiều mưa nơi thôn quê yên ả. Một mầm cây mùa xuân được mưa móc tưới nhuần trỗi dậy mãnh liệt trong lòng Thành mà không điều gì, không một ai có thể ngăn cản được. Mầm cây chầm chậm lớn lớn, nhẩn nha xanh và dịu dàng tỏa bóng mát xuống tâm hồn Thành. Tâm hồn của một nghệ sĩ - một thanh đồng có thiện căn hiền lành và thiên lương trong sáng như hạt cốc vũ - mưa rào từ mà Thánh Mẫu từ trên tiên giới ban xuống cõi trần. Câu chuyện khép lại mà không gian quanh chúng ta vẫn xập xòe khăn chầu, áo ngự, ngan ngát hương trầm, hoa huệ, và réo rắt những làn điệu chầu văn trong các giá hầu thỉnh mời thánh mẫu về giáng đền, giáng phủ. Và Thành ở đó. (Lời bình của BTV Vân Khánh)

"Sống và hy vọng": Dư âm & lan tỏa 18/2/2022

Sau hơn một tháng phát động, hơn 500 tác giả và 1300 bài thơ gửi tới tham dự, cuộc thi đã lựa chọn và trao hai giải Nhì cho các tác giả Lương Mỹ Hạnh (Sơn La) và Lữ Mai (Hà Nội). Giải Ba được trao cho các tác giả Nguyễn Văn Song (Hưng Yên), Trần Vạn Giã (Nha Trang), Ngô Bá Hòa (Lạng Sơn). 7 giải Tư trao cho các tác giả Quyên Gavoye, Nguyễn Chí Diễn, Trương Thị Bách Mỵ, Nguyễn Văn Biên, Nông Ngọc Mạnh, Ngọc Tuấn, Nguyễn Đức Hậu. Ban tổ chức cuộc thi cũng ghi nhận nỗ lực sáng tác qua tặng thưởng dành cho các tác giả Nguyễn Thị Hương Giang, Hoàng Thị Hiền, Đinh Hạ, Trần Thanh Dũng, Nguyễn Thanh Hải, Bùi Việt Phương.

“Đám cưới hoa dong riềng”: Tình yêu của lính

“Đám cưới hoa dong riềng”: Tình yêu của lính 17/2/2022

Viết về người lính năm xưa nhưng tác giả Nguyễn Tham Thiện Kế không đi vào những trận chiến đấu, mất mát hi sinh mà lựa chọn đề tài một chuyến đi bắt lính đào ngũ. Những ai trốn lính hay trốn nghĩa vụ quân sự là một tội không hề nhỏ. Họ bị kỉ luật quân sự, bị coi là hèn nhát và khiến gia đình, họ hàng xấu hổ. Với một đề tài có phần nghiêm túc, nặng nề như vậy nhưng tác giả lại viết với giọng văn khá hóm hỉnh. Hóm hỉnh từ danh xưng gã, hắn hay trong nhiều chi tiết của quá trình về bắt lính đào ngũ. Hai người đồng đội từng chia nhau miếng cháy giờ “gã” lại phải đi bắt “hắn”. Mà “hắn” trốn về quê không phải vì hèn nhát mà để dự đám cưới chạy. Bắt đồng đội trong ngày cưới thật đúng là một nhiệm vụ không hề thoải mái tí nào. Hắn càng dở khóc dở cười không dám nói thật nhiệm vụ khi mọi người nồng nhiệt đón tiếp anh lính được cử về mừng cưới đồng đội. Chỉ có hai người trong cuộc là “gã” và “hắn” mới hiểu rõ sự việc mà thôi. Nhiều chi tiết đời thường được tác giả đưa vào câu chuyện giàu cảm xúc. Như cô dâu chú rể cưới mà không có hoa khiến hắn phải nhanh trí hái bó hoa dong riềng ngay bên sông, hình ảnh “gã” và “hắn” lóng ngóng dùng kim băng cài lại áo cho cô dâu hay ánh mắt của cô gái dân quân nhìn gã không chớp mắt. Cuộc sống nơi hậu phương trong chiến tranh được thể hiện sinh động qua đám cưới của “hắn”. Cuộc sống vật chất khó khăn nhưng tình cảm hàng xóm láng giềng, tình cảm gia đình, tình cảm tiền tuyến và hậu phương thật ấm áp, chân tình. Những nỗi buồn, mất mát hi sinh trong chiến tranh cũng được tác giả nhắc đến khá nhẹ nhàng. Truyện ngắn khiến không ít người nghe, người đọc bật cười rồi lại rơm rớm nước mắt thốt lên rằng “đó đúng là một thời để nhớ”. (Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)

Tình yêu và mùa xuân

Tình yêu và mùa xuân 15/2/2022

Đã 3 năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19, Ngày thơ Việt Nam vào dịp Tết Nguyên tiêu không thể tổ chức được như thường lệ. Điều này tạo ra một sự trồng vắng và hụt hẫng lớn trong lòng những người yêu thơ, những người làm thơ. Để phần nào lấp đi khoảng trống đó, chương trình Văn nghệ của Ban Văn học Nghệ thuật VOV6 hôm nay xin gửi tới quý vị thính giả một chương trình giao lưu thơ đặc biệt mang tên "Tình yêu và mùa xuân" với sự tham gia của 4 nhà thơ: Nguyễn Thành Phong, Trần Kim Hoa, Bình Nguyên Trang và Nam Thiên Phú.

“Tuyết đào”: Biểu tượng của tình yêu son thắm, thủy chung

“Tuyết đào”: Biểu tượng của tình yêu son thắm, thủy chung 14/2/2022

Truyện ngắn “Tuyết đào” mở ra trước mắt chúng ta về một mùa xuân vùng cao tươi đẹp, với thiên nhiên hũng vĩ, với cảnh sắc gợi cảm giác yên bình.Mùa xuân là mùa đẹp nhất ở vùng cao, đó là mùa những bông đào rừng bung phun sắc đỏ kiêu hãnh, rực rỡ đến mê hoặc. Mùa xuân cũng là mùa tình trên núi. Những trai, những gái bản theo sắc hoa trải dài hai bên đường núi, theo tiếng sáo, tiếng khèn mà tìm đến bạn lòng...Tác giả tô đậm không gian ấy để nói về câu chuyện tình của Tủa và So. Sẽ có những người thỏa nguyện đường yêu, ăn đời ở kiếp với nhau, sinh con nở cái dưới một mái ấm yên bình. Nhưng cũng rất nhiều mối tình dang dở, để thương để nhớ cả một đời... Mối tình của Tủa và So đẹp như một bông hoa đào mới hé, nhưng rồi cũng sớm rụng rơi vào sự tuyệt vọng, chia lìa. Xuân đến hoa nở, xuân qua hoa tàn, rồi xuân đến lại hoa, đấy là quy luật của tạo hóa. Hy vọng và đợi chờ, thủy chung gìn giữ cho tình yêu luôn thắm đỏ như đóa hoa đào, dù đã bị số phận đẩy đến sự ly biệt, phải chăng đấy là mẫu số chung của tình yêu vĩnh cửu? Gần hết một cuộc đời, lão Tủa đi tìm người yêu, rồi khi không tìm nữa thì lão trồng những cây tuyết đào để thắp lên những tia hy vọng, những lời nguyện cầu nồng ấm. Việc lão Tủa bỏ đảo hoa đào ra đi cũng là để bảo vệ sự vẹn nguyên của tâm hồn, tình yêu trước những phút nổi loạn của “bản năng”. Không ai biết lão Tủa đi đâu, nhưng chi tiết chàng kỹ sư trẻ gặp Sao trên đảo hoa đào gợi lên một sự bắt đầu tươi mới. Chàng kỹ sư trẻ đi kiếm tìm loài tuyết đào thuần chủng cũng như con người luôn khát khao gặp được tình yêu đích thực đẹp đẽ, cao khiết. Hình ảnh những bông tuyết đào xuyên suốt truyện ngắn hay chính là biểu tượng của tình yêu son thắm, thủy chung…(Lời bình của BTV Vân Khánh)

Nhà thơ Đỗ Ngọc Yên và những vần thơ tháng Giêng

Nhà thơ Đỗ Ngọc Yên và những vần thơ tháng Giêng 11/2/2022

Trên hành trình sáng tác thơ của nhiều người, có những ám ảnh nghệ thuật trở đi trở lại, có những nguồn cảm hứng tưởng đã vơi cạn vẫn lại đong đầy. Nhà phê bình – Nhà thơ Đỗ Ngọc Yên đã viết rất nhiều bài thơ về tháng Giêng và trong mỗi tứ thơ, ông đi tìm một hình ảnh, câu chuyện mới – Gần gũi, đời thường.

“Tí tách mưa xuân”: Tình yêu nảy mầm từ tấm lòng bao dung, nhẫn nại

“Tí tách mưa xuân”: Tình yêu nảy mầm từ tấm lòng bao dung, nhẫn nại 9/2/2022

Từ trước đến nay không ít tác phẩm văn học đề cập chuyện dì ghẻ-con chồng, và thường để lại trong độc giả những sự ấm ức, bức bối về tình cảm mà dì ghẻ dành cho con chồng. Nhưng ở truyện ngắn “Tí tách mưa xuân” của nhà văn Nguyễn Hương Duyên mà các bạn vừa nghe, đọng lại trong lòng độc giả lại là sự ấm áp, cái ấm áp đó đến từ một dì ghẻ bao dung và độ lượng. Anh-người đàn ông có vợ qua đời từ sớm, một mình nuôi con gái trưởng thành. Đến khi Anh được một người phụ nữ yêu thương chăm sóc, chia sẻ buồn vui thì cô con gái lại kịch liệt phản đối. Anh đã bước ra khỏi ngôi nhà do mình gây dựng nên để nhường lại cho vợ chồng cô con gái. Trải qua nhiều thử thách, trong đó có cả những lần đối mặt giữa sự sống và cái chết, cô con gái mới dần hiểu ra được nỗi lòng của người cha, tình cảm của người mẹ kế và cũng là nhận thức đầy đủ hơn về đạo lý làm người. Như những giọt mưa xuân cứ tí tách rơi thấm dần vào đất, tình cảm của người mẹ kế này cũng vậy. Chị lặng lẽ chăm sóc, yêu thương Anh mà không hề đòi hỏi, không một lời than trách, không một lời oán hận…mặc dù đứa con riêng không ít lần hỗn xược, vô lễ với chị, không chấp nhận chị như một thành viên trong gia đình. Truyện đã thành công trong việc diễn tả diễn biến tâm lý nhân vật, đặc biệt là nhân vật người cha. Xung đột nội tâm luôn giằng xé. Ở anh luôn tồn tại mâu thuẫn: Anh vừa yêu thương vừa tức giận con gái; vừa hy vọng chờ đợi vừa ra vẻ dửng dưng; vừa muốn mắng mỏ con lại vừa như sợ con đau lòng…(Lời bình của BTV Vũ Hà)

Độc đáo thơ Xuân Tú Xương

Độc đáo thơ Xuân Tú Xương 9/2/2022

Buổi giao thời, cũng như nhiều nhà nho, nhà thơ thất cơ lỡ vận, thơ Xuân của Tú Xương không còn đơn thuần vịnh cảnh, bày tỏ cảm xúc của người tài tử văn nhân trước sự chuyển giao của đất trời. Tết, Xuân, năm mới trong thơ Nôm Tú Xương như một bức phông nền mà cảnh tượng cá nhân, con người và xã hội được vẽ ra bằng một ngòi bút đại tài

“Có hẹn với mùa xuân”: Ước hẹn đoàn viên

“Có hẹn với mùa xuân”: Ước hẹn đoàn viên 8/2/2022

“Có hẹn với mùa xuân” của tác giả Phương Huyền không quá đặc sắc về cốt truyện hay kỹ thuật viết. Truyện ngắn giống như một màn đối thoại không đầu không cuối giữa Miên và anh hướng dẫn viên du lịch. Giữa bối cảnh tuyết rơi của xứ Nhật xa xôi, không lạ khi hai con người cùng quê hương có thể sát lại gần nhau, chia sẻ những điều mà có lẽ với cả bạn bè thân thiết nhất họ cũng chưa từng tâm sự. Cũng chính trong cuộc trò chuyện không đầu không cuối ấy, hai người tình cờ tìm ra câu trả lời cho những băn khoăn day dứt ở trong lòng. Với Miên, đó là dũng khí đối diện với mối tình tan vỡ. Còn với anh hướng dẫn viên, đó là quyết định đưa mẹ nuôi về Việt Nam ăn Tết. Họ có thể sẽ đi những chuyến bay khác nhau để về nước nhưng đều hướng tới một mùa xuân ấm áp, đoàn viên và trọn vẹn – một mùa xuân không lặng lẽ gặm nhấm nỗi cô đơn mà là để trưởng thành, để quan tâm nhiều hơn tới những người còn ở bên cạnh mình. Giản dị, mộc mạc mà ấm áp, “Có hẹn với mùa xuân” đem đến một cái kết có hậu, làm đẹp lòng nhiều độc giả. Người viết không tiết lộ quá nhiều về việc liệu hai nhân vật trong truyện có đến với nhau hay không nhưng có lẽ, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng và chờ đợi, nhất là vào những ngày xuân phơi phới yêu đời. (Lời bình của BTV Nguyễn Hà)

Lúng liếng Hoàng Cầm

Lúng liếng Hoàng Cầm 28/1/2022

Nhắc đến Hoàng Cầm là nhắc đến một gương mặt tiêu biểu của thơ ca Việt Nam hiện đại với một hành trình sáng tác kéo dài hơn 6 thập kỷ, từ trước 1945 cho tới thập niên đầu của thế kỷ 21. Hoàng Cầm lúc sinh thời đã xuất bản tất cả 8 tập thơ và điều đặc biệt hơn nữa là nhiều bài thơ của ông đã kéo theo nhiều giai thoại ly kỳ, thú vị được truyền tụng trong làng văn nghệ. Nhân dịp kỷ niệm 100 năm sinh thi sĩ Hoàng Cầm, chương trình Đôi bạn văn chương trong những ngày đầu xuân năm mới muốn dành một cuộc trò chuyện về chân dung thơ ông với tên gọi: Lúng liếng Hoàng Cầm.

Tình bạn trong thơ Việt

Tình bạn trong thơ Việt 28/1/2022

Cuộc đời của mỗi con người, từ khi sinh ra, trưởng thành rồi từ giã thế gian, không ai là không có những người bạn. Tự bao đời, tình bạn đã trở thành một đề tài đẹp đẽ của văn học nghệ thuật nói chung, của thi ca nói riêng. Lịch sử thơ Việt từ cổ điển đến hiện đại có không ít những tình bạn thật cảm động, đã in dấu vào nhiều tác phẩm. Vì thế. chương trình Đôi bạn văn chương lần này xin được gửi tới quý vị thính giả một cuộc trò chuyện với nhan đề Tình bạn trong thơ Việt để chúng ta một lần nữa được rung động với nhiều tác phẩm có sức sống vượt thời gian.

Mã QRCODE xem trên mobile
chương trình hôm nay
08h00 - 08h30 Văn nghệ
08h30 - 08h45 Làn sóng Nghệ thuật
08h45 - 09h00 Câu chuyện nghệ thuật
10h45 - 11h00 Văn nghệ thiếu nhi
13h00 - 13h30 Đọc truyện dài kỳ
14h30 - 15h00 Xin chờ hồi kết
18h15 - 18h30 Văn nghệ thiếu nhi
18h30 - 19h00 Văn nghệ
19h00 - 19h30 Đọc truyện dài kỳ
19h30 - 20h00 Xin chờ hồi kết
20h30 - 20h45 Làn sóng Nghệ thuật
20h45 - 21h00 Câu chuyện nghệ thuật
21h45 - 22h00 Kể chuyện và Hát ru cho bé
22h30 - 23h00 Đọc truyện đêm khuya