Thử hỏi ai mà không bồi hồi khi tiễn những tờ lịch cuối cùng của một năm sắp qua – Một cảm giác bao lâu vẫn còn ngưng đọng những nỗi niềm. Nếu nhà thơ Kim Dũng từng viết: “Giã từ tờ lịch cuối năm/ Mà sao lại cứ dùng dằng lạ chưa/ Chông chênh hai phía gió lùa/ Tóc xanh mây trắng đôi bờ thời gian” thì cũng trong bài thơ lục bát nhan đề “Tờ lịch cuối năm”, nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng lắng nghe trong xa xăm: “Mỏng manh tờ lịch cuối năm/ Nhẹ tênh rơi xuống chỗ nằm...Vọng âm/ Thoảng như hơi gió vương trầm/ Thoảng như sương khói môi thầm thĩ xa”.
Trước sự kiện sắp tới UNESCO sẽ cùng nước ta kỷ niệm năm sinh của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, Chuyên gia văn học trung đại - GS.TS Trần Ngọc Vương (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng đây là một hoạt động “hoàn toàn xứng đáng và có lý”. Nói như vậy bởi qua các tác phẩm của mình, cụ Đồ Chiểu được coi là lá cờ đầu không chỉ của văn học yêu nước ở Nam Bộ và cả đất nước ta. Đồng thời, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu cũng là lá cờ đầu của văn học chống chủ nghĩa thực dân, không chỉ của Việt Nam mà của thế giới. Hơn thế, tác giả của truyện thơ “Lục Vân Tiên”, “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” còn thể hiện tầm vóc, tư duy của một tác giả tiên phong, đi trước thời đại.
Viết về người cựu chiến binh chiến tranh biên giới, nhà văn Phan Ngọc Chính kéo léo đan xen quá khứ với những vấn đề thời sự của hiện tại. Qua cuộc gặp gỡ, trò chuyện giữa nhân vật ông Sơn và Liu, một khách buôn người Hoa, không gian và thời gian được quay trở lại mấy chục năm trước. Khi mà ông Sơn và ông Liu là hai người lính đối đầu nhau trong cuộc chiến biên giới Việt Trung. Mấy chục năm sau, hai người cựu binh lại trở thành đối tác làm ăn buôn bán. Gặp lại nhau sau nhiều năm, hai người không khỏi nhớ lại những kỉ niệm xưa trên chiến trường. Những mất mát, hi sinh, lòng vị tha của người lính Việt Nam được thể hiện qua lời kể của ông Sơn và ông Liu. Dù những trận chiến đấu trong quá khứ không được tác giả viết quá nhiều nhưng đã thể hiện được hình ảnh cao đẹp của người lính Việt Nam chiến đấu, hi sinh để bảo vệ tổ quốc. Tác giả giành nhiều đất cho những thay đổi của đất nước, mối quan hệ của hai đất nước, hai dân tộc sau trận chiến. Sau chiến tranh loạn lạc thì việc giao thương buôn bán giữa hai đất nước luôn được tiếp diễn tạo sinh kế cho nhiều người. Qua việc hợp tác làm ăn của hai người cựu binh, tác giả đề cập đến nhiều vấn đề thời cuộc như việc mất mùa được giá của người nông dân, những điều cẩn trọng khi làm ăn với nước bạn, việc ắc tắc nông sản tại biên giới …Chủ động tìm thị trường mới, đối tác mới là điều cần thiết của người nông dân nước ta để tránh quá phụ thuộc vào thị trường nước bạn. Đó là điều tác giả muốn gửi đến người đọc, người nghe qua câu chuyện làm ăn giữa nhân vật Sơn với đối tác phía bên kia. Bên cạnh đó, tác giả nhấn mạnh tới truyền thống cách mạng, tình cảm đồng đội keo sơn qua mối duyên tình của đôi bạn trẻ Hà và Na. Một truyện ngắn dung dị đề cập nhiều vấn đề của quá khứ, hiện tại và tương lai. (Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)
Là một cây bút chuyên viết về đề tài người phụ nữ, tác giả Vũ Thị Huyền Trang thường đi sâu khai thác đời sống nội tâm nhân vật với nhiều cung bậc phức tạp, rối ren. Truyện của chị thường có nét u buồn: buồn thương thân, buồn thiệt phận, buồn vì kiếp đàn bà “trót sinh ra thế biết là tại đâu”. Chính vì vậy, với những ai đã quen biết Vũ Thị Huyền Trang qua trang viết, “Cưới nhau vào mùa xuân” và “Vùng xanh” là những tác phẩm hiếm hoi của chị có màu sắc tươi sắc với cái kết có hậu. Trong đó, “Vùng xanh” gây ấn tượng với BTV hơn cả. Nhân vật chính tên Sâm cũng là người “yêu rồi cưới” nhưng điều đó cũng phải là tấm vé đảm bảo cho hạnh phúc gia đình. Có những điều khi yêu đương người ta không nhận ra sự xô lệch nhưng hôn nhân lại như một chiếc kính hiển vi, soi rõ và thậm chí khuếch đại khuyết điểm của từng người. Giống như một câu nói vui: “Tình yêu là đi từ lúc chứa chan đến lúc chán chưa”, hôn nhân khiến người ta ngỡ ngàng với cảnh đồng sàng dị mộng, nhìn mãi, ngắm mãi mà không thấy nét nào của người đã từng làm mình đắm say. Sâm cũng không phải là một ngoại lệ. Tuy nhiên, cô may mắn hơn khi trong khoảng thời gian xa chồng vì dịch bệnh Covid 19, cô mới chợt nhận ra chính mình cũng có lúc vô tâm, ích kỉ trong gia đình này. Khép lại bằng một cái kết có hậu, “Vùng xanh” hẳn sẽ khiến nhiều người thấy ấm áp. Tác phẩm cũng nhắc nhở một cách nhẹ nhàng về sự sẻ chia trong đời sống vợ chồng, điều mà nếu thiếu đi, ta chỉ còn là những người lạ chung nhà mà thôi. (Lời bình của BTV Nguyễn Hà)
Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu vốn là một nhà nho giàu lòng yêu nước, nhưng vì hoàn cảnh mù lòa mà không thể phất cờ khởi nghĩa như các bậc anh hào như Trương Định, Phan Công Tòng, Thủ khoa Huân. Dẫu vậy, cũng như Nhà yêu nước Phan Văn Trị, bằng tài năng sáng tác thơ văn, cụ Đồ Chiểu đã thành công trong việc biến ngòi bút thành vũ khí chiến đấu sắc bén để phụng sự lý tưởng giải phóng dân tộc. Buổi “Tìm trong kho báu” hôm nay của Ban VHNT VOV6 tập trung soi sáng tâm niệm ấy.
Không có những đoạn miêu tả đầy sức gợi như truyện ngắn “Chiếc lá cuối cùng”, “Tên trộm hoàn lương” dày đặc chi tiết qua những lời kể mang tính hiện thực khách quan. Nhân vật chính của truyện là một tên trộm két sắt với bàn tay vàng và bộ đồ nghề có một không hai. Gã chưa bao giờ thất bại trong các phi vụ lớn và luôn có những mánh lới để qua mắt cảnh sát. Như bao người khác Jimmy nuôi mộng rửa tay gác kiếm, làm ăn chân chính khi mắc lưới tình. Nhưng cuộc đời éo le ở chỗ chính vào lúc đỉnh điểm khát khao sắp thành hiện thực, Jimmy lại phải giở ngón nghề cũ để cứu nguy cho cháu bé con chị gái của vợ sắp cưới. Đứng trước tình thế nguy khốn, cùng với bàn tay tài hoa thì lương tri con người trong tên trộm được kích hoạt. Gã đã hành động kịp thời mà không mang tới việc tất cả đã tố cáo quá khứ cố che giấu bấy lâu nay. Và như cởi được gánh nặng đè nén tâm can, Jimmy sẵn sàng cúi đầu nhận tội, đối mặt với hình phạt đích đáng cho các phi vụ trộm két sắt ngân hàng trước đó. Nhưng bất ngờ thay, và cũng vỡ òa trong một cử chỉ đẹp đến ngỡ ngàng mà nhà văn O.Henry đã trao cho nhân vật người chánh thanh tra trực tiếp nhận nhiệm vụ bắt giữ tên trộm khi đã có đầy đủ chứng cứ trong tay. Một truyện ngắn mà cái kết đã chạm và thỏa được ý nguyện của độc giả.
Truyện ngắn mang phong cách dã sử khi đưa chúng ta trở lại không gian xưa dưới thời phong kiến loạn lạc. Người dân nhất là người phụ nữ chịu nhiều cực khổ, họ không làm chủ được số phận của mình. Nhân vật cô gái Trúc Nhã chính là một nạn nhân của xã hội xưa. Là người con gái xinh đẹp đang tuổi đôi mươi, Trúc Nhã bị ép làm thiếp tên Đinh Phiệt, tuần phủ Quy Nhơn. Để cứu người yêu, Vi Thượng đã đến cậy nhờ huynh đệ kết nghĩa là Lía cứu giúp. Nhưng ai ngờ Lía vì tham luyến sắc đẹp của Trúc Nhã mà hãm hại Vi Thượng. Cuối cùng trải qua biến cố thăng trầm, Vi Thượng và Trúc Nhã đã đoàn tụ cùng nhau trong niềm hạnh phúc. Với đề tài tình yêu đôi lứa, truyện ngắn đã mang lại nhiều cảm xúc cho người đọc, người nghe. Chúng ta vui sướng trước hạnh phúc lứa đôi của Vi Thượng và Trúc Nhã, phẫn uất trước hành động cướp đoạt dân nữ của bọn tham quan ô lại, kinh ngạc và giận dữ vì sự phản bội của Lía. Truyện ngắn có những biến cố, những nút thắt bất ngờ cuốn hút người đọc, người nghe. Qua tình duyên của hai nhân vật chính, tác giả thể hiện được phần nào sắc thái chữ Tình. Vì tình mà Vi Thượng và Trúc Nhã đã vượt qua chông gai để đến với nhau, vì tình mà Lía phản bội lại người ân của mình, vì tình mà Định Phiệt mất mạng … Truyện ngắn rất giàu chất liệu để trở thành một kịch bản phim về đề tài dã sử khi có tình yêu, có ân nghĩa huynh đệ, có đấu tranh giai cấp, có sự phản bội, có sự hối lỗi hấp dẫn người xem. Tiếng thở dài của Lía trước khi quay người bỏ đi là cái kết đẹp của câu chuyện. Cánh én mùa xuân mừng vui hạnh phúc lứa đôi của Trúc Nhã và Vi Thượng cũng xua đi những xấu xa, đê hèn trong tâm hồn Lía. (Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)
Hướng tới ý nghĩa nhân văn tốt đẹp, cuộc thi thơ với chủ đề “Sống và hy vọng” bước đầu đã nhận được sự hưởng ứng tham gia của đông đảo các tác giả, người yêu thơ. Các đơn vị: Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên, Ban Văn học Nghệ thuật VOV6 và Diễn đàn văn học Quán Chiêu Văn đã cùng bắt tay tổ chức một cuộc thi mà chỉ trong một thời gian ngắn sau khi phát động đã cho thấy những kết quả bước đầu đáng hi vọng.
Nói về thơ văn Đồ Chiểu, nhà thơ Xuân Diệu ngợi ca: “Ngôn ngữ trong thơ ông “là thứ ngôn ngữ bình dân, chân thực, thông dụng, thực tế, có cái vị thơm, cái hương lành của cây trái Nam Bộ – cái hương vị văn miền Nam”. Giáo sư Lê Trí Viễn nhận định Nguyễn Đình Chiểu vừa là “thầy học giữa làng” vừa là “thầy lang cuối xóm”. Trong ông, có “ba con người trí thức”. Đó là “thầy thuốc, thầy giáo, và nhà thơ”. Giáo sư Trần Văn Giàu cho rằng nhiều câu thơ của Nguyễn Đình Chiểu không cần gọt giũa mà vẫn nói được nhiều điều đơn giản, thẳng thắn, có khi “còn nguyên thuỷ của người Nam Bộ”. Theo Nhà Phê bình Lê Xuân – Người dành nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu và khám phá vẻ đẹp của văn hóa - văn nghệ dân gian Nam bộ thì sự nghiệp sáng tác của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu gắn liền với vận mệnh đất nước và nhân dân Nam Bộ trong một giai đoạn lịch sử đầy bi tráng. Thơ văn của ông là hơi thở, là ý tình của người dân Nam Bộ
Nhà văn Nông Quang Khiêm từng tâm sự: “Tôi sinh ra ở miền núi, trong một bản nhỏ ven hồ Thác Bà thơ mộng, thấm đẫm không gian văn hóa Tày. Cuộc sống mới tràn về, cái bản nhỏ ấy đang cựa quậy theo nhịp sống hiện đại. Những con người, những mảnh đời, những thân phận nơi tôi sống, tôi chứng kiến, chỉ cần kể lại thôi cũng thành một truyện ngắn rồi…”. Truyện ngắn Bản Hảu xa xôi mà các bạn vừa nghe dường như cũng ra đời trong một tâm thế như thế; tác giả không cần dụng công nhiều, chỉ kể lại một cách dung dị, mộc mạc và chân thành về số phận những con người miền núi, quanh quẩn với mưu sinh, có lúc rối bời trong những mối quan hệ chằng chịt hay phải đối mặt với tình huống éo le, song truyện có sức ám ảnh và khơi gợi được sự đồng cảm nơi người nghe. Có thể nói, Bản Hảu xa xôi là hành trình của những cuộc tìm kiếm. Mặc cảm vì mắc bệnh phong, ông Kẹn bỏ nhà ra đi. Không nỡ để ông cô đơn chống chọi với bệnh tật, bà Kẹn đã để con gái ở nhà một mình rồi lên đường tìm chồng. Không lâu sau, Son cũng đi tìm bố mẹ. Lình lại đi tìm Son. Song nếu như vợ tìm chồng, con tìm cha mẹ xuất phát từ tình cảm gia đình máu mủ ruột rà thì việc Lình tìm Son lại đến từ tình yêu, sự sẻ chia. Thiết nghĩ, chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ cảm động, vì Lình đã vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân, sự kỳ thị của bà con dân bản, sự ngăn cản của cha mẹ để đến với Son. Nhưng cảm động hơn, lớn lao hơn chính là việc Lình tình nguyện ở lại bản Hảu để cùng sống, cùng làm việc, giúp đỡ bà con nơi đây và đặc biệt là dạy cái chữ cho trẻ em.
Bản Hảu xa xôi, nhưng thật ra không xa xôi, nó thật gần trong tâm tưởng, trong ý nghĩ, trong tình cảm của những con người có trái tim nồng ấm, biết hy sinh, cống hiến vì người khác. Vì thế, đọng lại trong người nghe là một câu chuyện ấm áp, toát lên khát vọng sống, tình yêu và lòng vị tha của con người./.
Nhắc đến Trần Vàng Sao là nhắc đến bài thơ nổi tiếng của ông Bài thơ của một người yêu nước mình được viết vào tháng 12/1967 và ngay lập tức được lan tỏa rộng rãi trong đời sống văn học trên cả nước suốt hơn nửa thế kỷ qua. Khi còn sống, Trần Vàng Sao chưa từng được xuất bản chính thức một tập thơ nào, chỉ thi thoảng đăng rải rác một vài bài thơ lẻ. Năm 2020, lần đầu tiên một tuyển thơ của ông được xuất bản chính thức do NXB Hội nhà văn và Công ty Nhã Nam cùng hợp tác phát hành. Đầu tháng 11 năm ngoái, tập thơ Bài thơ của một người yêu nước mình của Trần Vàng Sao được trao Giải thưởng Sách quốc gia năm 2021. Chương trình Đôi bạn văn chương nhân sự kiện này muốn dành một cuộc trò chuyện về chân dung thơ Trần Vàng Sao qua thi tập này.
Sinh thời, Nhà Cách mạng, Giáo sư Trần Văn Giàu từng nhận định: “Sở dĩ người Việt Nam ở miền Nam thích truyện “Lục Vân Tiên” trước hết là vì họ thấy mình trong các nhân vật tích cực được ca tụng trong truyện, y như Nguyễn Đình Chiểu nói về họ. Có gì thích thú hơn là đọc truyện mà thấy chính mình trong truyện?”. Dẫn ra như vậy để thấy rằng truyện thơ tiêu biểu của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu có một vị trí đặc biệt trong tâm thức tiếp nhận của công chúng, độc giả Nam bộ. Tác giả Đăng Huỳnh, khi nghiên cứu về tầm ảnh hưởng, sức lan tỏa của “Lục Vân Tiên” ở phương Nam đã đi vào cụ thể các câu đố, ca dao, tục ngữ, dân nhạc lấy cảm hứng từ tác phẩm này
Trong kiệt tác U mộng ảnh của danh sĩ Trương Trào, có một câu được nhiều người tâm đắc: “Văn chương bất hủ cổ kim đều viết bằng huyết lệ”. Điều ấy cũng có nghĩa là, văn chương luôn luôn đồng hành cùng nỗi đau của con người, biết cúi xuống tận cùng để lắng nghe những buồn thương của bao số phận. Người phụ nữ mang tên Hảo trong truyện ngắn của Vũ Đảm chúng ta vừa nghe là một số phận như thế. Tên chị là Hảo nhưng cuộc đời của chị lại không được suôn sẻ, tốt đẹp như nhiều người. Vừa là gái lỡ thì lại vừa xấu, chị Hảo bị lừa tình rồi bị phụ bạc, người tình bỏ lại chị cùng giọt máu trong bụng đang lớn dần từng ngày. Chị Hảo bị giằng xé giữa hai lựa chọn: giữ đứa trẻ lại hay bỏ đi. Sau cùng, mặc cho những người thân trong gia đình, cụ thể là các anh trai quyết liệt phản đối, bắt phải bỏ cái thai, Hảo vẫn quyết định giữ lại đứa trẻ và vùng chạy khỏi phòng hút điều hòa. May mắn cho Hảo khi cuộc đời luôn có những người tốt bụng, sẵn sàng mở vòng tay để giúp đỡ chị một cách vô tư. Nhưng những lòng tốt như vậy đôi khi cũng không thể kéo dài được mãi, Hảo cuối cùng cũng bị đẩy ra đường trong hoàn cảnh sắp đến ngày sinh nở. Và sự lựa chọn cuối cùng của chị vẫn phải là trở về nhà, chấp nhận mọi búa rìu sẵn sàng đổ xuống đầu. Thật bất ngờ khi các anh trai của Hảo không nhiếc mắng gì, lại giao cho Hảo nhiệm vụ kéo dài sự sống của ông ngoại để phục vụ cho những mưu đồ chính trị của họ. Và điều bất ngờ lớn nhất là câu nói cuối cùng của ông ngoại trước khi lìa đời, đã khuyên Hảo kiếm lấy một đứa con để nương tựa lúc về già, điều ấy như một đảm bảo vàng cho sự an toàn của Hảo, ngược lại hẳn với ý định ban đầu của các anh trai bắt Hảo phải bỏ thai. Kịch tính của truyện được đẩy lên tột độ chính khi ông ngoại trút hơi thở cuối cùng cũng là lúc Hảo trở dạ trong cơn xúc động nghẹn ngào, và tiếng khóc chào đời của đứa trẻ cũng đồng thời vang lên trong chính căn phòng của ông ngoại.
Một thông điệp nhân văn và sâu sắc mà tác giả muốn gửi tới mỗi người đọc: Sự sống của mỗi sinh linh luôn là điều vĩ đại nhất, nó vượt lên trên mọi tính toán hèn mọn về danh lợi. Không ai có quyền tước đoạt khát vọng được làm mẹ, không ai được phép hủy hoại những mầm sống bé bỏng vô tội. Câu chuyện chúng ta vừa nghe càng lay động lòng người hơn nữa bởi nó được kể lại bằng giọng của chính đứa bé trong hành trình chào đời đầy gian nan của mình (Lời bình của BTV Đỗ Anh Vũ)
Câu chuyện bắt đầu từ chiếc đồng hồ của người đã khuất và hành xử của nhân vật Hắn với người yêu của người bạn đã hy sinh . Hành xử của Hắn thể hiện nhân cách hắn . Hắn đã không một lần trung thực với lời hứa với người đã khuất, không một lần trung thực với người yêu của bạn. Sau là vợ của hắn . Hắn đã phải trả giá đắt cho sự thiếu trung thực đó của mình. Tác giả sử dụng bút pháp hiện thực huyền ảo trong câu chuyện. Nó được miêu tả giống như những giấc mộng du, những giấc mơ nửa hư nửa thực, dằn vặt, ám ảnh hắn không để cho hắn sống thanh thản. Đầu tiên là sự bỏ đi mất tích của người vợ, không biết còn sống hay đã chết khi phát hiện ra sự dối trá của hắn . Tiếp đó là sự hiện diện của ngươi đàn ông áo đen và người đàn bà áo trắng trong những cơn mộng du của hắn . Thủ pháp này không còn là mới mẻ với người viết hiện nay. Song với một cây bút lành nghề như nhà văn Đức Ban – thủ pháp này được vận dụng một cách tự nhiên , khá nhuyễn khiến truyện lôi cuốn từ những dòng đầu, khi tạo dựng không gian truyện , khiến tốc độ truyện đi nhanh mặc dù cốt truyện không có gì mới. Mượn các yếu tố mang tính tâm linh nhà văn Đức Ban muốn nhắn nhủ những vấn đề đạo đức của con người, về cái nghiệp phải trả cho những hành động sai trái của mình. Một lần nữa truyện cảnh tỉnh con người ta về nhân tính, về nhân cách sống. Chất lượng sống phụ thuộc vào tinh thần sống, hành vi sống của mỗi chúng ta. Sống sao để thanh thản, không cảm thấy ân hận và nuối tiếc. (Lời bình của BTV Lê Tuyết Mai)