Truyện lấy bối cảnh ở một khu phố ven sông Hồng. Ở đó, có sự giao thoa giữa phố và làng, giữa đô thị và nông thôn. Nhà cửa mọc san sát, che kín những khoảng trời, người xe tấp nập qua lại. Men theo lối mòn đi xuống sông sẽ gặp bãi ngô, vườn cải và con sông bốn mùa đỏ nước. Về không gian, tác giả đã tạo được độ thoáng cần thiết cho tác phẩm, xuyên suốt bài viết là sự gần gũi giữa con người và thiên nhiên. Sống trong căn nhà nhỏ, bị những tòa nhà cao tầng che khuất tầm nhìn nhưng Vân vẫn tìm thấy một khoảng trời nhỏ để hít thở và giao hoà với thiên nhiên. Tác giả làm hẹp không gian sống của Vân đồng thời mở ra một không gian khác thoáng đãng, thi vị hơn. Khi đi vào đặc tả, lựa chọn tình tiết... bằng vốn ngôn ngữ riêng tác giả đã viết rất cuốn hút và khác lạ. Tác giả dùng hình ảnh dân dã, mộc mạc, xưa cũ để tạo hiệu ứng cảm xúc cho câu văn. Hoa cải, con gà trống, ông lái đò, dòng sông, màn sương... được nhắc tới nhiều lần nhưng không nhàm hay trùng lặp. Mỗi lần hiện lên, các hình ảnh sẽ có dáng vẻ mới, ngôn từ mới, khía cạnh mới, cảm xúc mới. Truyện có hai chi tiết đột phá tạo nên cao trào, gây xúc động mạnh với người đọc. Sản phụ bị nhiễm cô vít được chỉ định mổ gấp và Vân, vợ của Hùng phải mổ đẻ vì kiệt sức. Hùng là bác sĩ trực tiếp mổ bắt con cho sản phụ bị “cô vít”. Anh dùng chính bức ảnh siêu âm 4D của con gái để cầu xin sản phụ giúp đỡ mình. Cả hai đều bị ranh giới của sự sống và cái chết dồn đuổi. Nếu anh trễ một giây hoặc người mẹ bỏ cuộc sớm một giây, tất cả sẽ là dấu chấm hết cho một hành trình gian khổ. Người mẹ đã giúp Hùng tìm thấy ánh sáng cho đứa trẻ. Một cuộc vượt cạn cân não và ngoạn mục. Người mẹ đã trao lại sự sống, đặt trọn tình yêu và tâm sức vào đứa con bé bỏng. Người mẹ đã trút thở nhưng em bé sẽ tiếp tục khát vọng sống của mẹ. Khi Hùng phải thở máy vì “cô vít”, Vân vào viện vượt cạn một mình. “Chửa đẻ là cửa mả”, lần đầu tiên làm mẹ với Vân không dễ dàng gì. Hai người đàn bà cùng lên bàn đẻ, cuộc vượt cạn nào cũng phải trải qua khổ ải, sống trong những giây phút kịch tính, nghẹt thở. Ở thời khắc, sự sống chỉ được tính bằng giây con người không còn màng tới điều gì ngoài máu mủ và tình thân. Thời khắc đó họ tự sản sinh kháng thể cho mình; bằng khao khát sống, tình yêu, giấc mơ đoàn tụ họ đã vượt qua cái chết. Trong tuyến nhân vật được xây dựng có hình ảnh ông lái đò. Không lời thoại, không sự tương tác nào xảy ra nhưng sự xuất hiện của ông lái đò, con gà trống đã tạo ra một khoảng lặng khiến chúng ta phải suy ngẫm. Nơi ông lão sống, từ làng lên phố chỉ cách mấy bước chân, nhịp sống vẫn chậm rãi tiếp diễn. Ở đâu đó, sự sống vẫn âm thầm nảy sinh, bình thản đi qua đại dịch. Kết truyện… mùa xuân về bên bờ bãi, một không khí Tết trầm ấm tràn ra phố, len lỏi vào lòng người. Màn sương ẩm mịn bị xé tan bởi “tiếng gõ cửa” nhiệm màu. Tất cả cùng vào một khung hình đẹp. Sự hội tụ của những khát vọng sống bình dị đã xua đi cái giá lạnh của mùa đông, nỗi buồn của chia ly, dấy lên những hi vọng mới trong ngày mới. Một câu chuyện đẹp với bức thông điệp nhân văn. “Ai cũng một lần được sinh ra, nếu còn thở sao chúng ta không nghĩ về sự sống, đấu tranh để được tái sinh. Sự sống thật kỳ diệu, không ai được từ bỏ dù có lúc thấy kiệt sức muốn ngủ một giấc dài. Còn sống là còn làm lại, còn bắt đầu, còn tiếp tục đổi đời và hi vọng”. Phải chăng, chúng ta vốn dĩ là những chiếc lá? “Sau tất cả… còn nhìn thấy ánh sáng là còn tin vào cuộc sống, còn sống là còn hấp thu ánh sáng để quang hợp và xanh (Lời bình của BTV Vân Khánh)