Chúng ta vừa nghe hai câu chuyện ấm áp tình người của nhà văn Võ Thị Xuân Hà và nhà văn Nguyên Hương. Với những ai đã quen với văn chương của Võ Thị Xuân Hà, chắc sẽ có phần ngạc nhiên khi đọc “Mặt hồ lóng lánh hoa đào”. Văn chương của chị, với những biểu hiện đa dạng, thường khiến người ta chập chờn giữa cõi thực và cõi mộng, thậm chí có những lúc như lạc vào miền hư ảo xa xăm nào đấy. Với nhan đề đầy chất thơ, “Mặt hồ lóng lánh hoa đào” làm người đọc tưởng rằng sẽ bước vào miền hư ảo của nhà văn Võ Thị Xuân Hà. Nhưng không. Chị lại kể một câu chuyện đời thường có phần dữ dội về những mảnh đời trôi dạt trai trộm cắp, gái giang hồ. Khánh – nhân vật chính trong truyện, vốn là một tay buôn hàng trắng những đã biết quay đầu là bờ, cùng vợ buôn bán nhỏ ven hồ. Việc trồng đào là một sự ngẫu nhiên, thoạt đầu là làm cho vui nhưng sau lại thấy hứng thú. Đào nở trên khu đất đang chờ giải tỏa hóa ra lại trở thành niềm vui cho bao mảnh đời sa cơ lỡ vận như mặt mụn, mặt choắt, như cô gái bán hoa tên Huyền. “Mặt hồ lóng lánh hoa đào” thu hút từ nhan đề tới cách kể. Truyện được viết vắn gọn, súc tích. Hình ảnh hoa đào hoặc cây đào được nhắc đi nhắc lại xuyên suốt câu chuyện cũng mang tính ẩn dụ, gửi gắm thông điệp về tình người, rằng dẫu trên mảnh đất tạm bợ toàn những mảnh đời trôi dạt, vẫn còn đó sự ấm áp của tình thương, cũng như niềm tin về sự đoàn tụ sum vầy.
Cũng dung dị ấm áp như vậy, “Quà đi xa về” của nhà văn Nguyên Hương để lại nhiều ấn tượng với người đọc. Câu chuyện về người đàn ông đi chăm con gái nằm ổ vốn dĩ đã lạ lùng và gây lập tức thu hút sự chú ý. Tuy nhiên, phía sau câu chuyện ấy còn có nhiều điều cảm động hơn thế: một người đàn ông từ quê lên phố, lặng lẽ trồng cây làm đẹp cho cầu thang bộ ở chung cư, rồi khi từ phố về quê lại háo hức nhờ mấy bà hàng xóm mua cho cái khăn sặc sỡ tặng cho bà vợ tai biến. Vẫn với phong cách quen thuộc, nhà văn Nguyên Hương luôn tìm được những cốt truyện giản dị, những con người chân quê, và những điều tưởng chừng như không có gì nhưng lại khiến người đọc cay mắt. (Lời bình của BTV Nguyễn Hà)
Vẫn là nỗi ngậm ngùi như sau mọi cuộc tiễn đưa, sự ra đi của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm mới đây gieo niềm xúc động đến nhiều giới, nhiều người, nhiều lứa tuổi. Cũng bởi sức biểu cảm, truyền cảm của các sáng tác thơ Hoàng Nhuận Cầm thực sự sâu sắc, rung động. Nỗi “Thổn thức” mà chất thơ tác giả của những “Chiếc lá đầu tiên”, “Phương ấy”, “Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến” mang lại, nói như nhà thơ, nhà báo Trần Nhật Minh, “luôn rực lên một màu cảm xúc chói gắt”:
Truyện ngắn "Giữa cơn mưa trắng xóa" viết về cô gái có tên H’Linh rời buôn làng ra thành phố tìm cuộc sống mới. Niê Thanh Mai khéo lồng vào truyện một câu chuyện dân gian về ché đực đã hóa đá bên suối. Một trận lũ lớn đã đẩy ché cái vào nhà tù trưởng, và ché cái đang ở bên ché đực men sứ nào đó mà quên đi ché đực gốm sành. Ché đấy mà người đấy. Hồn ché, tình ché cũng là hồn người, tình người. H’Linh ra thành phố hay cái ché kia? Mẹ và chị gái bị chết vì lũ. H’Linh cũng không về, người thương là Y Woan chết vì nhớ mình cô cũng không về. Mặc cho cha với nỗi sầu muộn trong lòng, mặc cho anh rể luôn rộng mở vòng tay, vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân H’Linh nhất quyết chạy theo cuộc sống hào nhoáng. Truyện được đẩy lên cực điểm khi H’Linh đánh cắp tượng nhà mồ mang ra thành phố. Đây không phải là bức tượng đơn thuần mà là văn hóa. Kinh tế thị trường kéo theo lối sống vị kỷ đã để cho cô gái đánh cắp văn hóa của chính dân tộc mình. Đó là lời cảnh báo cũng là lời kêu cứu giữ lấy văn hóa. Thế mạnh của Niê Thanh Mai là hiểu văn hóa của vùng đất. Văn có hồn, nhiều đoạn độc thoại để tâm lý nhân vật bộc lộ đến mức tối đa nên truyện cuốn hút người đọc người nghe...
Như chúng ta đã biết, kết lại bài thơ chữ Hán “Ðộc Tiểu Thanh ký”, Đại thi hào Nguyễn Du viết: “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”. Trong bài thơ “Mời trầu” của “Bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương cũng có câu: “Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi/ Này của Xuân Hương mới quệt rồi”. Cùng thời với cụ Yên Đổ, nhà thơ Trần Tế Xương cũng “Tự vịnh: “Vị Xuyên có Tú Xương/ Dở dở lại ương ương”. Đó được coi là những sự tự xưng danh rất cá tính và độc đáo trong thơ ca trung đại. Riêng chỉ duy nhất một lần nhà thơ Nguyễn Khuyến gián tiếp nói về mình thông qua cương vị là quan triều Nguyễn trong bài “Di chúc”: “Đề vào mấy chữ trong bia/ Rằng quan nhà Nguyễn cáo về đã lâu”. Tuy vậy, nói về sự tài hoa, phong phú, linh hoạt, biến báo trong sử dụng Đại từ nhân xưng, có lẽ hiếm nhà thơ trung đại và cả hiện đại nào vượt qua được cụ Tam Nguyên Yên Đổ. Chúng ta cùng tìm hiểu về các Đại từ nhân xưng để làm rõ đó là một phương diện của cái tôi trữ tình trong thơ Nôm Nguyễn Khuyến. Từ đó, dẫn lối để chúng ta đi sâu vào đề tài tình bạn ghi dấu trong một số sáng tác đặc sắc
Cuối tuần qua, Đảng Ủy- UBND xã Nghĩa Hưng- huyện Vĩnh Tường-Tỉnh Vĩnh Phúc xúc động đón nhận và Khai trương tủ sách do Hội VHNT tỉnh Vĩnh Phúc và nhà văn, nhà báo Nguyễn Uyển, cùng nhiều Văn, nghệ sĩ từ Bắc vào Nam gửi tặng. Tham dự sự kiện ý nghĩa này có PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ- Tổng GĐ Đài TNVN, ông Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo VN, cùng Ban lãnh đạo Hội VHNT tỉnh Vĩnh Phúc và các hội viên, cũng như đông đảo bà con xã Nghĩa Hưng...
Câu chuyện chúng ta vừa nghe nằm trong bối cảnh Trường Sơn năm 1971, những tháng ngày ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nhân vật chính của truyện là trung đội trưởng Nguyễn Kháng, người nhận nhiệm vụ quản lý một trạm xăng dầu giữa rừng Trường Sơn và đặt các đường ống dẫn xăng dầu ẩn mình dưới rừng già. Hai nhân vật nữ xuất hiện sau nhân vật chính là Phượng và Dịu, hai cô gái được bổ sung từ hậu phương vào, giữ nhiệm vụ lắp đặt và sửa chữa cơ khí. Chính hai cô gái đã tạo ra một bầu không khí sinh động, tươi tắn, mới mẻ cho cả trạm xăng dầu, cũng là tạo nên vẻ đẹp cho truyện ngắn này. Giọng điệu trần thuật của tác giả cũng thay đổi kể từ khi xuất hiện hai nhân vật nữ. Người đọc sẽ còn nhớ thật nhiều những đoạn tâm sự giữa hai cô gái, những câu nói đùa, những phút thẫn thờ, và cả những tình huống dở khóc dở cười của Phượng và Dịu. Trong sự tàn phá ác liệt của chiến tranh, những cô gái vẫn không nguôi ước mơ sau này được tiếp tục đi học, tâm hồn họ vẫn trong trẻo như suối rừng, vẫn lãng mạn và đẹp như những đóa phong lan treo đầy quanh trạm. Trở lại với nhan đề của truyện ngắn, đây thực sự là một cách gọi tên gây nhiều bất ngờ và ấn tượng. Cả một thế hệ thanh niên Việt Nam đã “xếp bút nghiên lên đường ra trận”, rồi để lại những ký ức, những nỗi nhớ và cả bao mơ ước của mình khắc lên vỏ cây giữa rừng già. Biết bao người trong số đó đã ngã xuống, để lại phần khắc tên như những dòng chữ cuối cùng trong cuộc đời. Phần kết của truyện gây nhiều xúc động khi Phượng trúng bom hy sinh, tay vẫn ôm mảnh gỗ từ thân “cây đại học” để kê vào đường ống dẫn dầu. Chi tiết những sợi tóc của Phượng mắc vào vỏ gỗ mà không ai nỡ gỡ ra là một chi tiết đầy ảm ảnh. Cái kết của truyện tuy buồn thương nhưng nó không làm người ta yếu lòng, trái lại, sự hy sinh ấy như tiếp thêm sức mạnh cho những người đang sống để tiếp tục chiến đấu kiên cường. Chính họ sẽ viết tiếp những ước mơ cho bao đồng đội đã ngã xuống vì nền độc lập tự do của dân tộc…(Lời bình của BTV Đỗ Anh Vũ)
Quý vị và các bạn thân mến, quá trình hiện đại hóa tác động tới nhiêu mặt của đời sống xã hội từ đô thị tới nông thôn. Dường như nhịp sống của con người cũng gấp gáp hơn, sự thay đổi diễn ra cũng nhanh hơn. Đặc biệt là việc xây dựng những công trình hiện đại để phục vụ đời sống mới. Những mảnh vườn trước chỉ trồng vài luống rau, nuôi mấy con gà nay trở thành khu phố sầm uất đông người buôn bán. Hay khu nhà lụp xụp khi mở con đường mới bỗng biến thành khu cao ốc hiện đại. Nhân vật tôi trong câu chuyện cũng không tránh khỏi những đổi thay như vậy. Mảnh vườn nhỏ của ông từ khi mở con đường mới thì trở thành một gia tài đáng kể. Và để thay đổi cuộc sống nghèo khó, vợ chồng ông quyết định bán mảnh vườn đi. Cuộc sống của gia đình ông giàu có hơn nhưng chưa chắc hạnh phúc. Tình cảm hai vợ chồng bỗng trở nên rạn nứt vì chuyện tiền bạc. Thất vọng vì cuộc sống hôn nhân, ông gửi gắm tình cảm vào mảnh vườn xưa mình dày công chăm sóc gây dựng. Khu vườn với cây trái xanh tươi làm dịu mát tâm hồn nhân vật và khiến ông như sống lại thời hạnh phúc xa xưa. Và cũng chính tại khu vườn, nhân vật gặp được cô gái trẻ, ông vẽ cô nhưng chưa kịp tặng cô bức ảnh thì nàng đã ra đi mãi mãi. Hình ảnh của cô luôn ẩn hiện trong tâm trí ông mỗi khi đắm mình trong không gian khu vườn. Phần đầu câu chuyện là hiện thực của cuộc sống con người trước những tác động của đời sống hiện đại thì phần sau tác giả đưa vào nhiều yếu tố hư ảo về hình ảnh cô gái trẻ. Truyện ngắn được tác giả khắc họa bởi những đường nét, màu sắc, hình khối khá sắc nét thể hiện mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, giữa hiện tại và quá khứ. Vệt nắng của ngày hôm nay cũng giống như hôm qua hay ngày mai. Nhưng nó sẽ trở nên khác biệt nếu ẩn chứa trong đó nỗi niềm của xúc của con người...(Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)
"Se Sẽ Chứ” năm nay là phiên bản mở rộng của ba mùa trước khi quyền tổ chức được trao vào tay khán giả - những công chúng yêu thi ca. Chủ đề của chuỗi chương trình năm nay là “Chất xúc tác cho tình yêu thi ca nảy nở trong lòng giới trẻ”. Không chỉ riêng Hà Nội, “Se Sẽ Chứ” đã và sẽ có mặt tại Hải Phòng, Hội An, TP Hồ Chí Minh với những hình thức đa dạng như: Một đêm thơ ấm cúng, một buổi trò chuyện, triển lãm, chiếu phim, trưng bày mỹ thuật, diễn kịch,... lấy cảm hứng từ chuyện đời, chuyện nghề và các tác phẩm của hai nhà thơ Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh. Bốn điểm thơ của “Se sẽ chứ” năm nay được đặt tại các trường đại học: Vin Uni, Fulbright, Hoa Sen và Đại học Quốc Gia Hà Nội cùng Studio nghệ thuật Tipsy Art. Mỗi điểm thơ đều là một cá tính riêng biệt với cách thể hiện tình yêu cho thi ca độc đáo.
Có mặt điểm thơ mở đầu do các sinh viên CLB Nghiên cứu khoa học, Đại họcVin Uni tổ chức ở không gian ngoài trời, BTV chương trình đã ghi lại một số phần đọc thơ và cảm nhận...
Trong chương trình trước, chúng ta đã cùng ngẫm ngợi về cái hay, cái đẹp, hàm nghĩa trong chùm thơ thu: Thu điếu, Thu ẩm, Thu vịnh – Đồng thời khảo sát về chất dân gian trong thơ Nôm Nguyễn Khuyến. Chương trình hôm nay, mời Quý vị và các bạn cùng đi vào những phản tỉnh thực tại và tự vấn cá nhân thông qua giọng thơ trào phúng đặc sắc của cụ Tam Nguyên Yên Đổ.
Phát hiện, nêu danh một số gương mặt bước đầu đã có những một giọng thơ – Đó là kết quả nhãn tiền. Điều mà chung kết cuộc thi thơ của Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam làm được, rộng hơn là hoàn thành bài kiểm tra về thực tế giá trị, ảnh hưởng và lực lượng sáng tác thơ. Làm rõ ra phần nào cục diện quãng dài những năm qua còn mờ tỏ xem ra cũng là một kết quả đã được ghi nhận
Nhà thơ Quang Dũng tên thật là Bùi Đình Diệm, sinh năm 1921 tại làng Phượng Trì, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây cũ (nay thuộc Hà Nội). Ông gia nhập Quân đội nhân dân Việt Nam ngay sau ngày Cách mạng tháng 8 thành công, từng là Đại đội trưởng Tiểu đoàn 212, Phó Đoàn tuyên truyền Lào – Việt. Tháng 8 năm 1951, ông xuất ngũ. Sau 1954, Quang Dũng về làm biên tập viên tại Báo Văn nghệ rồi chuyển về làm việc tại NXB Văn học. Bên cạnh gia tài thơ ca, Quang Dũng còn sáng tác nhạc, vẽ tranh, viết kịch và một số truyện ngắn. Quang Dũng mất ngày 13 tháng 10 năm 1988 tại Hà Nội sau một thời gian dài lâm bệnh. Năm 2001, ông được truy tặng giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.
Góc nhìn của người viết không mới, truyện ngắn cùng không có gì đột phá về cách viết. Nhưng bằng một giọng văn mộc mạc người viết đã cho người đọc, người nghe cảm nhận về một nông thôn thời đổi mới sự thật đôi khi nghiệt ngã nhưng luôn có những lối thoát trong cuộc đời. Truyện ngắn “Cháo đời” là câu chuyện của 2 người bạn, lão An và lão Tuấn. Họ là 2 người của thế hệ cũ và cuộc đời của những đứa con của họ đã rơi vào vòng cuốn của xã hội hiện tại. Mỗi đứa con đều có một cách phát triển khác nhau theo xu thế của xã hội. Đứa thì trượt vào tệ nạn để đến mức chính người cha của mình vì danh dự vì trách nhiệm của bản thân không còn lối thoát nào khác phải giết con mình rồi tự tử. Một bị kịch chúng ta gặp đâu đó ở cuộc sống không ít. Còn đứa con ông An được học hành có lí tưởng và ý thức trách nhiệm với cuộc sống với truyền thống gia đình đã dám cãi lời bố mẹ để đi trên con đường riêng của mình. “Cháo đời” là một câu chuyện bi kịch, bất hạnh nhưng có một kết cục chấp nhận được. Người viết chưa thật cao tay về thủ pháp văn chương nhưng đã vẽ lại một bức tranh đồng bằng Bắc bộ đang thời kỳ đô thị hoá với bộn bề mâu thuẫn. Tuy vậy, truyện ngắn vẫn gửi một thông điệp, rằng vẫn có niềm tin vào sự tốt đẹp vào lớp trẻ đang có một tư duy mới, nếp sống mới để xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại và văn minh. (Lời bình của BTV Vân Khánh)
Như chúng ta đã biết, nhà thơ Nguyễn Khuyến sinh ra ở quê ngoại, vùng đồng chiêm trũng Bắc bộ. Dễ hiểu khi quê hương làng cảnh, những câu chuyện, lý lối, khẩu ngữ dân gian của quê ngoại ăn sâu vào trong tiềm thức, phát lộ trong sáng tác của cụ. Đó cũng là điều mà chương trình nhận ra khi khảo sát về chất dân gian trong thơ Nôm Nguyễn Khuyến.
Có thể so với một số cây bút tiêu biểu về đề tài miền núi như Cao Duy Sơn, Đỗ Bích Thúy, Phạm Duy Nghĩa, Tống Ngọc Hân, truyện ngắn của Chu Thị Minh Huệ bớt ngồn ngộn chi tiết và tiết chế sự dữ dội hơn. Bù lại, tác giả rất biết cách để những trang văn của mình không trở thành minh họa thuần túy cho tập tục của đồng bào dân tộc ở Hà Giang. Những câu văn ngắn, dễ hiểu, vừa phải, cô đọng kể cho chúng ta về câu chuyện về thân phận người Mông ở Yên Minh, ở Đồng Văn thông qua những nét sinh hoạt, văn hóa đặc sắc từ nghìn xưa. Nhà văn có thói quen đặt ra các câu hỏi, các giả thiết rồi lại tự lý giải để làm sáng lên những thắc mắc, làm mạch nối cho các diễn biến tiếp theo. “Nối dây” ở đây không đi theo mô – típ thông thường là lên án một tập tục lâu đời đã thành lạc hậu. “Nối dây” là để nối lại đường đi của tình yêu, số phận con người tuân theo lẽ tự nhiên lúc ban đầu. Vì thế, dù câu chuyện kết thúc bằng cái chết của Vảng và Pà, hai người yêu nhau mà không cưới được nhau nhưng lại không hoàn toàn buồn thảm, bi kịch. Ở đó, ta vẫn thấy được ánh sáng của một đời sống mới, tiếp nối mới - Những người ở lại – Dua và Phủ, không còn phó mặc cho số phận mà biết đấu tranh và giữ lấy hạnh phúc. Thêm một điểm cộng cho nhà văn Chu Thị Minh Huệ khi chị viết về điều ấy với một ngòi bút khá tự nhiên và thấm đẫm tình người (Lời bình của BTV Võ Hà)