“Nhàn”: Gian truân đời người phụ nữ20/10/2021

Nhiều vấn đề của nông thôn như đất đai, thói đời, sự tham lam ích kỷ... được đề cập trong truyện ngắn này nhưng nổi lên vẫn là thân phận người phụ nữ. Dường như đã ăn vào máu, người phụ nữ nông thôn bao đời nay vẫn luôn cam chịu. Với người phụ nữ ít học, nhà nghèo và hình thức xấu xí, sự mặc cảm cam chịu còn lớn hơn . Họ nhẫn nhịn, chịu thiệt thòi, tự cho mình không được hưởng một đặc ân gì. Và ở mỗi làng quê dường như vẫn luôn tồn tại vài ba số phận kiểu như nhân vật Nhàn trong truyện ngắn chúng ta vừa nghe. Có người đến cưới hỏi mình , Nhàn cho đó như một đặc ân vậy, mừng lắm rồi, còn đâu dám đòi hỏi, hay thắc mắc gì . Nghiễm nhiên Nhàn trở thành người hầu gái, người làm không công, trông nom bố mẹ già cho chồng hờ. Nỗi niềm nội tâm nhân vật Nhàn được tác giả tập trung thể hiện qua giọng điệu tự sự. Nhân vật Nhàn hiểu xấu xí là một sự yếm thế. Và nhan sắc với phụ nữ là một tài sản, một ưu thế . Song cái nết đánh chết cái đẹp. Ngoài vẻ hình thức không được bằng người, Nhàn là một phụ nữ phúc hậu nhân ái . Có thể thấy điều đó ở chi tiết bấy lâu biết chồng hờ hững lợi dụng nhưng Nhàn vẫn chăm sóc tử tế bố mẹ chồng , thời gian rảnh chạy sang nhà mẫu giáo phụ giúp, chơi với lũ trẻ. Già nửa đầu, truyện được kể một cách từ tốn theo dòng tự sự của nhân vật, bình lặng có phần buồn tẻ, kém gây ấn tượng nếu không có những biến cố ở cuối truyện. Đó là chi tiết chồng Nhàn cùng cô vợ bên trời Tây trở về giải quyết tài sản đất đai khi bố mẹ họ mất. Tới đây thói đời được phơi bày, bản chất xấu xa vô liêm xỉ của con người mới lộ diện. Chỉ có Nhàn – như bông sen giữa bùn lầy là ngờ nghệch, lạc lõng đứng ngoài. Dẫu sao chi tiết cuối với sự hiện diện của người chị chồng và việc làm ít nhiều còn mang tình người đã lấy lại công bằng cho Nhàn . Chi tiết này cũng làm truyện sáng hơn và mang tính “vấn đề của một nông thôn thời hiện đại”. Đó là việc tranh chấp đất đai, và nhân vật Nhàn đã không cam chịu. Sau những thua thiệt, cuối cùng Nhàn cũng biết hành động có ý nghĩa, nhận phần đất xứng đáng được hưởng để xây trường mẫu giáo cho trẻ em trong làng. Chi tiết này cũng nâng truyện lên. Tạo một cái kết giúp truyện đứng được (Lời bình của Lê Tuyết Mai)

Thơ Nôm Phật giáo thời Trần

Thơ Nôm Phật giáo thời Trần 14/10/2021

Mười thế kỷ của văn học trung đại đã trải dấu ấn của nhiều đề tài, phong cách sáng tác làm nên kho báu di sản đồ sộ, đáng tự hào của dân tộc ta. Riêng với dòng thơ Nôm đã manh nha từ thời Lý rồi phát triển ở thời Trần đã ghi nhận các tác giả lớn như Phật hoàng Trần Nhân Tông, Thiền sư Huyền Quang – Lý Đạo Tái. Từ đó, hình thành nên dòng thơ Nôm của các Thiền sư, của người tu hành thông qua các bài phú, bài kệ, những bài thơ Đường luật Quốc âm. Chương trình “Tìm trong kho báu” hôm nay lật giở lại ngọn nguồn của dòng thơ Nôm thiền sư với những giá trị độc đáo.

"Nguyễn Quang Hưng 68": Lục bát đốt tay 9/10/2021

Lựa chọn lối thơ truyền thống hay hiện đại? Nhà thơ viết gì trong những ngày này? Đó là những câu hỏi xoay quanh sáng tác của các tác giả đã phần nào khẳng định, lan tỏa được giọng thơ, tiếng thơ những năm gần đây. Trong khoảng thời gian gần 1 năm qua, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng lần lượt ra mắt độc giả 3 tập thơ: “Mùa biến động”, “Mùa biến ảo” và mới đây là “Nguyễn Quang Hưng 68”. Gần 50 bài lục bát trong tập thơ “Nguyễn Quang Hưng 68” cùng với những tập thơ trước đó của anh với lối thơ đầy suy tưởng đã cho thấy những tìm tòi cách thể hiện ý tưởng không giới hạn hình thức. Đó cũng là tâm thế đầy năng động, hiện đại của người viết hôm nay.

“Chuông gió lanh canh”: Ngân rung những giai điệu tình yêu

“Chuông gió lanh canh”: Ngân rung những giai điệu tình yêu 7/10/2021

Câu chuyện được kể qua điểm nhìn của nhân vật kể chuyện xưng “tôi”, một cô bé tật nguyền-nhân viên lễ tân của khu nghỉ dưỡng. Tuy thiệt thòi về hình thể, nhưng Tôi lại được trời phú cho khả năng có thể nhìn thấy hết mọi thứ trong bóng đêm, bất chấp mọi vách ngăn, cánh cửa. Tôi có thể nhìn thấu tâm can, “đọc” được mọi suy nghĩ của người khác. Khả năng ấy và là người ngoài cuộc nên sự nhìn nhận, đánh giá về nhân vật “Chị” và mối quan hệ với hai người đàn ông vẻ như sẽ rõ ràng hơn, khách quan hơn. Đây là sự sáng tạo rất riêng của tác giả. Một câu chuyện tình éo le, nhưng tác giả không đi sâu khai thác khía cạnh mâu thuẫn, kịch tính, với những ghen tuông, trả thù mà chỉ đồng hành cùng người kể chuyện đồng cảm với tâm trạng của người phụ nữ. Người đọc người nghe cũng như nhân vật Tôi có thể đã thở phào nhẹ nhõm khi cái thai trong bụng của Chị-kết quả mối tình vụng trộm với Khanh bị hỏng. Rồi đây chị có thể trở lại cuộc sống vui vẻ bên chồng cùng ba đứa con và coi như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Thế nhưng, cái hay của truyện nằm ở chỗ, Chị đã thú nhận với chồng tất cả. Chị làm điều đó vì lương tâm không cho phép hay vì mặc cảm tội lỗi, vì xấu hổ? Thật khó có câu trả lời rạch ròi. Nhưng hẳn bạn đọc cũng cùng chung suy nghĩ với người biên tập rằng, Chị đáng thương hơn là đáng giận? Bởi, suy cho cùng cho dù như thế nào thì cuối cùng người chịu thiệt thòi nhất vẫn là người phụ nữ. Chuông gió chỉ lanh canh khi có gió. Chim sẻ chỉ bay về khi tiết trời nồng ấm… Chuông gió là chi tiết và cũng là cái tứ của truyện ngắn này. Chuông gió là một đồ vật trang trí, tạo âm thanh vui tai. Trong quan niệm của đạo Phật thì tĩnh là chết, động là sống. Do đó khi chuông gió phát ra những âm thanh sẽ giúp cho không gian mênh mang, sống động tạo cảm giác “sống” cho ngôi nhà. Tiếng chuông gió lanh canh, mỏng manh mà sắc nét. Tiếng chuông ấy sẽ ngân rung trong tâm hồn mẫn cảm của Chị những âm thanh và giai điệu của gió trời, của ước mơ, của hy vọng… Đi qua những xót xa, có lẽ mỗi người sẽ trân trọng và nâng niu nhiều hơn những gì mình đang có. Những éo le ngang trái của số phận như nói với chúng ta về sự bất toàn trong đời sống và tình yêu, luôn là điều không thể lường trước hết được. Đối diện với những bất toàn ấy, có lẽ luôn cần sự bình tĩnh và tấm lòng bao dung. (Lời bình của BTV Vũ Hà)

"Thơ Nôm Nho tướng Ngô Phúc Lâm” 7/10/2021

“Giáo tử phú” của Mạc Đĩnh Chi được coi là một trong những áng thơ Nôm cổ nhất còn lưu lại tới hôm nay. Điều đó cho thấy từ rằng ngay từ buổi ban sơ, thơ ca Quốc âm đã hướng tới việc định hình nhân cách con người từ việc gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống. Phương thức dạy con qua thơ ca Quốc âm tiếp nối qua nhiều thế hệ nhà nho thời trung đại. Ngô Phúc Lâm, một nho tướng xuất thân từ là gia tộc hiển hách đất Trảo Nha thời Lê Trung Hưng cũng có một chùm bài dạy con có nhan đề “Huấn tử thi”.

Những bài thơ Hà Nội

Những bài thơ Hà Nội 7/10/2021

Thăng Long – Hà Nội từ bao đời nay đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận của bao tác phẩm nghệ thuật, trong đó có thi ca. Thăng Long – Hà Nội vừa đồng hành cùng lịch sử dân tộc, vừa đồng hành cùng số phận bao con người. Nhân dịp kỷ niệm 67 năm ngày Giải phóng Thủ đô, chương trình Đôi bạn văn chương của Ban VHNT lần này muốn gửi tới quý vị thính giả một cuộc trò chuyện với tên gọi: Những bài thơ Hà Nội với mong muốn cùng làm một cuộc viễn du về Hà Nội trong thơ từ cổ điển cho tới hiện đại.

"Ăn ký ức": Tan vỡ một tình yêu 4/10/2021

Truyện “Giọt đắng” của tác giả Đức Hậu và truyện “Ăn ký ức” của tác giả Nguyễn Hồng đều viết về đề tài tình yêu đôi lứa với những trắc trở đắng cay. Nếu “Giọt đắng” phơi bày hiện thực nghiệt ngã của cuộc sống với những tình tiết có thể khiến độc giả bị sốc thì “Ăn ký ức” lại có chút bảng lảng, mơ hồ sau một cuộc tình đột ngột đứt đoạn. Trong đó, xét về phương diện kĩ thuật viết, truyện “Ăn ký ức” có phần ấn tượng hơn. Nhân vật “tôi” và “gã” xuất hiện trong những mảnh kí ức rời rạc. Trong khi “tôi” “can đảm nhấn nút dừng lại” thì “gã” gần như gục ngã sau khi người tình biến mất. Tác giả Nguyễn Hồng không sa đà vào việc kể lể chi tiết về một tình yêu đã cũ. Tất cả những gì người viết trải ra trên mặt giấy là những mảnh vụn kí ức, không đầu không cuối. Ở đó, người ta thấy một cuộc gặp gỡ rồi chia ly. Có điều sau cuộc chia ly ấy có người tiếp tục nhịp sống bình thường, kẻ lại chết dần chết mòn trong nỗi cô độc. Truyện viết sắc sảo, bày ra một thế giới nội tâm có phần tan nát – như nó vốn thế, sau một cuộc tình chẳng biết vì lẽ gì mà chấm dứt. Những chi tiết về cái chết được nhắc đi nhắc lại trong toàn bộ truyện ngắn. Có thể đó là một cái chết có thật, cũng có thể là cái chết của con tim khi “người đi một nửa hồn tôi mất – một nửa hồn tôi hóa dại khờ”. Cái chết lâm sàng ấy có lẽ chúng ta đều đã trải qua trong đời…

Nhà thơ Trần Trương không còn nhặt lại tháng ngày rơi

Nhà thơ Trần Trương không còn nhặt lại tháng ngày rơi 1/10/2021

Sinh năm 1941 tại Thanh Miện (Hải Dương), được đào tạo rồi công tác trong ngành lâm nghiệp, nhà thơ Trần Trương sau đó đi vào con đường báo chí, sáng tác. Tập thơ “Nhặt lại tháng ngày rơi” của ông được đánh giá đằm thắm, giàu chất thế sự, từng được trao giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Giờ đây, nhà thơ Trần Trương đã không còn “nhặt lại tháng ngày rơi”. Nhưng vẫn còn đó tinh thần sống và sáng tác: “Đừng e ngại những dòng sông rộng lớn/ Rồi cuối cùng ra biển cũng hòa tan/ Hãy nồng nàn như ca dao giản dị/ Sẽ suốt đời sống mãi với nhân gian”.

"Chiếc khăn xanh trên cửa sổ": Câu chuyện tình đẹp dở dang 30/9/2021

Câu chuyện chúng ta vừa nghe được kể lại bằng một giọng điệu chân thực với nhiều xúc cảm qua lời của Đức - nhân vật chính và tác giả là người chứng kiến. Đức xưng tôi và tác giả cũng xưng tôi. Hai chữ “tôi” như cùng hòa vào nhau trong một nỗi niềm quan tâm, đồng cảm và hơn thế nữa là xa xót, giữa một không gian tĩnh lặng, vừa dữ dội vừa đẹp huyền ảo. Khi câu chuyện của Đức kết thúc cũng là lúc gà gáy đủ sáu lần và trời vừa sáng. Câu chuyện tình đẹp mà dở dang buồn bã ám ảnh tất cả mỗi chúng ta, chạm vào tim độc giả một niềm trắc ẩn khôn nguôi. Vì chiến tranh, loạn lạc, vì những biến động thời cuộc mà trên đất nước này đã có biết bao nhiêu mối tình lỡ dở như thế. Không đến được với nhau để thành đôi thành lứa, hai người yêu nhau có khi còn mãi mãi chia lìa, cả đời không được gặp lại nhau. Trong truyện ngắn chúng ta vừa nghe, khi Đức có cơ hội quay về thăm cố hương thì người yêu thuở nào của anh sau 30 năm đằng đẵng chờ đợi cũng đã không còn trên đời. Chiếc khăn xanh trên cửa sổ là một chi tiết ám ảnh, đồng thời cũng là cái tứ đặc sắc cho thiên truyện. Màu xanh ấy tự nó mang một biểu tượng về hy vọng và đợi chờ, nhưng những đợi chờ ấy cứ mòn mỏi nhạt nhòa dần theo tháng năm. Nhưng dù người con gái có không còn nữa thì sự chờ đợi ấy vẫn kéo dài thêm mãi, cho tới ngày Đức quay về. Tình yêu và lòng chung thủy vì thế, theo một nghĩa nào đó, mãi thiêng liêng và không bao giờ chết. Khép lại câu chuyện, ta thấy cả Đức cũng như tác giả đều không cho người đọc biết người con gái đã đằng đẵng đợi chờ ấy có tên là gì. Có lẽ, đó cũng là một chủ ý của người viết chăng. Lòng chung thủy sắt son ấy có nhiều lắm trong muôn vàn những người phụ nữ ở xứ sở này và trên cõi đời này. Và việc không nhắc về một cái tên cụ thể có khi cũng làm nỗi đau nguôi ngoai hơn. Việc hàng trăm chiếc khăn xanh được treo trên cửa số, qua bao mùa nắng mưa, cứ bạc màu lại thay chiếc khác; rồi việc Đức lần tìm trên khắp những tuyến đường sắt ô cửa nào có treo chiếc khăn xanh là những chi tiết còn neo lại mãi trong lòng người đọc. Nghe và đọc truyện ngắn này xong, tôi nghĩ, mỗi người đàn ông sẽ biết thương yêu hơn người phụ nữ ở bên mình (Lời bình của BTV Đỗ Anh Vũ)

Quận He - Nguyễn Hữu Cầu và giai thoại về bài thơ Nôm

Quận He - Nguyễn Hữu Cầu và giai thoại về bài thơ Nôm "Chim trong lồng" 30/9/2021

Bên cạnh những tên tuổi lớn như Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều thì dòng thơ Nôm thời Lê trung hưng còn ghi nhận những tác giả như Lê Quý Đôn, Ngô Thì Sĩ, Nguyễn Thiếp, Nguyễn Cư Trinh, Mạc Thiên Tích, Nguyễn Hữu Cầu, các đời chúa Trịnh. Chương trình “Tìm trong kho báu” hôm nay điểm lại những phong cách, dấu ấn làm nên diện mạo của một giai đoạn lịch sử nhiều biến cố.

“Công tử”: Đi tìm ý nghĩa thực sự của cuộc sống

“Công tử”: Đi tìm ý nghĩa thực sự của cuộc sống 29/9/2021

Với giọng văn hóm hỉnh, châm biếm tác giả đã xây dựng lên một vị công tử có tính cách khá đặc biệt. Phúc là con một trong gia đình giàu có, ăn học tử tế, tốt nghiệp đại học và được vào làm trong một ngân hàng. Đó là điều kiện sống trong mơ của biết bao con người và đáng lẽ cuộc đời công tử Phúc phải đặc sắc lắm. Thế nhưng Phúc lại thấy đời thật tẻ nhạt vô vị. Nhân vật Phúc mà tác giả châm biếm đặt danh xưng là Y không buồn, không vui, không ham muốn gì, không phấn đấu mà cũng chả ăn chơi hư hỏng. Nói một câu xanh rờn là ở đời công tử nhạt hơn nước ốc. Với tâm lý, suy nghĩ sống thế nào cũng được khi mà mọi việc đã quá đủ đầy, cái gì cũng không phải lo nên Phúc nhìn mọi sự việc nhạt nhòa, thiếu cảm xúc. Để đời đỡ vô vị, Phúc nghỉ việc ở ngân hàng đi làm xe ôm. Được mấy năm làm xe ôm có chút sắc màu thì Phúc nhận được cú vấp đầu đời khi cô gái mình thích ở khu trọ cưới một chàng công tử. Từ đó Phúc quay trở lại cuộc sống ăn chơi khét tiếng của một công tử đất Hà Thành. Nhưng thực ra công tử Phúc vẫn đứng ngoài lề cuộc đời, không có gì khiến Y phải bận tâm. Từ việc người yêu là Miên không chiu nổi sự tẻ nhạt mà bỏ đi hay tin ông bố tự sát để trốn tội thì Phúc đón nhận với tâm thái dửng dưng, bình thản. Ngay cả việc từ một công tử giầu có trở thành kẻ trắng tay cũng không khiến Phúc bận tâm. Chỉ đến khi không một xu trong túi, ba ngày đói ăn thì bản năng xúc cảm của con người mới trỗi dậy. Đó là sự cay đắng, chua chát, xấu hổ khi nhân vật phải ăn xin sống qua ngày. Nhìn thấy chiếc vòng trên tay người phụ nữ tốt bụng, Phúc tưởng gặp lại người yêu cũ là Miến nên xấu hổ bỏ chạy. Cuộc đời, số phận công tử Phúc sẽ ra sao là một ẩn số với người đọc, người nghe nhưng dù sao nó không còn tẻ nhạt như xưa nữa. Đây là một truyện ngắn mang đến cho người đọc, người nghe nhiều suy ngẫm về hạnh phúc, về cảm xúc vui buồn, khát vọng, ý chí phấn đấu của con người...(Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)

"Thơ Việt thế hệ mới”: Lạc quan và đón đợi 27/9/2021

Nắm bắt được xu hướng tọa đàm, họp mặt trực tuyến trong điều kiện giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch Covid 19, mới đây, Chuyên đề Văn+, thuộc CLB Văn học trẻ - Hội nhà văn Hà Nội đã tổ chức thảo luận về chủ đề “Thơ Việt thế hệ mới”. Số lượng hơn 90 người, bao gồm các nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình đang sung sức tham gia thảo luận sôi nổi trong thời gian hơn 3 giờ đồng hồ đã cho thấy sức hấp dẫn, đa chiều trong tranh biện. Đây là một trong hai thảo luận được Chuyên đề Văn + của CLB Văn học trẻ - Hội nhà văn Hà Nội tổ chức thời gian gần đây nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng; Cũng là một mô hình hiệu quả, đáng học hỏi trong tình hình chưa thể tổ chức các tọa đàm trực tiếp do ảnh hưởng của dịch Covid 19.

Nhà thơ Trần Quang Đạo:

Nhà thơ Trần Quang Đạo: "Bay trong mơ" 24/9/2021

Giải thưởng văn học Asean trong hai năm 2019 và năm 2020 mới đây công bố các tác giả, tác phẩm được vinh danh. Cùng với nhà văn Võ Khắc Nghiêm với tiểu thuyết “Thị Lộ chính danh”, nhà thơ Trần Quang Đạo với tập thơ “Bay trong mơ” được chọn trao giải thưởng uy tín tầm cỡ khu vực này. Có thể nói tập “Bay trong mơ” – Tập thơ mang lại cho nhà thơ Trần Quang Đạo giải thưởng văn học Asean là kết quả của đằng đẵng 10 năm viết và chiêm nghiệm. Với số lượng lên tới 80 bài, tập thơ cho thấy Trần Quang Đạo vẫn đắm đuối với sáng tác và luôn tìm tòi vượt lên chính mình.

Phố trong ca từ Trịnh Công Sơn

Phố trong ca từ Trịnh Công Sơn 23/9/2021

Nhìn lại nền âm nhạc Việt Nam thế kỷ XX từ ca khúc, Trịnh Công Sơn là một tên tuổi lớn, dành được sự ái mộ của đông đảo các tầng lớp công chúng, là nhạc sĩ hiếm hoi của Việt Nam có tên trong Từ điển Bách khoa Pháp Les Million. Các ca khúc của ông, ngoài vẻ đẹp của giai điệu, còn được đánh giá rất cao ở chất thơ và sự gợi cảm của ca từ. Nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày mất của Trịnh Công Sơn, chương trình Đôi bạn văn chương lần này muốn dành một cuộc trò chuyện để nói về hình tượng phố trong những ca khúc của Trịnh Công Sơn

Nhân dạng người Ấn nhập cư trong truyện ngắn

Nhân dạng người Ấn nhập cư trong truyện ngắn "Người gác cổng chân chính" 23/9/2021

Chuyện kể về một người phụ nữ lớn tuổi tự nguyện quét dọn khu nhà ở tồi tàn của người nhập cư để đổi lấy một chỗ ngủ ngay dưới chân cầu thang. Điểm mấu chốt làm nên sức ám gợi của truyện ngắn này có lẽ là ở việc nhà văn đã chọn được những chi tiết rất đắt. Đó là hình ảnh chiếc chăn không thể tả tơi hơn của bà Boori Ma, là chiếc bồn rửa mới ở gầm cầu thang của khu nhà, là chùm chìa khóa và số tiền tiết kiệm giấu trong chiếc sari cũ kỹ, những hồi tưởng về một quá khứ lẫn lộn của người phụ nữ khốn khổ và cả lời hứa về một tấm chăn mới cho bà Boori Ma của cặp vợ chồng khá giả. Lối viết lạnh nhưng tinh tế, sắc bén, thiên về quan sát, ít biểu lộ cảm xúc, những trang văn của Jhumpa Lahiri tái tạo hiện thực cuộc sống của người Ấn nhập cư trong cộng đồng Mỹ. Đó là kết quả của phương pháp cấu trúc chặt chẽ, biểu hiện của trí tuệ tác giả trong sáng tác. Nhà văn không gieo rắc tình thương cho độc giả bằng cái nhìn chủ quan hay tô đậm điểm tích cực, một chiều của nhân vật mà để cảm xúc của độc giả nảy nở qua từng tình tiết. Nhờ đó, bà trao quyền cho độc giả được tự do tưởng tượng và khám phá về đặc tính và những uẩn khúc trong suy nghĩ, cuộc đời nhân vật. Chỉ là chuyện quẩn quanh tưởng không có gì đáng kể trong một khu nhà tồi tàn mà đọng lại những dư vị. Đó là chưa kể đến một cái kết thực sự nhói lòng. Diễn biến câu chuyện người phụ nữ cô độc, khốn khó tự nguyện gác cổng không công rồi vẫn bị đám người vô ơn xua đuổi, âm thầm gieo vào lòng mỗi chúng ta niềm xót thương. Mới hay trong cuộc sống bất trắc, khi con người dễ nuốt lời, vùi dập và phản trắc, lòng tốt, lòng hào hiệp phải song hành cùng với tình thương, niềm tin, niềm cảm thông, thậm chí còn cần đi cùng với cả lời hứa, lời cam kết. (Lời bình của BTV Võ Hà)

Mã QRCODE xem trên mobile
chương trình hôm nay
08h00 - 08h30 Điểm hẹn Văn nghệ
10h45 - 11h00 Văn nghệ thiếu nhi
13h00 - 13h30 Đọc truyện dài kỳ
18h15 - 18h30 Văn nghệ thiếu nhi
18h30 - 19h00 Điểm hẹn Văn nghệ
19h00 - 19h30 Đọc truyện dài kỳ
19h30 - 21h00 Sân khấu truyền thanh
21h45 - 22h00 Kể chuyện và Hát ru cho bé
22h30 - 23h00 Tiếng thơ