“Ghen”: Gia vị tình yêu của người lính5/4/2021

Quý vị và các bạn thân mến, tác giả đưa người đọc, người nghe trở lại chiến trường Trường Sơn năm xưa biết bao cảm xúc vui buồn. Bom đạn của đế quốc Mỹ cũng không thể dập tắt được tinh thần yêu nước cũng như ý trí tuổi trẻ Việt Nam. Ngay bên chiến hào khói lửa, bên hố bom chưa kịp san lấp, mỗi lắng tiếng súng là người lính trẻ lại cất lời ca tiếng hát về tình yêu tuổi trẻ, tình yêu với quê hương, đất nước. Vui nhất là những dịp các đơn vị đang chiến đấu trên chiến trường được các đoàn văn công đến biểu diễn. Giọng ca, tiếng hát của người nghệ sĩ khiến biết bao người lính xúc động khi nhớ tới gia đình và người thân yêu ở hậu phương. Nhân vật Hà là nữ văn công của sư đoàn, giọng hát dân ca bài chòi của cô khiến bao người lính say mê, yêu mến. Trong đó có chàng lính trẻ tên Phong. Việc anh chàng Phong yêu say đắm nữ văn công Hà thì đã râm ran trong sư đoàn và được mọi người trêu đùa. Nhưng 2 người trong cuộc thì thực sự chưa từng thổ lộ cùng nhau. Ấy vậy mà Phong lại ghen khi thấy Hà biểu diễn có đôi, có cặp trên sân khấu. Đúng là có yêu người ta mới có ghen. Cuối cùng được mọi người vun vào, tình duyên hai bạn trẻ Phong -Hà mới thành công. Một câu chuyện vui tươi, hóm hỉnh đầy chất lính về tình yêu người lính trẻ trong chiến tranh. Truyện ngắn xảy ra trong thời gian, không gian chiến tranh nhưng người đọc, người nghe không hề thấy sự ác liệt, gian khổ của cuộc chiến. Mà đầy ắp trong đó là những tiếng hát, là cảm xúc của tình yêu. Nỗi hờn ghen vu vơ của anh lính Phong như một gia vị của tình yêu và chắc sau này khi nhớ lại không khỏi khiến người trong cuộc phải bật cười. Truyện ngắn giúp người đọc, người nghe hiểu hơn tình yêu người lính giàu cảm xúc trong chiến tranh. (Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)

Nguyễn Khuyến:

Nguyễn Khuyến: "Nhà thơ của quê hương làng cảnh Việt Nam" 31/3/2021

Đến giai đoạn giao thời, thơ sáng tác bằng chữ Nôm bên cạnh truyền thống đề vịnh phong cảnh còn được các nhà Nho nước ta ưa dùng để ký thác nỗi niềm, tâm sự trước những biến động của xã hội, thời cuộc. Nhà thơ Nguyễn Khuyến là một trong những người sáng tác thơ Nôm thế sự đắc địa mà tiếng vang của những trước tác của cụ tới hôm nay đã cho thấy một bản lĩnh, một tài năng.

Những bài thơ hạnh phúc

Những bài thơ hạnh phúc 25/3/2021

Mỗi con người sinh ra, lớn lên rồi trưởng thành, ai cũng mong muốn mình hạnh phúc. Tình cảm ấy, mong ước chung ấy không phân biệt giới tính, lứa tuổi, sắc tộc, tôn giáo. Chỉ có điều, mỗi người lại có một suy nghĩ riêng về hạnh phúc và nhiều khi không phải ai cũng cắt nghĩa được hạnh phúc một cách rõ ràng. Bắt đầu từ năm 2013, Đại hội đồng Liên hiệp quốc với 193 quốc gia thành viên đã nhất trí thông qua nghị quyết và chọn ngày 20/3 hàng năm làm ngày Quốc tế hạnh phúc. Từ cảm hứng đó, chương trình Đôi bạn văn chương lần này sẽ gửi tới quý vị và các bạn cuộc trò chuyện với chủ đề: Những bài thơ hạnh phúc. Chúng ta sẽ cùng xem các nhà thơ, nhà văn cắt nghĩa hạnh phúc như thế nào.

"Khăn Njram huyền thoại”: Biểu tượng văn hóa của người Chăm 24/3/2021

Không rực rỡ như những dân tộc vùng cao Tây Bắc, trang phục của người phụ nữ Chăm thể hiện nét duyên dáng độc đáo, vừa kín đáo lại quyến rũ lạ thường. Để tạo nét quyến rũ, người phụ nữ Chăm thường chọn khăn đội đầu để tô thêm sắc thái hài hòa của bộ trang phục. Những lúc trời nắng chói chang thì khăn có thể che mái tóc dài óng ả. Những khi trời lạnh thì khăn được quàng quanh cổ giữ ấm vừa tạo nên vẻ kín đáo cho người phụ nữ Chăm. Chiếc khăn trở thành vật không thể thiếu trong văn hóa cũng như cuộc sống của người dân tộc Chăm. Tác giả Kiều MaiLy cũng lấy chiếc khăn Niram, món quà cưới là hình ảnh xuyên suốt câu chuyện. Vì loạn lạc chiến tranh mà nhân vật tôi khi còn nhỏ đã làm thất lạc người em gái bé bỏng của mình. Từ ngày đó bà mẹ cũng như nhân vật luôn ân hận day dứt không biết cô gái nhỏ mới 2 tuổi còn sống hay không, đang ở đâu, có được khỏe mạnh hay không. Nỗi nhớ mong con mòn mỏi khiến bà mẹ đã ốm đau không qua khỏi. Nhân vật Tôi lớn lên một thân một mình với nỗi niềm thương nhớ. 18 năm sau, có hai mẹ con vị khách từ Camphuchia qua làng chơi. Từ dấu vết để lại trên chiếc khăn Njram của cô gái Siam mà hai anh em nhân vật đã đoàn tụ với nhau. Câu chuyện được viết giản dị nhưng xúc động nhất là những gia đình bị thất lạc người thân của mình. Hình ảnh chiếc khăn Njram, chiếc khăn truyền thống trong đám cưới người Chăm lúc nào cũng ẩn hiện như sợi dây gắn kết gia đình. Chiến tranh khiến biết bao gia đình ly tán, cha mẹ, anh chị em phải xa cách nhau. Và khi họ tìm lại được người thân của mình thì thật là niềm hạnh phúc không gì so sánh được. Qua truyện ngắn, người đọc, người nghe hiểu hơn những nét đẹp trong văn hóa người Chăm cũng như những giá trị của gia đình. (Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)

Nhà thơ Đặng Bá Tiến và những trang thơ về Tây Nguyên

Nhà thơ Đặng Bá Tiến và những trang thơ về Tây Nguyên 24/3/2021

Một nơi chốn nào, khi ta sống thật lâu và thật sâu, đủ để quen với những thân thương và cả khắc nghiệt, tự khắc những đổi thay của nơi ấy sẽ dội vào tâm hồn ta những nhịp - điệu. Hơn ba mươi năm gắn bó với Tây Nguyên, làm báo, sáng tác thơ của nhà thơ Đặng Bá Tiến in đậm ánh nhìn và cảm xúc với từng nơi ông đến, từng khúc quanh trong mỗi tuổi đời miền đất đỏ bazan

Bà Huyện Thanh Quan - Nữ thi sĩ làm thơ Nôm Đường luật hay nhất Việt Nam

Bà Huyện Thanh Quan - Nữ thi sĩ làm thơ Nôm Đường luật hay nhất Việt Nam 24/3/2021

Trong bối cảnh thơ ca Quốc âm với sự xuất hiện của những truyện thơ lục bát và dần tới buổi giao thời tưởng đã tiến tới hiện đại hóa bỗng lại xuất hiện Tiếng thơ Đường luật đầy bản sắc - Bà huyện Thanh Quan. Dư âm của những “Chiều hôm nhớ nhà”, “Buổi chiều lữ thứ”, “Thăng Long thành hoài cổ”, “Chùa Trấn Bắc”, “Qua đèo Ngang” là sự tổng hòa của kết cấu, nhịp điệu, ngôn ngữ nghệ thuật – Mà ở phương diện nào, Bà huyện Thanh Quan cũng có những đóng góp độc đáo...

"Luyến tiếc": Tuổi trẻ và tình yêu một đi không trở lại 22/3/2021

Câu chuyện chúng ta vừa nghe xoay quanh những cảm xúc và tâm trạng của nhân vật chính mang tên Savale– một người đàn ông đã 62 tuổi. Truyện mở đầu ngay bằng nỗi buồn bã cô đơn của Savale bởi ông không vợ không con, không còn ai thân thiết. Ngẫm lại về cuộc đời mình từ thời trẻ cho đến nay, chính Savale cũng phải thừa nhận đó là một cuộc đời “nhạt nhẽo và vô tích sự xiết bao”. Tất cả mọi chuyện diễn ra trong sự bình lặng, đều đặn, thụ động, ngày này lặp lại ngày khác. Và đến bây giờ ông mới thấy tiếc, tại sao mình không sống một cuộc đời sôi nổi hơn. Nhưng có lẽ điều đáng tiếc nhất là, trong suốt cuộc đời của mình, ông chưa thực sự yêu ai. Có một tình yêu duy nhất thì lại là yêu thầm lặng, đơn phương, yêu mà không hề dám nói. Bây giờ, người phụ nữ ấy, ông phải gọi theo tên chồng của bà là bà Sandre, cũng đã 58 tuổi rồi. Và Savale mới thấy hối tiếc tại sao ông không thổ lộ tình cảm của mình khi hai người từng đi dạo riêng với nhau bên bở sông, bởi Sandre lúc đó đã tỏ ra rất mến ông. Một câu chuyện đã diễn ra cách đây mấy chục năm, bây giờ làm Savale khổ sở, vì ông muốn biết nếu lúc đó ông tỏ tình thì bà Sandre có đồng ý hay không. Vậy là ông quyết tâm tìm đến tận nhà Sandre để hỏi cho ra nhẽ. Than ôi, thời gian đã biến một nàng Sandre xinh đẹp thuở nào trở thành “một phụ nữ to béo sồ sề với hai má xệ xuống và tiếng cười oang oang, mấy giọt nước mứt lê chảy từ các ngón tay bà xuống đất”, còn đâu vẻ yêu kiều thanh nhã của cái ngày đi dạo bên bở sông. Và phũ phàng hơn nữa khi câu trả lời của bà Sandre càng khiến cho Savale hối tiếc đến đau xót, đúng như nhan đề truyện ngắn mà Guy đờ Mô pát xăng đã đặt tên. Truyện mở đầu bằng nỗi buồn vì sự cô đơn của Savale và kết thúc bằng những giọt nước mắt muộn màng khi ông ngồi xuống gốc cây liễu đã trụi lá. Âm hưởng câu chuyện gieo vào mỗi người đọc một chút buồn man mác, một chút ý vị hài hước nhẹ nhàng cùng không ít những suy tư. Phải chăng, thông điệp mà Mô Pát Xăng muốn gửi gắm qua thiên truyện, mỗi con người phải biết tận hưởng tuổi trẻ và tình yêu, phải dám sống là mình và hết mình, để sau này không phải ân hận vì những lỡ làng chẳng bao giờ sửa chữa được. Ai đó từng đúc kết: Có khi lỡ hẹn một giờ/ Lần sau muốn gặp phải chờ trăm năm. Lỡ hẹn một lần cũng đồng nghĩa với việc chẳng bao giờ còn trở lại cơ hội ấy. Và một thông điệp nữa mà chúng tôi cảm nhận được qua truyện ngắn này, đó là con người không thể sống mà không có một tình yêu, dù khi đang ở độ thanh xuân hay đã xế chiều ngả bóng về già. Tôi chợt nhớ lại lời tâm sự của NSND Kim Cương trong giây phút tiễn đưa thi sĩ Bùi Giáng về nơi an nghỉ cuối cùng, xin được dùng để khép lại lời bình truyện ngắn này: “Tôi cám ơn ông Bùi Giáng đã cho tôi một bài học rằng, dù điên hay tỉnh, giàu hay nghèo, già hay trẻ, trong lòng mỗi người đều phải có một mối tình chân thật để sống hết cuộc đời” (Lời bình của BTV Đỗ Anh Vũ)

Thơ Nôm Bà huyện Thanh Quan: Từ cái nhìn đối chiều với một số tác giả cùng thời

Thơ Nôm Bà huyện Thanh Quan: Từ cái nhìn đối chiều với một số tác giả cùng thời 17/3/2021

Tài năng của các tác giả thơ Nôm nhìn chung được đánh giá qua ảnh hưởng, sức vang vọng của tác phẩm tới hậu thế - Gần hơn nữa là đặt trong tương quan so sánh với các tác giả cùng thời. Trường hợp Bà huyện Thanh Quan có thể coi là một điển hình với phong cách sáng tác tài hoa, độc đáo. Tuy số lượng thơ Nôm truyền tụng tới nay không nhiều nhưng tài năng vượt trội, chất thơ mang đậm dấu ấn cá nhân của nữ sĩ Thanh Quan khiến bà trở thành một trong những tên tuổi hàng đầu của dòng thơ Quốc âm.

“Mùi rừng”: Khát vọng của người phụ nữ vùng cao

“Mùi rừng”: Khát vọng của người phụ nữ vùng cao 17/3/2021

Bản Lướt cũng như nhiều vùng sâu, vùng xa khác ở nước ta vẫn còn những nếp nghĩ, quan niệm lạc hậu. Đó là suy nghĩ cho rằng phụ nữ không cần học cao làm gì, chỉ đủ con chữ rồi lấy chồng, sinh con, lo lắng việc gia đình. Vì vậy không ít cô gái trẻ mới đang dang dở học lớp 9, lớp 10 đã phải vội lấy chồng. Biết bao ước mơ, hoài bão, kế hoạch của tuổi trẻ trở nên dang dở bởi việc làm vợ, làm mẹ từ rất sớm. May mắn cho cô gái trẻ tên là Xanh trong câu chuyện không phải chịu cảnh lấy chồng sớm như vậy. Cô lấy cái chết để đe dọa cha mẹ cho mình học hết đại học. Thấy con gái quyết liệt như vậy, ông Quản cha cô đánh chịu nhưng lúc nào cũng canh cánh việc gả chồng cho con. Ông cảm thấy con gái như bom nổ chậm không cẩn thận là làm mất mặt gia đình. Chính vì vậy, tuy Xanh đã ngoài 30 nhưng ông lúc nào cũng để mắt xem cô đi đâu, làm gì, quan hệ cùng ai. Sự quan tâm có phần quá mức của cha khiến Xanh cảm thấy mất tự nhiên trong cuộc sống. Những đồn thổi vu vơ về mối quan hệ giữa cô và anh Dưỡng rồi thái độ sốt ruột của cha khiến tình cảm mới nảy sinh trong lòng Xanh bỗng trở nên rụt rè. May mắn là người yêu cô chủ động tìm đến nói chuyện với ông Quản và tình duyên của họ trở nên trọn vẹn. Truyện ngắn được viết mộc mạc, giản dị về chuyện tình của đôi trai gái nơi vùng cao. Qua câu chuyện tình yêu của cô gái Xanh, người đọc, người nghe hiểu hơn về phong tục, tập quán, nếp sống của các dân tộc thiểu số nước ta. Tuy vậy, mối tình của Xanh với Dưỡng được tác giả miêu tả có phần hơi đơn giản và đưa đẩy quá nhanh. Nếu khai thác thêm cuộc sống nội tâm của Xanh khi đã lớn tuổi vừa thực hiện hoài bão của mình vừa chịu sức ép phải lập gia đình từ cha, mẹ. Thêm thắt những va chạm, hiểu lầm nho nhỏ của đôi trai gái rồi mới nên duyên chồng vợ thì có lẽ truyện ngắn sẽ hấp dẫn hơn với người đọc, người nghe...(Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)

Tứ tuyệt Cao Xuân Sơn

Tứ tuyệt Cao Xuân Sơn 15/3/2021

Cũng như nhiều tác giả ưa dùng Tứ tuyệt để biểu lộ tâm trạng, cảm xúc tức thời, những năm gần đây, nhà thơ Cao Xuân Sơn, người vừa có tập thơ được trao Giải thưởng 2020 của Hội Nhà Văn TP.HCM cũng đang sở hữu một gia tài thơ Tứ tuyệt đáng kể. Ông có những chia sẻ riêng với BTV chương trình về nguồn cảm hứng thú vị này trước thời điểm dự định in một tập thơ Tứ tuyệt ghi lại những dấu mốc trong cuộc đời và sáng tác

"Đảo trong đêm": Sự cô độc của con người 15/3/2021

Ngay từ nhan đề của tác phẩm đã gợi sự tò mò, kích thích cho người đọc, người nghe, “Đảo trong đêm” gợi sự huyền bí, bí ẩn và quả thực khi nghe những trang văn ấy, chúng ta cảm nhận rõ không gian đa chiều mà tác phẩm phản ánh. Đó là hai thế giới thực và ảo, là sự đối lập, mâu thuẫn mà nhân vật Du đang trải qua. Cô là bác sĩ tâm lý, chữa bệnh cho bao người nhưng chính cô lại gặp phải những sang chấn tâm lý mà không thể nào dứt được. Cô ám ảnh từng đêm về hòn đảo hoang vu, ám ảnh với hình ảnh cô sinh viên nằm sõng soài trong khuôn viên thư viện trường cô, người mà trước đó nửa tiếng muốn được nói chuyện với cô nhưng cô hẹn sau vì đến giờ họp. Một sự muộn màng. Cô ân hận và đau xót, từ đó Du sống trong nỗi ám ảnh từng đêm, chập chờn trong những cơn mê sảng, sợ hãi nhìn vào bóng đêm và bị bủa vây bởi hòn đảo vắng người và hoang lạnh. Nỗi sợ hãi khiến cho Du trở nên u uất và chán nản. Sống bên cạnh người chồng vô cảm, Du càng cô độc, không có ai chia sẻ cô. Không ai tin cô bị bệnh về tâm lý bởi cô là bác sĩ. Du rơi vào trạng thái trầm cảm, chán nản và ám ảnh. Cuối thiên truyện, Du lặng lẽ bước xuống dòng nước xiết và lạnh buốt, văng vẳng bên tai những lời nói đầy mâu thuẫn của chính mình. Chúng ta chắc sẽ đoán được kết cục của số phận Du, một nỗi xót xa về phận người cô độc trong thế giới đầy biến động này…

Nỗi hoài nhớ trong thơ Bà huyện Thanh Quan

Nỗi hoài nhớ trong thơ Bà huyện Thanh Quan 11/3/2021

Dù số lượng thơ Nôm còn lại tới hôm nay không nhiều, thế nhưng chỉ mươi trước tác truyền tụng của Bà huyện Thanh Quan – Nguyễn Thị Hinh cũng đã đủ để định hình một phong cách sáng tác độc đáo trong dòng thơ Quốc âm. Những bài thơ ngắn như đôi dòng nhật ký ngắn ghi lại nỗi lòng của một người phụ nữ trước dáng dấp, vang động của thiên nhiên, tạo vật, kỳ lạ thay tạo nên những cảm xúc ngân rung đồng điệu. Bà huyện Thanh Quan có thể nói là một tiếng thơ đáng kể trong lịch sử thơ ca trung đại và cả hiện đại.

Cỏ trong thơ Việt

Cỏ trong thơ Việt 11/3/2021

Chúng ta đang ở trong những tháng ngày đẹp nhất của mùa xuân. Thời tiết ấm áp, cây cối xanh tươi đâm chồi nảy lộc. Sáng sớm tỉnh giấc, có khi nào chúng ta để ý thấy những giọt sương long lanh vẫn còn đậu trên đầu ngọn cỏ. Trong một không khí tràn sức xuân ùa về, Đôi bạn văn chương lần này muốn gửi tới quý vị một chương trình trò chuyện với chủ đề: Cỏ trong thơ Việt, một hình ảnh vô cùng quen thuộc nhưng đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận cho nhiều thế hệ thi sĩ từ cổ điển đến hiện đại...

“Sóng trên đỉnh núi”: Tình yêu của người lính đảo

“Sóng trên đỉnh núi”: Tình yêu của người lính đảo 8/3/2021

Truyện ngắn “Sóng trên đỉnh núi” của tác giả Lê Mạnh Thường gợi nỗi xúc động cho người đọc, người nghe bởi sự giản dị, chân chất của các nhân vật. Sín là nhân vật trung tâm của truyện, một chàng trai dân tộc miền núi chưa bao giờ biết về biển đã lên đường nhập ngũ, để rồi từ đó gắn bó với biển đảo như chính quê hương của mình. Những nhân vật khác cũng bộc lộ cá tính, phẩm chất rất đáng yêu của người lính. Họ luôn sát cánh bên nhau, dũng cảm, kiên cường trong mọi tình huống. Bên cạnh đó là sự hóm hỉnh, tếu táo, dí dỏm, gần gũi như anh em một nhà của người lính đảo. Đó chính là sức mạnh giúp họ vượt qua những ngày tháng gian khổ mà cũng rất đỗi vinh quang, tự hào. Câu chuyện tình yêu của người lính cũng được tác giả viết bằng những tràng văn đẹp, ấm nồng, đó là nguồn sức mạnh tinh thần giúp người lính đang ngày đêm canh giữ biển trời được chia sẻ, cảm thông và yêu thương. Sự hy sinh của Sín là một nốt lặng của thiên truyện ngắn, thể hiện nỗi đau xót, tiếc thương. Câu chuyện gợi cho chúng ta nhiều nghĩ suy, để có được cuộc sống tự do, bình yên thì sự hy sinh âm thầm, anh dũng của người lính càng được trân trọng hơn bao giờ hết...(Lời bình của BTV Văn Khánh)

"Hậu duệ của Da Gama": Du ký nhịp sống ở Bồ Đào Nha 8/3/2021

Truyện tiếp nối nguồn cảm hứng “Vợ Đông chồng Tây” trong hầu hết sáng tác những năm gần đây của Kiều Bích Hương. Ta gặp trong đó những câu chuyện của thời đại hôm nay – Chuyện trải nghiệm mới trong cuộc sống khi lấy chồng ngoại quốc, chuyện các gia đình có điều kiện đưa con ra nước ngoài gửi gắm người thân, chuyện làm du lịch, làm kinh tế ở Tây, ở ta. Nhà văn Kiều Bích Hương gửi vào câu chữ hiểu biết về thế giới, đất nước Bồ Đào Nha, về lối sống ưa chuyển dịch với một văn phong thông suốt, liền mạch. Trong những dữ liệu có vẻ toàn cầu và to tát ấy, ta bắt gặp những chi tiết rất đời thường về tình thân, tình chồng vợ, về tính cách con người, về hoài bão, mục đích sống không ai giống ai. Nhân vật xưng “tôi”, người dì trong truyện ngắn này, trong tâm thế là công dân toàn cầu, một phụ nữ hiện đại với lối suy nghĩ đầy tư tưởng giải phóng cá nhân. Thế nhưng trong sâu thẳm vẫn là những nét tính cách và bản chất truyền thống Việt Nam: dịu dàng và nữ tính, coi trọng gia đình, các giá trị làm nên con người tử tế. Những đứa trẻ dẫu có cách hành xử ra sao cuối cùng vẫn mong sống trọn trong tình yêu thương của bố mẹ. Và ta cũng bắt gặp hình mẫu phụ nữ làm kinh tế liều lĩnh, táo bạo, vươn tầm nhìn ra thế giới qua nhân vật “Chị Nhung” với mô hình đầu tư khách sạn trong nước. Mỗi người một lựa chọn, một nhu cầu, một đam mê sống. Tác giả không quy kết cách sống nào là đúng, là sai. Đọng lại trong câu chuyện nuôi nấng hai đứa con chị gái của cặp vợ Đông chồng Tây là những phát hiện, mách bảo về tình yêu thương, về sự trao quyền, trao tự do, khích lệ hòa nhập. Quả thật, khi cuộc sống đặt ta vào sự đã rồi, ngay trong những hoàn cảnh chính bản thân cũng không mong muốn, một số niềm vui và hứng khởi lại đến thật bất ngờ khi trưởng thành trong hoàn cảnh ấy…(Lời bình của BTV Võ Hà)

Mã QRCODE xem trên mobile
chương trình hôm nay
08h00 - 08h30 Điểm hẹn Văn nghệ
10h45 - 11h00 Văn nghệ thiếu nhi
13h00 - 13h30 Đọc truyện dài kỳ
18h15 - 18h30 Văn nghệ thiếu nhi
18h30 - 19h00 Điểm hẹn Văn nghệ
19h00 - 19h30 Đọc truyện dài kỳ
19h30 - 21h00 Sân khấu truyền thanh
21h45 - 22h00 Kể chuyện và Hát ru cho bé
22h30 - 23h00 Tiếng thơ