Thơ Nôm Lê Quý Đôn23/9/2021

Ngoài sự nghiệp chính trị, Lê Quý Đôn còn để lại cho đời sau một di sản tinh thần vô cùng quý giá, bao gồm gần 40 bộ sách mà nội dung đề cập đến hầu hết mọi lĩnh vực: kinh tế, chính trị, triết học, lịch sử, địa lý, ngôn ngữ, văn học… Trong đó có nhiều bộ nổi tiếng như: Đại Việt thông sử, Phủ biên tạp lục, Kiến văn tiểu lục, Bắc sứ thông lục, Vân đài loại ngữ, Quần thư khảo biện, Dịch kinh phu thuyết, Toàn Việt thi lục, Hoàng Việt văn hải... Tác phẩm của Lê Quý Đôn phần lớn được viết bằng chữ Hán. Ngoài ra, ông cũng sử dụng chữ Nôm để sáng tác văn học, để mô tả các giống lúa, cây cỏ hoặc diễn giải, chú thích các bộ kinh điển Nho học như Tứ thư ước giải, Thư kinh diễn nghĩa. Về sáng tác thơ ca, ông để lại tập thơ chữ Hán “Quế Đường thi tập” và một số sáng tác bằng chữ Nôm.

"Ký ức vui vẻ": Nỗi cô độc của nhà văn 20/9/2021

Với văn chương, ngay từ đầu, nhà văn Trần Nhã Thụy đã xác định lối đi không chiều lòng số đông, khi anh hướng đến những truyện không có chuyện, hay là chuyện đấy, nhưng không theo lối thông thường với rõ ràng mở đầu - kết thúc. Sẽ là khó cho ai đó muốn đọc rồi kể lại cho người khác nghe. Song, đọc văn của Trần Nhã Thụy rất thích. Đó là giọng văn được dụng công trong việc xây dựng không khí truyện. Truyện ngắn “Ký ức vui vẻ” mà các bạn vừa nghe cũng vậy. Không mâu thuẫn, xung đột. Truyện kể tự nhiên, cảm giác như mọi chuyện diễn ra như những gì vốn có ở mỗi buổi tụ tập, bù khú, nhậu nhẹt, tán gẫu. Cũng có món ăn ngon, rượu quý, cũng có những câu chuyện nổ như ngô rang. Nhưng giữa không khí ồn ã đó có một người vẻ như lạc lõng. Đó chính là nhân vật kể chuyện xưng Tôi-nhà văn (cũng có thể hiểu chính là tác giả). Không phải là nhà văn không có chuyện để kể mà anh ta thấy những chuyện bạn bè đã kể đều tầm phào, nhạt nhẽo. Hẳn là trong thâm tâm anh muốn kể những câu chuyện khác ý nghĩa hơn. Đó là ánh mắt ngây thơ, nụ cười của những em học trò miền núi; là niềm vui của người nông dân khi được tặng bò giống…Truyện ngắn này ra đời, theo như lời chia sẻ của tác giả là xuất phát từ những câu thơ trong bài “Có những lúc” của nhà thơ Lưu Quang Vũ: Có những lúc tâm hồn tôi rách nát/ Như một chiếc lá khô như một chồng gạch vụn/ Một tấm gương chẳng biết soi gì/ Một đáy giếng cạn không một hốc mắt đen sì/ Trời chật chội như chiếc lồng trống rỗng/ Thành phố đầy bụi bặm/ Những mặt người lì nhẵn chen nhau/ Có những lúc/ Tôi chán cả bạn bè/ Mấy năm rồi họ chẳng nói được câu gì mới/ Tôi bỏ ra đi, họ ngồi ở lại… Ký ức vui vẻ, thực ra chẳng có gì vui vẻ, những chuyện tẻ nhạt, hay là nỗi cô độc của một nhà văn được mô tả bằng phong cách hài hước, giễu nhại. Tuy nhiên, như lời nhân vật Toàn nói: “Thực tế thì đời sống cũng ít chuyện vui, nói đúng hơn là ít chuyện thực sự vui. Chúng ta không có những niềm vui lớn. Chúng ta có rất nhiều nỗi buồn nhỏ. Buồn thì… các kiểu”. Vì thế, cũng phải cười, phải vui lên để mà sống phải không các bạn?! (Lời bình của BTV Nguyễn Vũ Hà)

“Thư mùa dịch”: Nghĩa đồng bào vượt lên đại dịch

“Thư mùa dịch”: Nghĩa đồng bào vượt lên đại dịch 18/9/2021

Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy cùng khác giống nhưng chung một giàn.“Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ người trong một nước thì thương nhau cùng” - trải qua hàng nghìn đời chống chọi với những hiểm họa, thiên tai dịch bệnh để tồn tại và phát triển bao câu ca dao, tục ngữ đã được dân gian đúc rút, nhắn nhủ. Thêm huyền tích về bọc trăm trứng càng cho chúng ta ngẫm sâu hơn về hai chữ đồng bào. Khái niệm đồng bào tồn tại và thể hiện sức mạnh, vẻ đẹp vĩ đại của nó trong lịch sử, mỗi khi có những thử thách nguy nan, mỗi khi cần qui tụ sức lực, tâm trí của cải vì một mục đích chung, đưa lại những bài học máu thịt về sự gắn bó để cùng sinh tồn. Và những ngày khi cả nước phải đương đầu với dịch bệnh covid-19 mỗi chúng ta lại được thấm đẫm trong cảm xúc những câu chuyện về nghĩa đồng bào. Nhà thơ Nhà báo Nguyễn Quang Hưng chia sẻ với chúng ta về điều này qua một Tản văn gửi tới chương trình

“Văn mẫu- Hệ lụy trong tương lai”: Văn mẫu nhiều như nấm sau mưa- trách nhiệm thuộc về ai?

“Văn mẫu- Hệ lụy trong tương lai”: Văn mẫu nhiều như nấm sau mưa- trách nhiệm thuộc về ai? 16/9/2021

Giống như nhiều môn học khác trong chương trình phổ thông, môn Ngữ văn cũng rất cần sách tham khảo dành cho giáo viên và học sinh trong quá trình thị phạm và mở rộng kiến thức. Bên cạnh những cuốn sách phục vụ cho công tác dạy và học thì còn vô số các tài liệu văn mẫu đang được nhiều nhà xuất bản phát hành một cách tràn lan, thiếu kiểm soát. Phóng sự “Văn mẫu nhiều như nấm sau mưa- trách nhiệm thuộc về ai?" nằm trong vệt phóng sự nhiều kỳ “Văn mẫu- Hệ lụy trong tương lai” của BTV Dương Hà.

Thơ Nôm Trương Quỳnh Như

Thơ Nôm Trương Quỳnh Như 15/9/2021

Các số trước của chương trình “Tìm trong kho báu” đã đi vào thế giới sáng tác Quốc âm của Nhà thơ – Danh sĩ Phạm Thái thông qua các tác phẩm tiêu biểu như truyện thơ “Sơ kính tân trang”, bài phú “Chiến tụng Tây Hồ”, bài “Văn tế Trương Quỳnh Như”. Riêng tác phẩm “Sơ kính tân trang”, nội tại có những bài thơ Nôm đối đáp, xướng họa giữa hai nhân vật chính Phạm Kim và Trương Quỳnh Thư – Lấy nguyên mẫu từ cuộc tình và sáng tác của nhà thơ Phạm Thái và Trương Quỳnh Như. Từ đây, cũng hé lộ thân thế và tài năng của một nữ tác giả trong dòng thơ Nôm. Chương trình hôm nay giải mã phần nào nội dung, phong cách sáng tác ý nhị và độc đáo ấy.

“Văn mẫu- Hệ lụy trong tương lai”: Tác động 2 mặt của văn mẫu

“Văn mẫu- Hệ lụy trong tương lai”: Tác động 2 mặt của văn mẫu 15/9/2021

Cụm từ “văn mẫu” không phải bây giờ mới được nhắc tới, mà vấn đề này đã được xới xáo từ nhiều năm trước. Mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới là hướng tới hình thành phát triển năng lực, tư duy và phẩm chất của người học. Vì vậy vấn nạn văn mẫu lại một lần nữa gióng lên hồi chuông đòi hỏi cần có những thay quyết liệt trong toàn ngành. Để các em học sinh, vừa là đối tượng nhưng cũng là người thụ hưởng luôn cảm thấy hứng thú với môn Ngữ Văn, từ đó thêm yêu hơn vẻ đẹp thanh sắc của tiếng Việt. Vệt bài “Văn mẫu- Hệ lụy trong tương lai” của phóng viên Dương Hà (Ban Văn học nghệ thuật VOV6) sẽ giúp thính giả có góc nhìn khách quan về vấn đề này. Mở màn cho vệt bài là bài viết “Tác động 2 mặt của văn mẫu”.

“Người bán than ở Chí Linh”: Thăng trầm cuộc đời Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư

“Người bán than ở Chí Linh”: Thăng trầm cuộc đời Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư 14/9/2021

Truyện gắn “người bán than ở Chí Linh” viết về thời nhà Trần nhưng không đi sâu 3 lần chiến thắng vang dội của nhà Trần trước quân xâm lược Nguyên Mông mà đi vào đề tài giao thương của đất nước giai đoạn này. Nhân vật chính của câu chuyện là Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư, một con người có tài có tâm nhưng cuộc đời long đong trắc trở. Vì tha cho Sái Minh, một tù binh quân địch mà Nhân Huệ Vương bị đuổi khỏi hoàng cung. Giấu đi thân phận quyền quý, ông trở thành một người bán than ở Chí Linh. Khi nhận được chỉ của Hoàng thượng, Nhân Huệ Vương quay về triều cầm quân ra biên ải chống giặc. Những thăng trầm của cuộc đời khiến ông hiểu hơn cuộc sống dân tình thế thái. Những hi sinh mất mát thầm lặng của hàng triệu người dân trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, những khó khăn trong đời sống sinh kế của nhân dân. Truyện ngắn được viết theo dòng hồi tưởng, tự sự của nhân vật với nhiều cung bậc tình cảm khác nhau. Là sự chua chát trước bất công nơi triều chính, là tình cảm ân nghĩa khi nghĩ về người mẹ nuôi, về những người cưu mang, hi sinh để mình được sống, là sự đồng cảm với cuộc sống khó khăn của người dân., Trong xã hội phong kiến, những người buôn bán bị coi rẻ nhất. Từng là người dân bình thường đi bán than Nhân Huệ Vương hiểu hơn vai trò, địa vị của người thương lái trong cuộc sống. Chính vì vậy ông không ngại điều tiếng, không ngại chê trách của triều đình, Nhân Huệ Vương trực tiếp tham gia công việc buôn bán của người dân, góp phần giúp người dân đỡ cơ cực. Truyện ngắn nhiều chi tiết xúc động giúp người đọc, người nghe hiểu hơn về một gia đoạn lịch sử hào hùng của đất nước, hiểu hơn về một vị danh tướng lẫy lừng thời nhà Trần – Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư. (Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)

"Thư mùa dịch": Thế gian rực rỡ những ân tình 13/9/2021

Đại dịch covid -19 hoành hành thế giới 2 năm nay đã làm thay đổi, đảo lộn bao điều. Những dự định kế hoạch bị ngưng trệ, phá vỡ, bao nếp sinh hoạt bị mất đi song cũng lại có nhiều điều mới phát sinh, xuất hiện, nảy nở. Trong gian khó mới thấy rõ sức mạnh ý chí nghị lực, quyết tâm chiến thắng của mỗi con người không gì có thể khuất phục nổi. Trong điều kiện, với thông tin về con số nhiễm bệnh mỗi ngày lên tới hàng chục nghìn, số ca tử vong hàng trăm, vậy điều gì kiến chúng ta vẫn hy vọng, vẫn thắp niềm tin yêu và quyết tâm chiến thắng dịch bệnh nếu như không phải là cả bộ máy xã hội vẫn đang vận hành một cách tích cực, những bệnh viện dã chiến vẫn được mở thêm để phục vụ bệnh nhân, những dáng áo trắng của y bác sĩ, áo xanh tình nguyện vẫn ngày đêm không ngơi nghỉ chăm sóc bệnh nhân, những trạm tiêm vắc xin vẫn hoạt động hết công suất và đặc biệt những câu chuyện về lòng tốt, sự tử tế, công tác từ thiện, về nghĩa tình đồng bào sẻ chia ấm áp vẫn đang được tiếp nối nhân rộng. Tản văn “Thế gian rực rõ những ân tình” của nhà thơ Bình Nguyên Trang gửi đến chương trình như một đốm lửa ấm thắp lên cùng mỗi chúng ta

Gặp lại Tiếng thơ một thuở

Gặp lại Tiếng thơ một thuở 13/9/2021

"Gắn bó và chia xa, khắc ghi và quên lãng – Những thái cực khoảng cách, cảm xúc tưởng chẳng bao giờ gặp gỡ - Thế nhưng qua năm tháng, có những điều tưởng chừng như đã thành ký ức xa xăm, một khắc chạm vào, bỗng rộn ràng trở lại, tươi mới, hồn hậu. Đó là những xao động trong ý nghĩ của nhà thơ Nguyễn Thành Phong khi “Gặp lại Tiếng thơ một thuở".

"Sương còn giăng trắng núi": Câu chuyện tình éo le, ngang trái 10/9/2021

Trong làng văn, Hoàng Lệ Thủy có lẽ còn là một cái tên khá mới mẻ. Thế nhưng qua truyện ngắn này, tác giả đã cho thấy một bút pháp vững vàng, cách kể chuyện đầy lôi cuốn với những trang văn giàu cảm xúc. Câu chuyện được kể qua điểm nhìn của nhân vật “tôi”, là em gái của nhân vật nữ chính trong truyện. Cả hai nhân vật nữ - hai chị em ruột cùng các nhân vật phụ vây quanh đều không có một cái tên cụ thể, họ như bị hòa vào bầu không khí bảng lảng sương khói của một miền không gian sơn cước. Câu chuyện chúng ta vừa nghe là câu chuyện của những bi kịch chồng lên nhau. Cô chị đi lấy chồng trong tiếng gào khóc của em gái. Và rồi sau đó là những xót xa của cả gia đình khi thấy chị thường xuyên bị chồng đánh đập, bạo hành. Cuối cùng cuộc hôn nhân tan vỡ, người chị trở về nhà bố mẹ đẻ với đứa con địu trên lưng, có lẽ trong lòng cũng thầm xác định một cuộc sống an phận. Rồi cô em lại đến tuổi yêu đương. Trong tình yêu có ai học hết chữ Ngờ. Vào ngày hội xuân năm ấy, hai chị em đi hội và đều chạm phải tiếng sét ái tình với một chàng trai. Ngang trái bắt đầu nảy sinh ở chỗ chàng trai thích cô chị nhưng lại cưới cô em làm vợ, có lẽ bởi bước đầu anh ta chưa vượt qua được mặc cảm kết hôn với người con gái đã từng một lần đò. Hạnh phúc lấy được người con trai mình yêu của cô em không thể bù đắp cho nỗi buồn vì không sinh được con, cứ có thai ít lâu lại hỏng. Bi kịch của cô em nhân lên gấp đôi khi một ngày phát hiện chồng mình và chị gái ân ái ngay trong chính ngôi nhà mà hai chị em lớn lên từ thuở ấu thơ. Bắt đầu từ đây, những bi kịch chồng lên bi kịch. Bản thân cô chị cũng đau xót bẽ bàng, mang mặc cảm của người mắc lỗi, làm em gái đau khổ, phá đi hạnh phúc vợ chồng của em. Cô em thì vẫn rất yêu chồng và cũng không thể chà đạp lên người chị gái ruột thịt của mình. Éo le tiếp tục đẩy cao hơn nữa khi chị gái có bầu với người chồng chính thức của cô em. Vậy là một cuộc hoán đổi âm thầm diễn ra. Cô em lặng lẽ trở về nhà bố mẹ đẻ để thưa với bố mẹ mọi chuyện. Cô chị trở thành vợ chính thức của người chồng cô em, nhưng bước chân ra đi trong buồn bã. Những nỗi đau có lẽ rồi cũng nguôi ngoai, hạnh phúc của cô em dù dang dở nhưng sự hy sinh của cô biết đâu lại mang đến hạnh phúc thực sự cho người chị của mình, cũng là cho cả người cô từng chung chăn gối. Đi qua những xót xa, có lẽ mỗi người sẽ trân trọng và nâng niu nhiều hơn những gì mình đang có. Những éo le ngang trái của số phận như nói với chúng ta về sự bất toàn trong đời sống và tình yêu, luôn là điều không thể lường trước hết được. Đối diện với những bất toàn ấy, có lẽ luôn cần sự bình tĩnh và một lòng bao dung. (Lời bình của BTV Đỗ Anh Vũ)

Văn tế Nôm – Những dấu ấn

Văn tế Nôm – Những dấu ấn 9/9/2021

Trong 10 thế kỷ văn học trung đại, dòng sáng tác bằng Quốc âm có những chỗ đứng và giá trị riêng. Cùng với các thể văn vần sơ khai, phú Nôm, thơ Nôm “Hàn luật”, diễn ca lịch sử, ngâm khúc, truyện Nôm, thơ Nôm Đường luật thì Văn tế Nôm cũng có những sự phát triển về nội dung, hình thức nghệ thuật. Buổi “Tìm trong kho báu” hôm nay đi vào những dấu ấn của thể loại Văn tế Nôm qua phân tích và dẫn chứng các sáng tác tiêu biểu

"Phòng khách": Phơi bày bộ mặt thật của những kẻ hợm hĩnh 6/9/2021

Ngay từ nhan đề của truyện ngắn, “Phòng khách” đã dẫn dụ người đọc, người nghe về một sự thú vị. Không gian là cái phòng khách của gia đình đã mở ra những câu chuyện cười ra nước mắt. “Phòng khách” lấy bối cảnh là phòng khách của một ông có vai vế nào đó, nơi tổ chức các cuộc tiếp tân, nơi giới trí thức nghệ sỹ quốc nội rất năng lui tới để gặp gỡ Tây, tìm kiếm cơ hội xuất ngoại. Chúng ta bắt đầu cảm nhận được giọng văn vừa tưng tửng, vừa giễu nhại của nhà văn trong cách quan sát, miêu tả thật chi tiết, tường tận đến mỗi nhân vật, sự việc. Cái không khí của đổi mới, mở cửa hội nhập như thổi vào xã hội Việt Nam một nhiệt lượng cực mạnh, làm tất cả phải cuốn theo những cách chưa từng có trước đó. Người ta trở nên năng động hơn, khôn ngoan hơn, nắm bắt cơ hội tốt hơn nhưng không giấu được những nhố nhăng nực cười. Vì thế mà các nhân vật xuất hiện với những gương mặt khác nhau, thoạt trông thật oai vệ, đường hoàng nào giáo sư sử học, võ sư nói toàn giọng điệu nghiêm ngắn, học thức mà không giấu nổi những tật xấu cố hữu. Chi tiết lần lượt bộ cốc pha lê sáu cái chỉ còn sót một, số ấy nằm trong túi áo của vị giáo sư sau mỗi lần đến nhà uống rượu đàm đạo khiến cho người đọc, người nghe được phen cười ngả cười nghiêng, cười thật dài để rồi phải nghĩ thật lâu. Nhân vật tôi – người kể chuyện cứ lặng lẽ quan sát, ghi nhận, cố ghìm mình để không bật lên tiếng cười trước những hoạt cảnh đời sống khắc tạc cái xấu xí của người Việt khi bước vào hội nhập. Người kể chuyện có thể giấu được tiếng cười ẩn ý nhưng giọng văn tưng tửng, cách kể độc đáo, tung tóe những lớp sóng ngôn từ bụi bặm vỉa hè pha lẫn ngoa dụ làm cho người đọc, người nghe được phen cười ra nước mắt. “Lại những bóng người cầm ly rượu di chuyển khắp phòng tìm đầu ra đối tác bạn đồng nghiệp. Rượu đổ chỗ này. Đĩa vỡ chỗ kia. Cả đống giấy ăn vò nhàu ném hết xuống gầm bàn gầm ghế, thói quen Giao Chỉ khó bỏ. Tất cả vì một nền văn học, sử học, khoa học nhân văn, khoa học com piu tơ… Tôi đi dạo trong rừng khoa học lòng hoang mang chưa từng thấy…”, chỉ bấy nhiêu thôi đã đủ hình dung về một góc xã hội nực cười, méo mó đến nhường nào. Đằng sau câu chuyện là một câu hỏi đầy hoài nghi của nhà văn trước sự đổi thay xô bồ và rệu rã ấy…(Lời bình của BTV Vân Khánh)

Gửi Hà Nội từ tâm dịch Sài Gòn

Gửi Hà Nội từ tâm dịch Sài Gòn 6/9/2021

Những ngày này người dân nhiều nơi hẳn đều hướng về điểm nóng của tâm dịch Sài Gòn -TP.HCM. Họ là những người con của Sài Gòn đang xa Tổ quốc, là những người từng sống, từng làm việc hay từng ghé chơi miền đất hào phóng thân thiện và nhiều ấn tượng này, giờ đây đang gặp tai ương, để lại nhiều niềm thương, nỗi lo lắng. Vậy thì lá thư sau đây của một người bạn Sài Gòn giúp chúng ta hiểu thêm phần nào tâm thế, cuộc sống chiến đấu của người dân trong tâm dịch đã và đang kiên cường như thế nào để hướng tới mục tiêu chiến thắng đại dịch

Tính đối thoại trong

Tính đối thoại trong "Chiến tụng Tây Hồ phú" của Phạm Thái 1/9/2021

Sáng tác biểu hiện phần nào xuất xứ, bản lĩnh, hành trình cuộc đời của tác giả. Những điều này hoàn toàn trùng khớp với nhà thơ – danh sĩ Phạm Thái. Những dấu ấn trong sáng tạo của ông đều bắt nguồn từ thân thế, tính cách và cảm xúc của chính bản thân tác giả. Buổi “Tìm trong kho báu” hôm nay phác thảo chân dung nhà thơ Phạm Thái qua một số tác phẩm tiêu biểu của ông như “Sơ kính tân trang”, “Chiến tụng Tây Hồ phú”.

Thi sĩ Trúc Thông: Bờ sông vẫn gió

Thi sĩ Trúc Thông: Bờ sông vẫn gió 1/9/2021

Mỗi năm cứ bước vào tháng 9 là toàn thể những người làm phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam nói chung, các cán bộ của Ban Văn học Nghệ thuật nói riêng lại náo nức chuẩn bị chào đón ngày thành lập Đài, gắn với mùa thu cách mạng lịch sử 1945 của dân tộc. Trong chương trình Đôi bạn văn chương lần này, chúng tôi muốn dành một cuộc trò chuyện về chân dung nhà thơ Trúc Thông, một trong những gương mặt văn nghệ sĩ tiêu biểu của Đài, người đã dành nhiều công sức tâm huyết cho các chương trình văn nghệ, đặc biệt là chương trình Tiếng thơ trong suốt những năm tháng công tác cho đến khi nghỉ hưu.

Mã QRCODE xem trên mobile
chương trình hôm nay
08h00 - 08h30 Điểm hẹn Văn nghệ
10h45 - 11h00 Văn nghệ thiếu nhi
13h00 - 13h30 Đọc truyện dài kỳ
18h15 - 18h30 Văn nghệ thiếu nhi
18h30 - 19h00 Điểm hẹn Văn nghệ
19h00 - 19h30 Đọc truyện dài kỳ
19h30 - 21h00 Sân khấu truyền thanh
21h45 - 22h00 Kể chuyện và Hát ru cho bé
22h30 - 23h00 Tiếng thơ