Ca khúc “Ngắm mẹ”, nhạc sĩ Trần Nhật Dương phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của nhà báo Trần Nhật Minh. Là hai người đồng nghiệp, anh - em thân thiết tại Đài Tiếng nói Việt Nam, nhạc sĩ Trần Nhật Dương và nhà báo Trần Nhật Minh đã có nhiều mối lương duyên thơ - nhạc. Ca khúc “Ngắm mẹ” là một trong những cái duyên ấy. Khi đọc bài thơ “Ngắm mẹ” của nhà báo Trần Nhật Minh, nhạc sĩ Trần Nhật Dương xúc động và đồng cảm. Ông nhìn thấy hình ảnh của chính mình và nhiều người con trong ấy. (Điểm hẹn văn nghệ)
Là một trong những tác giả trẻ tiêu biểu của thế hệ 9x, Hiền Trang những năm gần đây đã liên tục cho ra mắt các tác phẩm (cả sáng tác lẫn dịch thuật, phê bình) như “Dưới mái hiên đêm, những khách lạ”, “Chopin biến mất”. “Tại sao ta yêu…” và gần đây nhất là “Những khán giả ngồi trong bóng tối” do NXB Kim Đồng ấn hành. Về cuốn sách này, phóng viên chương trình đã có cuộc trò chuyện với tác giả Hiền Trang. Mời quý vị và các bạn cùng nghe:
Thể hiện tài năng ở trên nhiều phương diện, thể loại, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã sớm ghi dấu ấn trong lòng độc giả. Tuy nhiên, mỗi một tác phẩm văn chương của ông dường như vẫn luôn đủ khả năng khiến người đọc ngạc nhiên về sức sáng tạo. Tập thơ “Nhật ký người xem đồng hồ” cũng không ngoại lệ. Nhật ký người xem đồng hồ gồm 84 bài thơ, được chia làm hai phần: Phần 1 mang tên Nhật ký người xem đồng hồ gồm 62 bài thơ, phần 2 mang tên Bản tự khai của một số đồ vật trong phòng viết, gồm 22 bài thơ. Các nội dung, đề tài của tập thơ khá đa dạng, từ thế sự, suy tưởng, đời sống, lịch sử, xã hội đến thơ tình yêu, thơ cho bạn bè, thơ với cảm hứng hậu chiến, thơ về thiên nhiên...Về tập thơ này, chúng ta cùng nghe bài của BTV Đỗ Anh Vũ có nhan đề “Cha về trong một áng mây bay”.
Sau hơn 2 năm đồng hành với chuyên mục “Mùi vị ký ức” trên báo Nhân dân hằng tháng, nhà thơ Nguyễn Bảo Chân đã ra mắt tập sách “Những ý nghĩ khua vang căn bếp nhỏ”. Viết về ẩm thực nhưng đây không phải là một cuốn sách dạy nấu ăn mà là những kỷ niệm, trải nghiệm của tác giả với từng món ăn. Với thi sĩ Nguyễn Bảo Chân, đó là “những mảnh ký ức được nhặt ra một cách ngẫu nhiên”; kết nối bằng “sợi tình tôi”, gắn kết tác giả vào một cuộc sống đầy những cung bậc vui buồn sướng khổ nhưng “được mất nào cũng đẹp cũng thơm”. Sau đây, mời quý vị và các bạn cùng bước vào thế giới của “Những ý nghĩ khua vang căn bếp nhỏ” qua bài của BTV Đỗ Anh Vũ có nhan đề “Tản văn của một nhà thơ”.
Người yêu văn chương nói chung biết tới nhà văn Lê Lựu thông qua nhiều tác phẩm của ông phản ánh về thời kỳ đổi mới, đa dạng thể tài như: tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký, truyện thiếu nhi. Văn của ông giống như con người ông vậy, giản dị, thuần phác nhưng lại có sức ám ảnh, lan tỏa bởi đào xới được nhiều vấn đề về thân phận con người trong và sau đổi mới. Kỷ niệm 1 năm ngày nhà văn Lê Lựu về với thế giới của người hiền, tại Thư viện Quốc gia- Hà Nội, Viện Nhân học Văn hóa phối hợp với doanh nghiệp Liên minh Quốc gia tổ chức Lễ ra mắt cuốn sách "Nhà văn Lê Lựu - Văn chương và số phận". Tham dự buổi lễ có rất đông nhà văn, nhà nghiên cứu văn học, đại diện gia đình nhà văn Lê Lựu cùng đông đảo bạn văn xa gần. Phóng viên Dương Hà tới dự và có bài cảm nhận “Số phận con người qua trang viết của nhà văn Lê Lựu”
Vừa qua, họa sĩ Tô Chiêm và họa sỹ Bùi Việt Dũng tổ chức triển lãm nhóm với chủ đề “ Giao hòa - Thu 2023” tại Thành phố Hồ Chí Minh, giới thiệu những tác phẩm mới nhất của mình. Hai họa sĩ với hai phong cách khác nhau nhưng đều mang đến cho người xem những góc nhìn lạ về cuộc sống, về số phận con người...
Như món nợ đồng lần, ngày xưa cha mẹ vất vả vì ta thì nay ta cũng vất vả vì con cái. Nhưng cái vất vả ấy là niềm vui, niềm hạnh phúc. Khi còn nhỏ con cái ở với bố mẹ. Rồi đến lúc con cái lớn lên, như chim ra ràng, chúng rời khỏi tổ ấm của gia đình, rời khỏi vòng tay của bố mẹ. Bố mẹ chợt giật mình rồi quáng quàng chạy theo chúng. Trong thâm tâm bố mẹ, chúng vẫn là những đứa con bé bỏng, cần phải bao bọc, che chở. Bố mẹ chạy, trong hoàn cảnh đôi chân già đã thấm mệt, đã đuối sức sau chặng đường cày xới để mưu sinh, nuôi dạy con cái, nhưng họ vẫn chạy, bởi đó là cuộc chạy maraton của tình mẫu tử… nên không thể dừng. Một cuộc chạy mệt mỏi mướt mồ hôi nhưng trong trái tim những bậc làm cha làm mẹ có một đóa hồng rất thắm. Bút ký “Tiếng đời vọng mãi” của nhà văn Phan Trung Nghĩa đã thể hiện tâm trạng ấy một cách chân thật, dung dị và xúc động. Mời các bạn cùng nghe:
Triển lãm “Dạo bước qua đất của sơn mài” đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Gần 30 tác phẩm của 10 họa sĩ: Lý Trực Sơn, Nguyễn Quang Trung, Phan Cẩm Thượng, Triệu Khắc Tiến, Vũ Văn Tịch, Nguyễn Thị Thúy Nguyệt, Nguyễn Thị Quế, Đỗ Thị Kim Đoan, Nguyễn Xuân Lục và Phạm Trà My mang đến cho người yêu nghệ thuật góc nhìn tinh tế, đa dạng về vẻ đẹp kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trong chất liệu sơn mài. (Điểm hẹn văn nghệ)
“Vùng đất quỷ tha ma bắt” là cuốn tiểu thuyết tâm lý xã hội của nhà văn Đài Loan Kevin Chen. Với nhan đề tiếng Anh “Ghost Town”, cuốn tiểu thuyết đã được dịch và xuất bản tại nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Pháp, Mỹ, Hy Lạp… Đặc biệt, chỉ sau vài tháng phát hành tại Việt Nam, “Vùng đất quỷ tha ma bắt” (do dịch giả Nguyễn Vinh Chi chuyển ngữ) đã được Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam tái bản tới 4 lần. Về cuốn sách này, mời quý vị và các bạn cùng nghe bài của BTV Nguyễn Hà có nhan đề “Nhà văn Kevin Chen: “Tôi muốn kể câu chuyện của mình theo cách độc đáo nhất”.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ở đâu đó dưới cánh rừng, ngọn đồi hay dưới thung sâu, khe suối, hốc đá trên đất nước ta hay đất nước bạn vẫn còn đó những hình hài của các anh hùng liệt sĩ nằm lại. Họ không lẻ loi bởi luôn có đồng đội ở bên, luôn có thế hệ sau tưởng nhớ, biết ơn, nâng niu sự hy sinh xương máu ấy. Đảng, Nhà nước, nhiều tổ chức, cá nhân trong cả nước vẫn miệt mài hành trình đi tìm và đón các anh trở về, trong đó có Đội quy tập 192 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế. Những người lính thời bình làm công việc ấy bằng quyết tâm, ý thức trách nhiệm và sự tri ân sâu sắc. Nhà văn Đinh Phương đã trìu mến gọi họ là “Những người gắn vết chiến tranh”:
Ca khúc “Âm vang Trường Sơn” của nhạc sĩ Trần Nghệ, phổ từ bài thơ “Đến với Trường Sơn” của tác giả Nguyễn Đăng Độ. Bài thơ này được viết trong một lần tác giả đến dâng hương, viếng anh linh các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Bài thơ thể hiện niềm xúc động, lòng tự hào biết ơn đối với sự hy sinh của các thế hệ cha anh đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do cho tổ quốc. (Điểm hẹn văn nghệ)
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh ra ở làng Bích Khê, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Nhưng ông đã sớm chọn Huế để gắn bó. Ông là tác giả của các tập bút ký nổi tiếng như Rất nhiều ánh lửa (giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1980-1981), Ngọn núi ảo ảnh, Rượu hồng đào chưa uống đã say, Miền cỏ thơm (tặng thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam (1999, 2002, 2007). Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từng là tổng thư ký Hội Văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên-Huế, chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên, tổng biên tập tạp chí Cửa Việt. Năm 2007, ông được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, cùng đợt với vợ ông là nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã vĩnh biệt nhân gian ở tuổi 86, sau khi vợ ông là nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ qua đời cách đây không lâu. Ông đã khép lại hành trình “gửi nghìn năm cho mây trời, gửi cơn mê đắm cho đời phù du”.
Viết & Đọc mùa Hạ 2023 tập hợp tác phẩm của những cây bút tên tuổi, những giọng điệu đa thanh trong văn chương Việt hiện nay.
Cuốn sách “Hành trình thám hiểm Đông Dương” do Công ty sách Đông A phát hành, tóm lược toàn bộ thành quả mà phù sa sông Mê Kông kiến tạo nên suốt nhiều thế kỷ. Ấn bản có hơn 300 bức hình khắc kèm thêm phụ bản ảnh với giá trị tư liệu, lịch sử, văn hóa về phong cảnh, di tích, công trình kiến trúc và đời sống sinh hoạt của người dân xung quanh dòng sông Mê Kông. Đây vốn là báo cáo của Đoàn thám hiểm sông Mê Kông từ năm 1866 đến năm 1868. Phần lớn các hình khắc này được thực hiện dựa trên các bức tranh hoàn chỉnh hoặc hình vẽ lại từ bản mô tả của họa sĩ Louis Delaporte, là thành viên của đoàn thám hiểm. Từng chương cuốn sách giống như những thước phim lịch sử giá trị, tái hiện chân thực đời sống, cảnh quan, phong tục, văn hóa của các dân tộc cư ngụ trên bán đảo Đông Dương vào thế kỉ XIX. (Điểm hẹn văn nghệ)